Bài toán hóc búa của Nhật Bản mang tên "người già"
Sau khoảng 15 năm nữa, nếu không có thay đổi gì đột biến về số lượng người nhập cư, thì cứ 3 người Nhật sẽ có 1 người trên 75 tuổi.
- 17-09-2015Nhật Bản bị hạ xếp hạng tín nhiệm xuống A+
- 30-04-2020Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 200 tỉ yên cho Việt Nam
- 15-09-2015Nhật Bản quyết định tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ
Thành phố Yokosuka dù chỉ cách thủ đô Tokyo chưa đầy 1 giờ lái xe đang trở nên ngày một hoang vắng. Ở đây, cứ 5 ngôi nhà thì có 1 ngôi nhà không có người ở. Tỷ lệ nhà bỏ trống tăng nhanh trong những năm gần đây bởi số lượng người già mất đi ngày một nhiều, trong khi phần lớn người trẻ chuyển hết ra thành phố để sống.
Chính quyền thành phố Yokosuka đã phải cố gắng đưa ra nhiều chính sách để mang đến một “cuộc sống mới” cho những căn nhà trống. Ông Noriyuki Shima, trưởng bộ phận quy hoạch thành phố, cho biết chương trình khuyến khích thuê mua các căn nhà cũ đã được khởi động từ tháng 4 năm nay nhưng thành công còn rất hạn chế.
Nửa năm đã trôi qua mà họ mới chỉ bán được có một căn nhà và cho thuê thêm được một căn khác. Tuy nhiên, chính quyền vẫn đang cố gắng sáng tạo ra các cách mới để đưa thêm được người đến ở trong các căn nhà trống này.
Chính sách nhà ở của Nhật hiện nay khá chặt chẽ, một căn nhà gỗ sẽ trở thành vô giá trị sau 22 năm, con số trên với nhà bê tông là 47 năm. Chính vì vậy, nhà càng cũ thì giá trị bán lại càng thấp.
Từ khoảng năm 2000 đến nay, mỗi năm có thêm khoảng nửa triệu căn nhà cũ bị bỏ trống. Số lượng nhà trống hiện ít nhất cũng khoảng 10 triệu căn. Dù một số người chấp nhận chuyển đến sống tại những căn nhà như thế này, nhưng bởi vị trí khá xa trung tâm, số lượng người như vậy không nhiều. Phần lớn trong số họ làm nghề tự do, chủ yếu liên lạc với công ty ở các thành phố lớn qua mạng Internet.
Noriko Sakai là một người như vậy. Cô và một người bạn khác đồng ý đến sống trong một căn nhà gỗ khá cũ kỹ ở trung tâm Yokosuka bởi giá thuê nhà chỉ 10 nghìn yên (1,8 triệu đồng/tháng) cho 2 người. Tuy nhiên cô cũng cho biết cô sẽ chỉ ở đây cho đến khi tìm được công việc tốt hơn và rồi cô cũng sẽ chuyển đến các thành phố lớn.
Một đất nước của người già
Yokosuka không phải thành phố duy nhất ở Nhật đối diện với tình trạng trên. Ở nhiều tỉnh và thành phố khác của Nhật như Tokyo, Hokkaido hay Okinawa, dân số già đang gây sức ép lớn lên hạ tầng y tế. Trong 10 năm tới, Tokyo dự kiến sẽ có khoảng 1,75 triệu người trên 75 tuổi, hạ tầng y tế của Tokyo được dự báo sẽ sớm trở nên quá tải.
Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố, tính đến ngày 15/09/2015, cả nước có khoảng 10 triệu người trên 80 tuổi. Như vậy có nghĩa là cứ 10 phụ nữ Nhật thì có 1 người trên tuổi 80. Số lượng người trên 80 tuổi chiếm 7,9% dân số.
Ngoài ra, số lượng người trên 65 tuổi cũng chạm mức cao chưa từng có là 33,84 triệu, tương đương 26,7% tổng dân số Nhật.
Trong thập kỷ qua, tổng dân số Nhật giảm khoảng 940 nghìn. Trong khi đó số lượng người già trên 65 tuổi tăng thêm 8,08 triệu.
Còn theo Bộ Lao động Nhật, số lượng người trên 65 tuổi những vẫn đang làm việc đạt mức kỷ lục 6,81 triệu trong năm 2014 và như vậy đã tăng 11 năm liên tiếp.
Vấn đề người già đã gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ giới chính trị gia Nhật Bản. Mới đây, đã có một chính trị gia Nhật đề xuất gửi 1 triệu người già ở Tokyo đi các tỉnh khác để giảm tải cho hệ thống y tế Tokyo, tuy nhiên đề xuất đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.
Chính quyền các tỉnh khác cho rằng Tokyo không nên lợi dụng vị thế của thủ đô để đẩy các tỉnh vào thế khó bởi như vậy ngân sách các tỉnh sẽ chịu rất nhiều sức ép. Nếu Tokyo muốn làm như vậy, Tokyo cần phải phân bổ ngân sách cho các địa phương để họ có thể chăm sóc người già cho Tokyo.
Người già Nhật của tương lai sẽ khác hiện tại như thế nào?
Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, lịch sử nước Nhật sang một trang mới. Đất nước bị tàn phá nặng nề. Dưới sự kiểm soát của người Mỹ, hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội thay đổi gần như toàn bộ. Ký ức của thời hậu chiến vẫn còn nguyên trong tâm trí của những người già Nhật hiện nay. Họ đã ngoài 75 tuổi, thế nhưng câu chuyện của thời thanh niên vẫn như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua.
Khi ấy, cả nước Nhật bắt tay vào xây dựng đất nước. Đàn ông chấp nhận làm việc bất kể giờ giấc để đóng góp cho nền kinh tế. Họ kết hôn và sinh con. Phụ nữ phần lớn ở nhà chăm sóc con cái và làm nội trợ. Phần lớn chuyển đến sống ở các khu vực đô thị lớn và mua nhà ở đây. Chính vì vậy, ở các khu vực đô thị lớn của Nhật, tỷ lệ người già rất cao. Ký ức của thời kỳ kinh tế khó khăn thời hậu chiến khiến họ cũng rất tiết kiệm. Và không giống với người già ở các nước phát triển, người già Nhật sống biệt lập và khép kín hơn rất nhiều.
Kết quả một cuộc khảo sát với 5 nước phát triển bao gồm Mỹ, Pháp, Đức, Hàn Quốc và Nhật cho thấy, người già Nhật ít giao tiếp với con cháu (không sống chung) và hàng xóm nhất. Thế nên mới có những trường hợp nhiều người già qua đời trong nhà đã lâu ngày mới được người khác tìm thấy. Rõ ràng, chính phủ Nhật cần có những chính sách để giúp cho người già Nhật hòa nhập và nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ cộng đồng, đặc biệt với những người có sức khỏe thể chất hạn chế.
Người già Nhật của tương lai sẽ khác rất nhiều so với những người già hiện nay vốn đã trải qua thời kỳ kinh tế đói nghèo và khó khăn hậu Chiến tranh Thế giới.
Những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ trẻ em (baby boomer) lớn lên khi kinh tế Nhật tăng trưởng nhanh, rồi sau đó phải trải qua giai đoạn kinh tế tăng trưởng bong bóng (1986-1991) bắt đầu về hưu. Trong độ tuổi này, số lượng phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động trở nên đông đảo hơn, vì vậy họ có ít con hơn.
Con cái của họ lớn lên khi kinh tế Nhật suy thoái. Nhóm người trẻ này sẽ nghèo hơn cha mẹ họ, thích sống độc thân lâu hơn, và thậm chí cũng có ít con hơn.
Khi tỷ lệ dân số già cao như hiện tại, ngay cả những người già cũng sẽ phải làm việc lâu hơn bởi nếu không Nhật sẽ thiếu hụt lao động trầm trọng. Đến năm 2030, 30% dân số Nhật sẽ là người già, với những khó khăn kinh tế mà con cái họ đang đối mặt, người già Nhật khó có thể mong chờ sự hỗ trợ nhiều từ con.
Sự hỗ trợ từ chính phủ cũng sẽ hạn chế bởi dù tỷ lệ dân số già cao nhưng Nhật chỉ dành khoảng 7,9% GDP để chăm sóc cho người già, trong khi đó con số này với Mỹ là 16%. Như vậy, có thể hình dung ra người già Nhật trong tương lai sẽ làm việc lâu hơn, sống độc thân nhiều hơn và… nghèo hơn so với thế hệ hiện tại.
Trí Thức Trẻ/CafeBiz