MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bế tắc ngân sách ở Mỹ: Tệ hơn cả châu Âu!

21-10-2013 - 15:18 PM | Tài chính quốc tế

Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa liên tiếp tranh cãi và không thể đạt được thỏa thuận, “quả bóng” trần nợ và mở cửa chính phủ được đá qua đá lại – giống hệt những gì đã diễn ra ở châu Âu.

Tưởng tượng bạn đang ở trong một chiếc taxi và người lái xe bỗng nhiên giận dữ, tăng tốc và đâm thẳng vào bức tường phía trước. Chiếc xe chỉ dừng lại vào phút cuối, cách bức tường vài inch. Tồi tệ hơn, người tài xế thông báo ông ta muốn làm điều giống hệt như vậy trong 3 tháng nữa. Bạn sẽ cảm ơn vì ông ta không giết bạn? Hay bạn sẽ tự hỏi tại sao mình lại chọn chiếc xe này ngay từ đầu? 

Thế nhưng, đó chính là “cuộc phiêu lưu” mà người dân Mỹ đã trải nghiệm trong mấy tuần vừa qua. Vào phút chót, trần nợ công được nâng lên, nước Mỹ tránh được thảm họa vỡ nợ và chính phủ mở cửa trở lại cho đến ít nhất là giữa tháng 1. 

Từ lâu nay, các chính trị gia nước Mỹ vẫn chỉ trích những người đồng cấp ở châu Âu bởi họ không giải quyết được những bất đồng về chính trị và khiến cuộc khủng hoảng rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, Washington đã cho thấy họ cũng không hơn gì so với Brussels. 

Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa liên tiếp tranh cãi và không thể đạt được thỏa thuận, “quả bóng” trần nợ và mở cửa chính phủ được đá qua đá lại giữa hai bên – giống hệt những gì đã diễn ra ở châu Âu. Thậm chí, thỏa thuận mà hai đảng vừa đạt được cũng chỉ giúp chính phủ mở cửa đến ngày 15/1 và đến 7/2 nước Mỹ lại lâm vào bế tắc về trần nợ. 

Trong khi nền kinh tế Mỹ có vẻ đang phục hồi (với tăng trưởng hứa hẹn ở mức 2,7% trong năm 2014), Mỹ có thể phải đối mặt với một đợt đóng cửa mới trong tương lai không xa. Hãy nhớ rằng đợt đóng cửa 16 ngày vừa qua đã khiến niềm tin tiêu dùng rơi xuống mức thấp nhất 9 tháng và tăng trưởng GDP quý IV có thể sụt giảm 0,6 điểm phần trăm.  

Ở châu Âu, các nhà làm luật chỉ có những cuộc đàm phán mơ hồ về liên minh ngân hàng và các giải pháp giải quyết đống hỗn độn hiện tại. Trong khi đó, ở Mỹ, đó là những vấn đề mang tính dài hạn.

Chính phủ Mỹ đang có chính sách thuế của một nước nhỏ nhưng chi tiêu như một nước lớn. Cuối cùng thì dân số (một lượng lớn những người thuộc thế hệ baby – bombers sẽ nghỉ hưu và đi kèm theo đó là những phúc lợi xã hội như lương hưu và chăm sóc y tế) sẽ khiến nước Mỹ phá sản. Theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, nếu Mỹ có thể giảm nợ xuống mức được cho là hợp lý vào năm 2030, nước này cần giảm thâm hụt ngân sách với lượng tương đương 11,7% GDP. Con số này cao hơn so với bất kỳ quốc gia phát triển nào (ngoại trừ Nhật Bản). 

Trong khi đảng Cộng hòa từ chối thảo luận về việc tăng thuế, ông Obama và đảng Dân chủ từ chối thảo luận về việc cắt giảm các khoản chi tiêu. Tổng thống không thuyết phục đối thủ từ bỏ chương trình cắt giảm ngân sách vốn đang tiếp tục ảnh hưởng đến các công việc thiết yếu như quốc phòng và nghiên cứu, trong khi đảng Cộng hòa vẫn trả tiền cho Obamacare – chương trình cải cách y tế mà họ hi vọng sẽ “giết chết” từ trong trứng nước. 

Nước Mỹ đã chịu nhiều tổn thất, nhưng không có vấn đề nào được giải quyết triệt để. Và, bên phải chịu tổn thất lớn hơn vẫn là đảng Cộng hòa. Hầu hết yêu cầu của đảng này đối với đảng Dân chủ đều không được chấp nhận. Số người ủng hộ đảng Cộng hòa giảm xuống chỉ còn 28% - thấp nhất từ trước đến nay. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên