MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bạn đang làm gì ở tuổi 19? Chàng trai 'tuổi teen' này đã sở hữu cả một cửa hàng nhượng quyền

29-09-2015 - 14:00 PM | Tài chính quốc tế

Ron Balchandani không phải là hình ảnh bạn thường thấy ở những cô cậu tuổi teen, cậu đã tích lũy kiến thức nền tảng từ rất sớm và sau đó đã xây dựng thành công doanh nghiệp ở tuổi 19. Những bài học từ Balchandani không chỉ đáng giá với các bạn trẻ mà còn đáng để các startup nhìn vào.

Ở tuổi 17, Ron Balchandani đã làm việc ở công ty kế toán để học hỏi kiến thức tài chính doanh nghiệp. Sau đó, trong thời gian học đại học UCLA, cậu làm việc một quỹ tư vấn đầu tư tương hỗ.

Đây chính là những bước đệm giúp Balchandani khởi đầu sự nghiệp sở hữu một cửa hàng nhượng quyền ở độ tuổi 19. Thương hiệu cậu chọn mua nhượng quyền là Minuteman Press.

Và quả thật, Minuteman Press không sai lầm, Balchandani đã chứng minh lòng trung thành của mình với thương hiệu nhượng quyền và loại trừ lo lắng thường gặp ở những thương hiệu bán nhượng quyền là người mua sẽ chăm lo cho lợi ích cá nhân thay vì cho cả thương hiệu.

Dưới đây là một số thông tin về doanh nhân tuổi teen đầy đam mê và bản lĩnh này:

Tên: Ron Balchandani

Thương hiệu nhượng quyền: Minuteman Press ở Northridge, California, Mỹ

Bạn sở hữu thương hiệu nhượng quyền (franchise) được bao lâu rồi?

Tôi sở hữu franchise của Minuteman Press đã được hơn 1 năm.

Vì sao bạn chọn nhượng quyền?

Một thương hiệu được nhượng quyền là hệ thống đã được chứng minh hiệu quả và tôi không muốn phát minh lại bánh xe. Với việc đồng hành cùng Minuteman Press, tôi biết mình đang nắm trong tay công thức thành công đã được chứng minh và tôi có thể giảm rủi ro.

Thêm nữa, một doanh nghiệp nhượng quyền có nhiều quyền lực trên bàn đàm phán với nhà cung cấp hơn so với doanh nghiệp nhỏ đơn lẻ, vì thế công ty của tôi có thể giảm chi phí đầu vào nhiều hơn so với con số tôi đáng lẽ phải trả nếu làm một mình.

Bạn làm gì trước khi trở thành người sở hữu cửa hàng nhượng quyền?

Hiện giờ tôi 21 tuổi và tôi đã bắt đầu mua nhượng quyền Minuteman Press từ năm tôi 19. Tôi cảm thấy bình thường khi sở hữu một doanh nghiệp ở độ tuổi trẻ như vậy bởi vì trước đó tôi đã từng làm việc cho công ty kế toán từ năm 17 để học các kiến thức tài chính trong nhiều ngành. Sau đó, tôi làm việc trong hãng tư vấn quỹ đầu tư tương hỗ song song với thời gian học đại học tại UCLA.

Tại sao bạn chọn hình thức nhượng quyền đặc biệt như vậy?

Minuteman Press là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành in và dịch vụ marketing và quan trọng hơn là họ có hệ thống nhượng quyền quan tâm đến cả khía cạnh con người và doanh nhân trẻ. Minuteman Press gây ấn tượng đặc biệt với tôi bởi vì họ nổi tiếng trung thành với bên mua nhượng quyền.

Tôi đã học được rất nhiều khi trò chuyện với những người mua nhượng quyền khác, họ rất hài lòng với các khóa huấn luyện và hỗ trợ mà công ty cung cấp.

Không giống như những người mua nhượng quyền khác, tôi tìm hiểu kỹ hơn về thương hiệu nhiều khía cạnh hơn dưới nhiều vai trò khác nhau, Minuteman Press đã cho tôi thấy được từ đầu họ thật sự tin tưởng tôi có thể trở thành câu chuyện thành công. Một số công ty bán nhượng quyền khác họ chỉ coi trọng phòng thủ cho thương hiệu của mình, nhưng Minuteman Press thì khác.

Bạn đã đầu tư bao nhiêu trước khi chính thức khai trương?

Tổng chi phí khoảng 124.000 USD (khoảng 5 tỷ đồng). Nội thất và thiết bị hết 23.700 USD; thiết bị in offset và kỹ thuật số, thêm các hệ thống khác hết 90.700 USD; hệ thống máy tính tầm 9.500 USD.

