Berkshire Hathaway thời kỳ "hậu Warren Buffett"
Sau khi Buffett thành công vượt bậc trong việc xây dựng Berkshire Hathaway thành một tập đoàn hùng mạnh, nhiều người tự hỏi Berkshire sẽ ra sao nếu vị Chủ tịch nay đã 83 tuổi ra đi.
- 23-10-2013Berkshire đánh bại Apple
- 03-08-2013Lợi nhuận của Berkshire Hathaway tăng gần 50% trong quý II
- 13-06-2013“Ngôi sao đang lên” ở Berkshire Hathaway
- 07-05-201337.000 người dự đại hội cổ đông Berkshire Hathaway
Nhà đầu tư mua cổ phiếu Berkshire Hathaway ở mức 11 USD/cổ phiếu khi Warren Buffett lên điều hành công ty này cách đây 50 năm, giữ nó suốt từ đó đến nay và ngày nay sẽ thu được 190.000 USD. Mức lợi suất hàng năm là 21%. Trong bối cảnh các cổ đông chuẩn bị tụ họp tại Omaha để dự đại hội thường niên của Berkshire vào ngày 3/5 tới, chắc chắn họ sẽ phải gửi lời tri ân đến Buffett thì thành công vượt trội của ông.
Berkshire tham gia kinh doanh rất nhiều thứ, từ bảo hiểm cho tới bán kem. Thông thường, một công ty đa dạng đến vậy sẽ phải chịu “chiết khấu tập đoàn” (conglomerate discount). Tuy nhiên, cổ phiếu Berkshire hiện đang được giao dịch với tỷ lệ giá/giá trị sổ sách (P/B) ở mức 1,4 lần.
Công thức đã được chứng minh của Buffett là tìm kiếm những công ty vững chắc với những sự phòng thủ chắc chắn trước các đối thủ cạnh tranh; để cho chủ cũ điều hành như trước và quan trọng là phải kiên nhẫn đầu tư dài hạn. Thành công trong nửa thế kỷ qua đã giúp ông trở thành “bằng chứng sống” chống lại thuyết thị trường hiệu quả - lý thuyết cho rằng kể cả nhà đầu tư khôn ngoan nhất cũng không thể vượt qua những “lời tiên tri” của thị trường và chiến thắng thị trường trong dài hạn.
Theo logic thông thường, điều cuối cùng mà Berkshire cần là một sự thay đổi. Buffett đã 83 tuổi và bất cứ ai cũng phải bắt đầu suy nghĩ điều gì sẽ xảy ra khi ông không thể tiếp tục lãnh đạo Berkshire được nữa. Và, sự thực là, một đế chế được xây dựng dựa trên những lựa chọn thành công của Buffett sẽ khó có thể duy trì phong độ khi không có ông.
Chỉ có vị thế nhà đầu tư huyền thoại của Buffett mới có thể giúp Berkshire trụ vững trước nhiều áp lực trong thời kỳ cuối những năm 1990 và có thể vừa theo sát bong bóng dotcom, vừa cắt lỗ ngay trước khi bong bóng vỡ. Cũng chính danh tiếng của Buffett khiến GE và Goldman Sachs quay sang cầu cứu dòng tiền đầu tư từ Berkshire khi họ đang mắc kẹt trong khủng hoảng tài chính. Khi Buffett đã ra đi, những điều như trên khó có thể lặp lại.
Thêm vào đó, Berkshire kiếm được nhiều lợi nhuận nhất trong vài thập kỷ trước, khi có thể dễ dàng tìm thấy những công ty bé nhỏ khao khát tăng trưởng. Giờ đây, để mở rộng đáng kể, Berkshire phải “săn voi” với những thương vụ khổng lồ và cũng phải đổi mới ban lãnh đạo công ty đó để sửa chữa vấn đề.
Buffett nói ông đã có kế hoạch lập người kế nhiệm, nhưng hội đồng quản trị của Berkshire có thể sẽ trở thành “trận địa” ngay sau khi ông không còn nắm quyền. Chức CEO đang trở thành vị trí gây nhiều tranh cãi giữa con trai của Buffett là Howard (người sẽ trở thành Chủ tịch) và những giám đốc mạnh mẽ như Bill Gates. Trường hợp doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn (thậm chí là lao dốc) sau khi quyền lực được chuyển giao từ ông chủ xuất sắc sang người "có vẻ được chọn lựa kỹ" không phải là hiếm - hãy hỏi những cổ động viên của đội bóng Manchester United. Kể cả những người hâm mộ trung thành của Buffett cũng thừa nhận rằng cổ phiếu của hãng sẽ sụt giảm mạnh khi Buffett nói lời tạm biệt.
Có lẽ tại kỳ đại hội này, Warren Buffett nên làm yên lòng cổ đông bằng những ví dụ điển hình như James Hanson của Hanson Trust và Henry Singleton của Teledyne. Hai "kiến trúc sư xây tập đoàn" của những năm 1960 và 1980 đã kết thúc sự nghiệp của họ bằng cách chia nhỏ đế chế mà họ đã tạo ra. Nhiều mảng kinh doanh của Berkshire Hathaway đã đủ lớn mạnh để một mình sống sót. Những mảng khác có thể được bán cho đối thủ cạnh tranh hoặc các công ty vốn cổ phần tư nhân.
Hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để làm việc này, nhưng Buffett nên nói với các cổ đông rằng đây là lời khuyên mà ông sẽ giành cho người kế nhiệm.
Thu Hương