Báo Mỹ: “Con tàu TPP sắp cập bến”
Bài báo trên tờ New York Times của Mỹ nhận định, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một con tàu khổng lồ sắp cập bến.
Được ví như một con tàu khổng lồ sắp cập bến, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ hoàn thành đàm phán và đi đến ký kết tại Washington (Hoa Kỳ).
Hiện bộ tài liệu của Hiệp định đã lên tới 30 chương và vẫn đang trong quá trình đàm phán sau gần 10 năm. Hiệp định đặt ra những điều khoản về thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ với 11 nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, Hiệp định TPP khi được ký kết sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, mở ra những cơ hội mới và góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21.
Dưới đây là câu hỏi quan trọng cần biết về Hiệp định TPP.
TPP bao gồm những quốc gia nào?
Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một thỏa thuận thương mại tự do được đề xuất giữa 12 quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, gồm: Canada, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Chile và Brunei.
TPP có tầm quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế toàn cầu?
12 quốc gia tham gia đàm phán TPP là 12 nền kinh tế khác nhau. Đây là một nhóm với các nền kinh tế đa dạng với tổng GDP lên tới 28 nghìn tỷ USD; chiếm 40% tổng GDP toàn cầu và 1/3 giao dịch thương mại toàn cầu.
Tại sao lại là năm 2015?
TPP được xem như một lực đẩy giúp giải quyết những vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế toàn cầu như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, truyền thông qua biên giới.
Bên cạnh đó, kinh doanh truyền thống cũng là vấn đề được quan tâm. Nước Mỹ đang rất hào hứng trong việc thiết lập Hiệp định thương mại tự do với 5 quốc gia khác bao gồm: Nhật Bản, Malaysia, Brunei, New Zealand và Việt Nam.
Đàm phán TPP bao gồm những nội dung gì?
Thuế quan và hạn ngạch: Các quy định về thuế quan và hạn ngạch sẽ được đưa ra một cách đầy đủ và cụ thể nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa của các nước thành viên trong việc cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ hơn từ nước ngoài.
Môi trường, lao động và quy định về quyền sở hữu trí tuệ: Các nhà đàm phán Hoa Kỳ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định TPP chính là tạo ra một sân chơi bình đẳng với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, lao động, cũng như giám sát quyền sở hữu trí tuệ.
Thông tin: Hoa Kỳ mong muốn hiệp định TPP sẽ giải quyết những tồn tại của truyền thông qua biên giới phát sinh từ những thỏa thuận trước.
Dịch vụ: Một trong những mục tiêu lớn nhất của TPP là tạo thuận lợi cho lĩnh vực dịch vụ; hiện đang chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế Mỹ. Mỹ có lợi thế lớn về cạnh tranh trong các lĩnh vực dịch vụ bao gồm: tài chính, kỹ thuật, phần mềm, giáo dục, luật pháp và công nghệ thông tin.
Doanh nghiệp nhà nước: Hoa Kỳ đang nỗ lực trong đàm phán về quyền bình đẳng trong ưu đãi giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Trong số các nước đang đàm phán TPP, Việt Nam và Malaysia là hai quốc gia còn nhiều doanh nghiệp nhà nước đang được ưu đãi lớn; trong đó Hoa Kỳ có tỷ lệ ít hơn.
Tại sao tất cả thông tin đàm phán đều bí mật?
Theo Phòng thương mại Hoa Kỳ cho biết, nội dung đàm phán TPP cần trao đổi ở mức độ sâu, rộng và xuyên biên giới quốc gia. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả đàm phán, mọi thông tin cần được giữ bí mật.
>>>Dệt may hưởng lợi từ TPP: Trung Quốc hay Việt Nam?
Thảo Anh
New York Times