Bạn nhận được những lời khuyên từ đâu?

Tôi học được các kiến thức về tài chính doanh nghiệp trong thời gian làm việc tại công ty kế toán. Về sau này, tôi cũng nhận được những kiến thức từ những người mua nhượng quyền Minuteman Press khác. Mặt khác, tôi cũng rất cảm kích những khóa đào tạo toàn diện và chương trình hỗ trợ tại chỗ của Minuteman Press.

Tôi không hề có kinh nghiệm nào trong ngành in ấn hoặc marketing trước khi tôi mua nhượng quyền. Vì vậy tôi rất trân trọng tất cả các khóa huấn luyện và hỗ trợ từ văn phòng công ty cũng như từ các nhóm hỗ trợ tại địa phương của Minuteman Press, họ luôn có mặt khi tôi cần. Phó chủ tịch khu vực của tôi, Dan Byers, và người đại diện marketing lĩnh vực, Jack Panzer, đều làm việc với đại diện địa phương rất tuyệt.

Thử thách nào bạn không mong chờ nhất khi kinh doanh nhượng quyền?

Tôi đã làm nghiên cứu công phu trước khi mở công ty. Thậm chí khi đã chuẩn bị rất kỹ, mở một doanh nghiệp cũng không dễ dàng. Thách thức lớn nhất với tôi chính là tuổi tác. Khởi nghiệp ở độ tuổi 19 và giờ là 21, hầu hết nhân viên đều lớn tuổi hơn tôi và tôi biết rất khó để họ nghe theo một người nhỏ tuổi hơn mình.

Về điểm này, tôi phải đảm bảo tất cả nhân viên được trao cơ hội nêu lên quan điểm cá nhân trước khi tôi có quyết định cuối cùng. Kết quả là tôi ngày càng gần gũi hơn với nhân viên của mình và trân trọng những cống hiến của họ, chúng tôi dần trở thành gia đình lớn.

Bạn có lời khuyên nào cho những người muốn sở hữu thương hiệu nhượng quyền của riêng họ?

Làm việc chăm chỉ và làm việc thông minh rất quan trọng. Nói về làm việc chăm chỉ, tôi đảm bảo tất cả nhân viên của mình luôn có thể đi đến tận cùng vì mỗi một khách hàng, giữ cho nơi làm của mình sạch sẽ và chuyên nghiệp.

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng sự sạch sẽ có thể tạo khác biệt lớn trong nhận thức của khách hàng về doanh nghiệp nhượng quyền của bạn. Làm việc thông minh cũng quan trọng và công nghệ là một cách giúp tôi làm việc thông minh. Công nghệ mới cho phép tôi cắt giảm chi phí, tăng năng suất và tiếp cận khác hàng hiệu quả.

Cách tốt nhất là học theo những người thành công. Tuy vậy, cũng có một số người gây ảnh hưởng xấu hoặc tổn hại cho bạn. Những người trẻ cần học cách nhận biết đâu là điểm khác biệt. Cha tôi luôn nói với tôi một điều khi tôi lớn: “Nếu con đi với người què, con học được cách đi khập khiễng”.

Bởi vì có đến 80% công ty khởi nghiệp thất bại trong 2 năm đầu nên việc bạn khởi đầu từ nền tảng vững chắc rất quan trọng. Mua nhượng quyền là cách hay để thực hiện chỉ cần bạn chịu làm việc chăm chỉ.

Bạn sẽ làm gì tiếp theo cho bản thân và cho công ty của mình?

Bước tiếp theo tôi sẽ mở rộng công ty của mình bằng cách nâng cấp phương thức điều hành. Về mặt cá nhân, tôi có kế hoạch lớn cho tương lai. Trong thời gian rảnh, tôi viết sách dạy cho người trẻ cách đầu tư. Tôi luôn muốn nói rằng sinh viên nên học đầu tư. Đại học hiếm khi dạy sinh viên về ngân sách và cách kiếm tiền mà không phải đi làm công.

Trên hết, họ chuẩn bị tốt nghiệp rồi làm công việc bình thường nào đó. Người trẻ phải học cách chi trả cho những tài sản đáng giá. Tôi đã được dạy từ rất sớm: “Tôi nên bỏ tiền cho những thứ cần thiết để được nhận lại, không bao giờ chỉ chi suông”.

Mọi việc sẽ tốt hơn khi bạn đầu tư từ tiền tiết kiệm và chỉ chi tiêu dựa trên tiêu chí lợi nhuận. Tôi có niềm tin mạnh mẽ về việc các bạn trẻ hiểu mô hình này càng sớm càng tốt.

 

Theo Phương Võ

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên