MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu cử Pháp và Hy Lạp ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế châu Á?

12-05-2012 - 09:59 AM | Tài chính quốc tế

Rất có thể dòng vốn sẽ bị rút khỏi châu Á để đầu tư vào những tài sản an toàn hơn như trái phiếu Mỹ và vàng.

Trong 2 cuộc bầu cử ở Pháp và Hy Lạp, người dân châu Âu đã bỏ phiếu chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Giờ đây, các nhà đầu tư đang tự hỏi các diễn biến mới này sẽ có tác động gì đối với bức tranh kinh tế châu Á.

Rất nhiều nước châu Á coi châu Âu là các khách hàng chiến lược trong khi các nước này lại đang tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí còn lâm vào suy thoái. Điều này có nghĩa châu Âu sẽ chi tiêu ít hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của các nước châu Á.

Tuy nhiên, Kelvin Tay, chuyên gia quản lý tài sản đến từ ngân hàng UBS lại cho rằng các nước châu Á sẽ không bị ảnh hưởng mấy bởi giờ đây các nước này đã giảm bớt sự lệ thuộc vào châu Âu. Tỷ lệ đóng góp của xuất khẩu ở thị trường eurozone vào GDP đã không còn ở mức cao so với trước. Các thị trường dễ bị ảnh hưởng nhất là Hồng Kông (14%) và Singapore (12%). Mặc dù vậy, theo ông, khu vực này vẫn bị ảnh hưởng bởi có sự kết nối với nền kinh tế toàn cầu.

Bằng chứng cho những tác động tiêu cực là diễn biến tồi tệ của thị trường chứng khoán châu Á hôm đầu tuần (7/5) trước những lo ngại mới xuất hiện về tình hình kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, Jason Hughes đến từ IG Market lại cho rằng những thay đổi chính trị ở Hy Lạp và Pháp với xu hướng ủng hộ tăng trưởng là những tín hiệu tích cực hứa hẹn thúc đẩy xuất khẩu của các nước châu Á.

David Carbon, chuyên gia đến từ DBS nhận định dòng vốn sẽ chảy ra khỏi châu Á trong ngắn hạn với dẫn chứng những số liệu năm ngoái để minh chứng cho giả thiết này. Dự trữ ngoại hối của các nước châu Á đã giảm khoảng 200 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 năm ngoái, khi khủng hoảng châu Âu bước vào giai đoạn đỉnh điểm. Một nửa trong số đó đã quay trở lại trong 3 tháng đầu năm 2012 nhưng chắc chắn sẽ chạy ra khỏi châu Á trong một hoặc hai tháng nữa.

Theo Kelvin Tay, các nhà đầu tư đang phòng tránh rủi ro trong thời điểm hiện tại và rót vốn vào các khoản đầu tư an toàn truyền thống như trái phiếu chính phủ Mỹ hoặc vàng. Điều này có nghĩa là các tài sản rủi ro như chứng khoán, trái phiếu và tiền tệ châu Á sẽ phải chịu những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, trừ khi tình hình diễn biến của eurozone nằm ngoài tầm kiểm soát và thanh khoản bị thắt chặt mạnh, thị trường vốn châu Á vẫn có thể bật tăng trở lại.

Câu hỏi lớn nhất gây lo lắng cho các nhà đầu tư ở châu Á là liệu châu Âu có quyết định quay lưng lại với các biện pháp thắt lưng buộc bụng hay không. Theo Jason Hughes, khả năng giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ của châu Âu chính là yếu tố quyết định phản ứng của châu Á.

Anh Thư

huongnt

BBC

Trở lên trên