Bài toán mới cho kinh tế thế giới
Sau 5 năm phục hồi từ khủng hoảng, các nền kinh tế phát triển vẫn yếu ớt một cách đáng thất vọng.
- 14-05-2014Kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro lớn
- 09-05-2014Dân số giảm - Mối lo ngại lớn đe dọa nền kinh tế thế giới
- 13-02-2014Kinh tế thế giới 2014: Đi trên dây
- 03-01-2014Mong manh kinh tế thế giới 2014
- 21-12-2013Kinh tế thế giới năm 2013 qua những biểu đồ
Các nhà kinh tế học dự báo 2014 là năm mà kinh tế toàn cầu sẽ bước sang một giai đoạn mới. Thế nhưng, sau 5 năm phục hồi từ khủng hoảng, các nền kinh tế phát triển vẫn yếu ớt một cách đáng thất vọng. GDP Mỹ tăng trưởng với tốc độ 0,1% trong quý I, trong khi tăng trưởng của eurozone chỉ ở mức 0,8% (bằng một nửa so với dự báo). Một số điểm yếu chỉ mang tính tạm thời (thời tiết xấu ở Mỹ) và không phải nước nào cũng gặp phải (Anh và Đức vẫn ghi nhận tăng trưởng tăng tốc).
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lý do khiến người ta lo lắng. Một vài nước lớn ở châu Âu (đặc biệt là Italy và Pháp) ngày càng lún sâu vào trì trệ. Vì thuế tiêu dùng tăng lên kể từ tháng 4, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản được dự báo sẽ giảm xuống (chí ít là trong ngắn hạn).
Ở Mỹ, đà phục hồi của thị trường nhà đất đang chững lại. Và, trên khắp thế giới, lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn – thước đo dự báo của nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế và lãi suất – đã giảm mạnh. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức 2,5% - thấp hơn so với cuối năm 2013.
Giải pháp cho tình trạng hiện nay là gì? Câu trả lời “cơ bản” nhất là các NHTW cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Những yếu kém của eurozone sẽ được giải quyết phần nhiều nếu NHTW châu Âu hành động. ECB vốn luôn từ chối áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ kể cả khi châu Âu tiến gần hơn đến kịch bản giảm phát. May mắn là ECB đã phát tín hiệu sẽ hành động vào cuộc họp tháng 6 tới.
Mặc dù nới lỏng tiền tệ là điều kiện tiên quyết để nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn, rõ ràng là chừng đó chưa đủ. Trên thực tế, phụ thuộc quá nhiều vào các NHTW cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay. Trong những năm gần đây, chính sách tiền tệ thường xuyên là công cụ chính hỗ trợ tăng trưởng cho các quốc gia. Ngược lại, các nước đồng loạt thắt chặt chính sách tài khóa.
Chỉ có một số ít nước mong muốn thực hiện cải cách về phía cung – những cải cách có thể nâng cao sản lượng và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.
Dẫu sao thì có thể nói các NHTW đã thành công khi tạo ra tình trạng ổn định. Tuy nhiên, ổn định lại đi liền với tốc độ tăng trưởng yếu và lãi suất thấp. Mức độ biến động không lớn ảnh hưởng đến giá tài sản nhiều hơn là đầu tư thực sự, do đó dẫn đến nguy cơ bong bóng tài chính xuất hiện trước khi nền kinh tế hồi phục tối đa.
Có một cách để giải quyết những rủi ro này: các thống đốc NHTW hãy sử dụng các công cụ quản lý để đối phó với bong bóng tài sản. Điều này đặc biệt cần thiết ở nước Anh, nơi thị trường nhà đất đang bộc lộ rõ những dấu hiệu bất ổn.
Để thành công, các nước cần hai nhân tố. Thứ nhất, cần tăng cường đầu tư công vào cơ sở hạ tầng đang xuống cấp. Số tiền đi vay ở mức lãi suất thấp kỷ lục hiện nay sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giúp đà hồi phục giảm lệ thuộc vào nợ tư nhân.
Thứ hai, ngoài những lợi ích rõ ràng của thương mại tự do, mỗi nước đều có rất nhiều cơ hội để cải cách và khắc phục những điểm yếu trong nước.
Quá trình cải tổ đòi hỏi các chính trị gia phải phân biệt được hoang phí ngân sách và vay mượn khôn ngoan. Và, quan trọng hơn cả là cần những chính trị gia có quyết tâm để mạnh tay cải tổ.
Thu Hương