Basel III “đánh” nhầm đối tượng?
Mô hình ngân hàng ưu tiên cho ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế nhất lại là nạn nhân chính trong hệ thống pháp lý mới.
Người viết là ông Jacques de Larosière, đồng chủ tịch cơ quan nghiên cứu Eurofi.
Giới chính trị quyết tâm củng cố hệ thống tài chính để tránh lập lại cuộc khủng hoảng hiện nay, kết quả là tăng trưởng, việc làm và ngân sách nhà nước phải chịu tổn thất khủng khiếp.
Chỉ có thể thỏa mãn được họ nếu tăng mạnh yêu cầu về vốn trong đó đáng chú ý nhất là những quy định mới đây theo đề xuất của Ủy ban Giám sát ngân hàng Basel.
Đề xuất của Ủy ban Basel sẽ tăng vốn cấp 1 do ngân hàng nắm giữ lên ít nhất là 4 lần. Gần như chắc chắn các yêu cầu này sẽ lại được tăng lên trong mấy tuần nữa.
Nhưng “tái điều tiết” kiểu ấy có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.
Nó có thể khuyến khích chuyển các hoạt động bị đánh thuế nặng dưới hình thức các yêu cầu về vốn )ví dụ như giao dịch) tới cái gọi là hệ thống ngân hàng “bóng” (shadow banking system) vốn không chịu sự điều tiết và kiểm soát.
Sự dịch chuyển ấy có thể đe dọa sự ổn định tài chính trừ khi quá trình tái điều tiết hiện nay đi kèm với các cơ chế điều tiết và giám sát với những tổ chức “phi ngân hàng” này.
Người ta cũng đang triển khai mọi việc theo hướng này nhưng tất cả mới chỉ ở bước lập kế hoạch và sẽ còn phải mất không ít thời gian.
Điều đáng quan ngại thứ hai động chạm trực tiếp tới các ngân hàng Châu Âu và mô hình kinh doanh của họ.
Các yêu cầu về vốn và thanh khoản của Ủy ban Basel trong trung hạn sẽ khiến giảm lợi nhuận và tăng cạnh tranh thu hút tiền gửi. Không thể tránh khỏi việc tăng chi phí nhưng điều này sẽ được bù đắp bởi tăng năng suất và ắt là cả thu thêm từ khách hàng.
Do áp lực cạnh tranh mạnh thêm, một số ngân hàng sẽ có xu hướng hoạt động theo hướng mang lại nhiều lợi nhuận hơn nhưng cùng lúc đó cũng rủi ro hơn.
Phân tích về cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy hai hệ thống ngân hàng lớn có những phản ứng khác nhau.
Mô hình ngân hàng “tạo lập và phân phối” (originate and distribute) kiểu Anglo-Saxon phát triển các hoạt động giao dịch và công cụ ngoại bảng với những sản phẩm đem lại nhiều lợi nhuận nhưng rủi ro và đầy mờ ám.
Ngân hàng nào đi theo mô hình này chịu tác động nặng nề trong cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn dẫn tới việc nhà nước và ngân hàng trung ương phải mạnh tay can thiệp để tránh khủng hoảng tiếp tục lây lan.
Ngược lại, các ngân hàng tổng hợp (universal bank) tại lục địa Châu Âu lại đa dạng hóa hơn, với cả nghiệp vụ cho vay cá nhân và doanh nghiệp, quản lý quỹ và các các hoạt động khác chủ yếu dựa trên khách hàng.
Những người cho vay như thế luôn lo lắng tới khả năng trả nợ của người vay thay vì giá trị của tài sản được tài trợ; nền tảng tiền gửi vững chắc giúp toàn bộ hệ thống ổn định.
Mô hình thứ hai đã tồn tại được mà không cần nhà nước phải cứu trợ. Ngân hàng Châu Âu nào từng yêu cầu hỗ trợ phần lớn đều đã áp dụng các nghiệp vụ “ngân hàng đầu tư” rủi ro hơn như đã đề cập ở trên và mua phải các tài sản độc hại.
Rủi ro của các quy tắc mới là các tổ chức tài chính ổn định này do yêu cầu phải tăng lợi nhuận trên vốn đầu tư sẽ giảm các hoạt động có biên lợi nhuận khiêm tốn như cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thay vào đó chi phí vay vốn sẽ tăng hoặc ngân hàng sẽ tập trung hơn tới những phần cho nhiều lợi nhuận hơn (nhưng cũng rủi ro hơn) trong danh mục đầu tư. Điều này sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế thực và sự lành mạnh của hệ thống tài chính.
Điều mỉa mai nhất là mô hình ngân hàng ưu tiên cho ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế nhất lại là nạn nhân chính trong hệ thống pháp lý mới.
Còn mô hình đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay ít nhất là phần nào đó đã bị bỏ qua. Chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chạy đua tối đa hóa tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản một cách cưỡng ép.
Đây cũng chính là một trong những vấn đề lớn nhất thời tiền khủng hoảng khi khả năng sinh lời lập tức thường được cho là quan trọng hơn việc phòng ngừa rủi ro.
Đề xuất đưa ra một tỷ lệ đòn bẩy tuyệt đối mà không tính tới rủi ro thực sự của các tài sản là điều gây nhiều tranh cãi nhất trong các cải cách tại Basel. Điều này sẽ khiến các ngân hàng tập trung tài sản của mình vào những nghiệp vụ rủi ro hơn.
Kế hoạch về một tỷ lệ vốn cao hơn đối với cái gọi là các ngân hàng “mang tính hệ thống”, tức các ngân hàng lớn nhất, cũng vậy.
Tuy không được ưa chuộng ở Mỹ nhưng chúng đóng một vai trò thiết yếu tại Châu Âu đồng thời cũng đã chứng minh được sự vững chắc của mình.
Nhìn chung chính nền kinh tế Châu Âu vốn được chu cấp tới ¾ số vốn từ ngân hàng so với chỉ ¼ tại Mỹ mới là người chịu thiệt hại nhiều nhất.
Nói chung, chúng ta cần phải tính tới việc điều tiết muốn hiệu quả cần có cơ chế giám sát đủ khả năng.
Thay vì xếp chung các ngân hàng Châu Âu vào một rọ cùng những nhược điểm của mô hình Anglo-Saxon, chúng ta nên tìm hiểu và học tập những hệ thống giám sát hoạt động hiệu quả nhất trong khủng hoảng.
Theo Economist