MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch của người già Hàn Quốc

12-02-2014 - 08:12 AM | Tài chính quốc tế

Những thập kỷ tăng trưởng như vũ bão đã cho phép hầu hết người dân Hàn Quốc hưởng thụ lối sống giống với một nước phát triển. Tuy nhiên, điều đó không đúng với những người cao tuổi.

Đi dọc con đường phủ đầy tuyết nằm cách nhà không xa, cụ bà 81 tuổi Hwang Sam-bun có thể dễ dàng nhìn thấy Tower Palace – tòa chung cư tráng lệ của khu Gangnam sầm uất.

Mặc dù ngôi làng Guryong nằm ngay cạnh một trong những đô thị xa hoa bậc nhất Hàn Quốc, vùng này thuộc về một phạm trù hoàn toàn trái ngược nếu xét về sự phát triển kinh tế. Những ngôi nhà lụp xụp khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh Hàn Quốc trước khi bước vào cuộc công nghiệp hóa thần tốc cách đây 1 thế kỷ với vị thế là một trong những nước nghèo nhất thế giới. 

Rất nhiều người già Hàn Quốc chỉ được hưởng những lợi ích nhỏ nhoi của quá trình đổi mới. Điều này được phản ánh ở Guryong – ngôi làng có 2.000 dân (trong số đó phần lớn là người già) và là tiêu biểu cho những vùng nghèo đói của Hàn Quốc.  

Bà Hwang và người con trai tật nguyền chỉ nhận được 124.000 won (tương đương 116 USD) mỗi tháng tiền trợ cấp. Khoản tiền này chỉ vừa đủ để trang trải chi phí năng lượng. Điều đó cũng có nghĩa là họ phải chuyển sang các tổ chức từ thiện để có được thực phẩm.

Những thập kỷ tăng trưởng như vũ bão đã cho phép hầu hết người dân Hàn Quốc hưởng thụ lối sống giống với một nước phát triển: GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc ở mức 31.950 USD trong năm 2012, cao hơn của Tây Ban Nha và New Zealand.

Tuy nhiên, số liệu thống kê trên bộ phận người cao tuổi đem đến cảm giác không mấy dễ chịu. Báo cáo được công bố năm 2012 cho thấy khoảng 49% người cao tuổi sống trong tình trạng nghèo đói – cao gấp ba so với mức trung bình của cả nước và là mức cao nhất trong số các nước thuộc OECD. Người cao tuổi chỉ nhận được rất ít hỗ trợ từ hệ thống an sinh xã hội.

Đáng buồn hơn, tỷ lệ tử tự ở người già Hàn Quốc ở mức cao nhất thế giới: khoảng 80 trên 100.000 người trong năm 2011 – tăng gấp 5 lần trong hai thập kỷ gần đây. 

Kim Yeon-myung – chuyên gia nghiên cứu về an sinh xã hội tại ĐH Chung – Ang, cho rằng người cao tuổi Hàn Quốc được sinh ra trong xã hội nông nghiệp và không hề có khái niệm chuẩn bị cho tuổi già. Họ nghĩ rằng con cháu sẽ nuôi họ.

Tuy nhiên, công nghiệp hóa cũng khiến xã hội Hàn Quốc biến đổi. Làn sóng di cư ồ ạt ra thành phố khiến người già bị bỏ lại ở vùng nông thôn. Trong khi đó, hầu hết người dân Hàn Quốc sống trong những căn hộ chật chội và không có đủ chỗ để cha mẹ của họ chuyển về ở cùng. Tốc độ tăng lương thực tế không theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế, đồng nghĩa với nhiều hộ gia đình phải chật vật. 

Đồng thời, công nghiệp hóa tạo nên một xã hội cạnh tranh hơn và thiên về vật chất hơn. Những quan niệm Phật giáo về đạo làm con phai nhạt: chỉ có 36% người được hỏi trong một khảo sát của chính phủ năm 2010 cho rằng họ có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ. Tỷ lệ năm 1998 là 90%. 

Điều này trái ngược hoàn toàn với việc cha mẹ sẵn sàng hi sinh để con cái ăn học: kể từ khi được hợp pháp hóa từ năm 1991, trường tư bùng nổ ở Hàn Quốc. 

Làm cách nào để cải thiện chế độ chăm sóc cho người cao tuổi sẽ sớm trở thành áp lực lớn cho Hàn Quốc – nước sẽ sớm trở thành một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc hiện chỉ ở mức 1,2 đứa trẻ trên mỗi phụ nữ. 

Tổng thống Park Geun-hye đã hứa hẹn sẽ tăng chi tiêu xã hội 125 nghìn tỷ won trong nhiệm kỳ 5 năm với các kế hoạch tăng lương hưu và hỗ trợ chữa trị một số bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, lời đề nghị của bà nhận được sự hoài nghi của các chuyên gia kinh tế. Bà Park không thể làm được điều này mà không tăng thuế hoặc khiến nợ quốc gia tăng lên. 

Tháng 8 năm ngoái, sự chỉ trích giới truyền thông đã dẫn đến việc hủy bỏ kế hoạch tăng thu thuế bằng cách cắt giảm trợ cấp thuế. Tuy nhiên, ngay sau đó, bà Park thông báo cắt giảm trợ cấp xã hội, cho rằng đây là điều không thể tránh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Năm 2013, GDP của Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng tốc. 

Thu Hương

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên