MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí mật ngọt ngào của "ông hoàng socola" Michele Ferrero

04-03-2015 - 09:03 AM | Tài chính quốc tế

Michele Ferrero, tỷ phú giàu nhất nước Ý và là chủ sở hữu của một “đế chế” bánh kẹo và socola tầm cỡ toàn cầu, vừa qua đời ở tuổi 89. "Ông hoàng socola" đã qua đời vào đúng ngày lễ Valentine nhưng những bài học kinh doanh của ông vẫn còn nguyên giá trị.

Nội dung nổi bật:

- Michele Ferrero là ông chủ của tập đoàn bánh kẹo sở hữu những sản phẩm nổi tiếng như kem phết socola Nutella, kẹo hạt dẻ Ferrero Rocher hay socola hình quả trứng Kinder.

- Công thức làm nên các sản phẩm của Ferrero là tuyệt mật và ông luôn đeo kính đen khi xuất hiện trước công chúng.

- Làm những điều khác biệt, chăm chút cho từng sản phẩm, không niêm yết cổ phiếu, chế độ đãi ngộ nhân viên tốt và lòng tin vào Đức Mẹ Maria là những bài học kinh doanh từ Ferrero


Trong cuộc phỏng vấn duy nhất trong đời (với tờ La Stampa), Michele Ferrero thậm chí không bỏ cặp kính đen ra khỏi mặt. Mục đích không chỉ để bảo vệ đôi mắt khá yếu của ông mà còn bởi ông rất kín tiếng trước công chúng.

Có thể coi khiêm tốn nhún nhường, không khoa trương là một sở thích của ông. Đôi lúc mọi người gọi ông là thiên tài và ông sẽ mỉm cười nói rằng bản thân chỉ thích được gọi bằng cái tên đơn giản Michele. Cậu bé Michele với chất giọng đặc sệt vùng Piedmont đã làm nên cuộc cách mạng giúp những người nông dân xứ Alta Langa xử lý những quả óc chó có hương vị tuyệt vời nhưng không được dùng đến vì quá dư thừa.

Tuy nhiên, Ferrero kín tiếng cũng vì mục đích thương mại. Ông cần phải giữ bí mật công thức làm nên Nutella – loại kem phết được được tiêu thụ 365 triệu kg mỗi năm trên toàn thế giới. Ferrero cũng sở hữu hơn 20 nhãn hiệu bánh kẹo khác và trở thành người giàu nhất Italy với tài sản ròng trị giá 23,4 tỷ USD. Ferrero đã phá lên cười khi nghe tin công thức của Coca-Cola chỉ được biết đến trong một vài giám đốc của công ty. Số người biết chính xác những gì được cho vào mỗi lọ Nutella còn ít hơn con số đó.

Dẫu vậy, Ferrero vẫn chia sẻ một vài bí mật thương mại mà trước tiên là câu nói nổi tiếng “Hãy luôn làm thứ gì đó khác biệt”. Nutella là một ví dụ xuất sắc cho câu nói này. Sự kết hợp giữa loại hỗn hợp cơ bản cùng với hạt óc chó và một chút ca cao đã được biết đến ở miền Bắc nước Ý từ thời Napoleon. Tuy nhiên, bố của ông – người sở hữu một quán cà phê bánh nhỏ nhắn ở thị trấn Alba – đã làm sống lại ý tưởng này trong thời thế chiến thứ hai, khi ca cao khan hiếm.

Đi tìm sự kết hợp hoàn hảo đã trở thành niềm đam mê, và cậu bé Michele đã trải qua những buổi tối cùng bố mẹ nếm thử nhiều loại hương vị. Năm 1949, Michele tiếp tục con đường tìm kiếm công thức hoàn hảo sau khi bố ông qua đời. Ông đã làm được điều mà chưa ai làm được trước đó: thêm vào một lượng dầu thực vật vừa đủ. Kết quả là một cuộc cách mạng: ăn socola trở thành thói quen hàng ngày thay vì chỉ vào những dịp đặc biệt như trong quá khứ. Trẻ em xếp hàng trước các cửa hàng bánh ngọt để nhận được những chiếc bánh mì phết kem socola. Năm 1964, Ferrero nghĩ ra cái tên Nutella cùng với chiếc lọ thủy tinh và sản phẩm này đã trở thành huyền thoại.

Mon Chéri – loại socola lỏng có hương vị của quả cherry – là một ví dụ khác cho bí quyết tạo nên điều khác biệt. Khi tới Đức để quảng cáo sản phẩm này, ông nhận thấy nước Đức bị tàn phá nặng nề, đến mức những sản phẩm đóng gói theo quy cách thông thường vượt quá túi tiền của người dân. Ferrero đã quyết định đóng gói sản phẩm theo quy cách hoàn toàn khác để phù hợp hơn với sức mua.

Ferrero thích làm việc với tốc độ của riêng ông, từ chối mọi đề nghị thâu tóm và từ chối cả việc niêm yết trên sàn chứng khoán. Chính nhờ con đường này, công ty của ông luôn là một gia đình. 4.000 nhân viên được đãi ngộ tốt và chưa bao giờ có một cuộc đình công nào. Khi nhà máy ở Alba bị lụt ngay trước thềm Giáng sinh năm 1994, các công nhân xuất hiện với xô và chổi, dọn dẹp hết công suất để mở cửa nhà máy chỉ trong 15 ngày sau đó.

Cũng nhờ không niêm yết cổ phiếu, ông có thể tránh được những áp lực từ bên ngoài. Ông đợi cho tới năm 1983 mới đem Nutella vào Mỹ, sau khi tung vào thị trường này loại kẹo bạc hà Tic- Tac. Nguyên nhân là vì ông không muốn cạnh tranh với bơ lạc. Năm 1974, ông kiên trì ra mắt Kinder Surprise – những quả trứng socola nhỏ bé có chứa đồ chơi ở bên trong, mặc dù tất cả mọi người đều phản đối ý tưởng này và cho rằng trứng chỉ nên xuất hiện trong lễ Tạ ơn. Tuy nhiên, tất cả những sản phẩm nói trên đều đã thành công vang dội.

Mỗi sản phẩm của Ferrero đều được nghiên cứu cẩn thận trong hai phòng thí nghiệm – một ở Alba và một ở Monaco, sau đó được tất cả các thành viên trong hội đồng quản trị dùng thử. Ông thường bí mật tới các cửa hàng để kiểm tra sản phẩm có tươi mới hay không.

Bí mật thứ ba của Ferrero sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Trọng tâm chiến lược kinh doanh của ông xoay quanh hai người phụ nữ. Người đầu tiên là “la Valeria”, cái tên ông dành cho những bà nội trợ, những người mẹ hay vú em hàng ngày đều phải đưa ra quyết định sẽ mua gì và có thể nuông chiều đứa trẻ của họ. Sản phẩm socola trắng có nhiều sữa được làm ra với suy nghĩ của một la Valeria, khi ông đi tìm câu trả lời cho câu hỏi điều gì có thể khiến một bà mẹ hài lòng hơn việc cho con mình dùng nhiều sữa hơn?

Người phụ nữ thứ hai là Đức Mẹ Maria. Mỗi sáng ông đều cầu nguyện và hàng năm đều cùng nhân viên hành hương tới Lourdes (có tin Đức Mẹ hiện ra với cô Bernadette Soubirous trong 1 hang đá nhỏ tên là Massabielle bên bờ sông Pau chảy qua thành phố này). Mỗi văn phòng hay nhà máy của Ferrero trên khắp thế giới đều có đặt một bức tượng Đức Mẹ trong bộ áo choàng trắng và chuỗi tràng hạt vàng.

Thu Hương

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên