Bi kịch 100 năm của Argentina
Ngày nay, nhắc đến Argentina là nhắc đến lạm phát, suy thoái và khủng hoảng. Tuy nhiên, cách đây 100 năm, đất nước này từng được mệnh danh là vùng đất của cơ hội.
- 27-01-2014Thị trường tiền tệ: Đừng khóc cho riêng Argentina
- 25-01-2014Argentina bất ngờ quyết định nới lỏng kiểm soát ngoại tệ
- 18-10-2013Những điều “điên rồ” chỉ xảy ra ở Argentina
Khi các cư dân của Buenos Aires muốn đổi đồng peso mà họ không hề tin tưởng sang USD (đồng tiền mà họ tin tưởng), họ tới “cueva” – văn phòng hoạt động giống như một “mặt trận” dành cho các giao dịch ngoại tệ bất hợp pháp. Trong một văn phòng ở gần phố Florida, những đồng peso từ các giao dịch trước đó chất thành đống trên mặt bàn.
Văn phòng nhỏ bé này thực hiện các giao dịch có khối lượng khoảng 50.000 – 75.000 USD mỗi ngày. Nỗi lo về lạm phát và đồng peso tiếp tục giảm giá (đồng tiền này đã giảm hơn 20% trong tháng 1) khiến nhu cầu về USD luôn ở mức cao. Đây cũng là một cách kinh doanh có lãi.
Khi những người môi giới đem đồng peso đi khắp Buenos Aires, họ sẽ đi qua những tòa nhà tráng lệ mang đậm dấu ấn lịch sử, như Teatro Colón (tòa nhà opera được khánh thành từ năm 1908) hay nhà ga Retiro (được hoàn thành năm 1915). Đây là những công trình biểu trưng cho Belle Époque – “thời kỳ tươi đẹp” trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra. Khi đó, Argentina được mệnh danh là vùng đất của cơ hội. Trong 43 năm trước khi năm 1914, GDP của đất nước này tăng trưởng với tốc độ 6% - cao nhất thế giới. Argentina là “cục nam châm” thu hút những người nhập cư từ châu Âu. Năm 1914, một nửa dân số Buenos Aires là người có gốc ngoại quốc.
Argentina cũng nằm trong nhóm 10 nước giàu nhất thế giới, đứng sau Australia, Anh và Mỹ nhưng đứng trước Pháp, Đức và Italy. Thu nhập bình quân đầu người tương đương 92% so với mức trung bình của 16 nước giàu có nhất thế giới. Khi đó, nước láng giềng Brazil có dân số cũng như thu nhập bình quân đầu người bằng 1/4 so với Brazil.
Có thể nói đây chính là thời kỳ huy hoàng nhất của Argentina. Mặc dù Argentina cũng có những thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt thế kỷ vừa qua và người dân cũng đã trở nên giàu có hơn hầu hết người dân ở Mỹ Latinh, đây vẫn là quốc gia có nền kinh tế rung lắc mạnh nhất thế giới. Giờ đây, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 43% mức trung bình của 16 nước giàu nhất thế giới. Thậm chí, ở ngay sân nhà Mỹ Latinh, Argentina bị vượt qua bởi Chile và Uruguay.
Rõ ràng là yếu tố chính trị đã ảnh hưởng rõ nét đến nền kinh tế Argentina. Nếu như Argentina được hưởng yên bình trong thời kỳ trước chiến tranh, kể từ cột mốc chiến tranh thế giới thứ nhất, lịch sử nước này được đánh dấu bởi chuỗi các cuộc đảo chính quân sự. Cuộc đảo chính đầu tiên diễn ra vào năm 1930, sau đó là các năm 1943, 1955, 1962, 1966 và 1976. Cuộc bầu cử năm 1989 đánh dấu lần đầu tiên trong vòng hơn 60 năm quyền lực được truyền lại cho một vị Tổng thống do dân bầu.
Mặc dù hơn 30 năm đã trôi qua, dân chủ vẫn chưa thể mang lại sự ổn định cho Argentina. Có thể dùng hình ảnh ẩn dụ quả lắc để mô tả tình trạng của người dân Argentina trong suốt 3 thập kỷ qua: từ việc nới lỏng chính sách kinh tế trong những năm 1980 chuyển sang tự do hóa theo Đồng thuận Washington trong những năm 1990 và sau đó quay lại trạng thái ban đầu dưới sự dẫn dắt của cố Tổng thống Néstor Kirchner và giờ đây là người vợ của ông - Cristina Fernández de Kirchner.
Tuy nhiên, hình ảnh quả lắc chưa thể phản ánh đầy đủ diễn biến của nền kinh tế Argentina. Nước này trải qua suy thoái trong những năm 1970 và 1980; siêu lạm phát năm 1989 - 90; khủng hoảng kinh tế năm 2001 và hiện nay mầm mống của một cuộc khủng hoảng mới đang xuất hiện. Tình hình hiện nay khác xa so với sự hỗn loạn của năm 2001, nhưng sự kết hợp giữa các yếu tố như giá cả tăng vọt, áp lực đè nặng lên tiền lương và người dân mất niềm tin vào đồng peso khiến người ta không thể nào không liên tưởng đến quá khứ.
Argentina cũng để mất vị thế đấu trường quốc tế. Nước này tự đóng sập cánh cửa bước vào thị trường vốn toàn cầu, mặc dù các cuộc đàm phán để tái cơ cấu nợ với câu lạc bộ Paris gồm các chủ nợ quốc tế vẫn đang được tiến hành.
Thu Hương