MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bằng cấp đem lại bao nhiêu của cải?

03-07-2014 - 09:40 AM | Tài chính quốc tế

Nhìn chung, đầu tư vào tấm bằng đại học vẫn là một khoản đầu tư tốt. Tuy nhiên, giống như mọi khoản đầu tư khác, không thể chắc chắn ai cũng giành chiến thắng.

Tấm bằng đại học có phải là một khoản đầu tư tốt? Đây là điều mà nhiều người vẫn thắc mắc, đặc biệt là ở những nước mà học phí ngày càng đắt đỏ do nhà nước không còn hỗ trợ nhiều như trước. 

Một nghiên cứu mới đây cho rằng quan điểm xưa nay vẫn là đúng: tấm bằng đại học là thứ đáng đồng tiền bát gạo. Ví dụ, ở Mỹ và Eurozone, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm những người có bằng đại học thấp hơn nhiều so với mức trung bình. Dẫu vậy, lợi ích mà tấm bằng đại học đem lại đối với từng người không phải lúc nào cũng giống nhau. Thậm chí, trong một số trường hợp, học lên cao là một quyết định khá rủi ro.

Cũng giống như bất cứ loại hàng hóa nào trong nền kinh tế, giá trị của một tấm bằng phụ thuộc vào cung và cầu. Phần chênh lệch giữa mức lương trung bình mà người có bằng đại học nhận được và người mới chỉ tốt nghiệp phổ thông được gọi là “college wage premium”. Khi các doanh nghiệp thiếu lao động có trình độ cao, nhu cầu tuyển người có bằng đại học tăng lên và do đó khoản chênh lệch cũng tăng lên. Khi nguồn cung lao động có bằng đại học tăng nhanh hơn nguồn cung lao động có trình độ thấp hơn, mức chênh lệch ổn định hoặc giảm xuống. 

Mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động có bằng đại học của các quốc gia có đôi chút khác biệt, xu hướng ở các nước phát triển là rất rõ ràng. Trong ít nhất là 1 thế kỷ gần đây, các công ty luôn cố gắng tuyển những lao động có trình độ cao nhất. Tuy nhiên, chênh lệch không có nhiều thay đổi bởi số người có bằng đại học không tăng trưởng đồng đều. Ở Mỹ, mức chênh lệch khá cao trong thời kỳ đầu thế kỷ 20 nhưng lại giảm mạnh trong những năm sau chiến tranh (bởi nguồn cung lao động có trình độ cao tăng lên). Đến những năm 1970, xu hướng lại đảo ngược. 

Tỷ lệ theo học đại học cũng tăng chậm hơn ở các nước phát triển nhưng đã tăng mạnh trở lại trong mấy thập kỷ gần đây. Người lao động cao tuổi ở Mỹ có trình độ học vấn cao hơn khá nhiều so với bộ phận tương tự ở các nước phát triển khác (theo số liệu của OECD). Ngược lại, không có sự khác biệt trong giới trẻ. Elena Crivellaro (đến từ ĐH Venice) lưu ý rằng từ năm 1990 đến 2005, số lượng sinh viên đại học tăng khoảng 50% ở các nước Bắc Âu và khoảng 30% ở các nước Nam Âu. Tỷ lệ tăng trưởng ở Mỹ vào khoảng 26%. 

Thị trường lao động châu Âu thay đổi nhanh đến mức sinh viên tốt nghiệp đại học đã trở nên bão hòa. Cùng với mức lương tối thiểu hào phóng, college wage premium gần như bằng 0 ở châu Âu. Trong những năm 2000, chỉ số này tăng lên ở Pháp, Ireland và đặc biệt là Anh nhưng lại giảm ở Đức. Năm 2011, lao động Mỹ có bằng đại học kiếm 77% so với người chỉ có bằng tốt nghiệp phổ thông. Tỷ lệ chênh lệch ở Anh là 57%, ở Pháp là 47% và ở Thụy Điển chỉ là 25%. 

Trên con đường thăng tiến sự nghiệp, con số chênh lệch tăng lên đáng kể. Christopher Avery (đến từ ĐH Harvard) và Sarah Turner (đến từ ĐH Virginia) ước tính rằng từ năm 1965 đến 2008, giá trị ròng của học phí tăng từ 213.000 lên 590.000 đối với nam giới và tăng từ 129.000 lên 370.000 đối với nữ giới (tính theo USD năm 2009). Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng bất bình đẳng gia tăng trong lực lượng lao động Mỹ có nguyên nhân quan trọng là chi phí theo học đại học ngày càng tăng. 

Bất chấp những số liệu này, theo học đại học vẫn giống như một “canh bạc” ở các nước phát triển. Từ năm 1993 đến 2012, số sinh viên Mỹ phải dùng đến nợ sinh viên đã tăng 25 điểm phần trăm. Mức nợ trung bình cũng tăng gấp đôi sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát. 


Những gì người học thu được sau khi bỏ nhiều tiền của cho tấm bằng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trước hết là cái tên của ngôi trường. Một khảo sát mới được thực hiện bởi Payscale cho thấy đối với những cái tên danh giá như Caltech và MIT, lợi nhuận sau 30 năm của tấm bằng cử nhân vào khoảng 2 triệu USD. Những trường bị xếp ở cuối bảng xếp hạng không có được kết quả lạc quan đến vậy. 
Ngành học cũng đóng vai trò quan trọng. Một chuyên gia đã ước tính rằng college premium ở Mỹ có thể nằm trong khoảng từ 125% (đối với người tốt nghiệp cơ khí – ngành dường như có nhu cầu vô tận) đến 40% (đối với ngành tâm lý học hoặc công việc xã hội). 

Một điểm đáng chú ý khác là đào tạo sau đại học ngày càng trở nên quan trọng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy ở Mỹ, chênh lệch giữa người có bằng đại học và người học cao hơn nữa gần như bằng 0 tại thời điểm năm 1963 nhưng đến năm 2010 đã tăng lên khoảng 27%. Ở Anh, kết quả cũng tương tự. 

Nhìn chung, đầu tư vào tấm bằng đại học vẫn là một khoản đầu tư tốt. Tuy nhiên, giống như mọi khoản đầu tư khác, không thể chắc chắn ai cũng giành chiến thắng.

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên