MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bóng đá: Trò chơi đẹp, hoạt động kinh doanh bẩn?

08-06-2014 - 16:09 PM | Tài chính quốc tế

Người hâm mộ bóng đá luôn chờ đợi những trận cầu đẹp mắt ở World Cup, nhưng FIFA - cơ quan quản lý bóng đá thế giới - lại có quá nhiều bê bối.

Những pha bóng linh hoạt đầy tinh tế của Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo và nhiều cầu thủ khác là những điều được mong đợi tại kỳ World Cup sẽ khai mạc trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, đối với những người nghiên cứu về quốc tế hóa, World Cup là một ví dụ tuyệt vời cho sự kết nối, từ Đông sang Tây, từ Nam sang Bắc. Hơn bất kỳ môn thể thao nào, bóng đá là minh chứng hùng hồn cho toàn cầu hóa. Gần một nửa nhân loại sẽ cùng theo dõi kỳ World Cup sẽ diễn ra ở Brazil từ ngày 12/6.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là những vụ lùm xùm quanh giải đấu tựa như một “đám mây đen” cũng lớn như sân vận động Maracanã. Các tài liệu được tờ Sunday Times của Anh công bố đã cho thấy những khoản chi trả bí mật nhằm giúp Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022. Và, đây không phải là lần đầu tiên. Báo cáo của FIFA cho thấy một vài trận đấu trước thềm World Cup 2010 đã bị thao túng. Như thường lệ, không có ai bị trừng phạt.

Vụ Qatar làm dấy lên một vài câu hỏi. Ai cho rằng tổ chức World Cup ở một nơi nóng nực như Qatar là một ý tưởng tuyệt vời? Tại sao không sử dụng công nghệ để kiểm tra lại các quyết định của trọng tài trong bóng đá (giống như những môn thể thao khác như bóng bầu dục, khúc côn cầu và tennis)? 

Ở những môn thể thao khác, lãnh đạo liên đoàn liên tiếp mắc phải scandal tài chính như Sepp Blatter (Chủ tịch FIFA kể từ năm 1998) sẽ phải từ chức nhiều năm trước. Ngược lại, ông vẫn tại vị và gây ra nhiều rắc rối, từ những bình luận đáng trách về phụ nữ trong bóng đá cho tới phá hỏng giây phút yên lặng tưởng niệm Nelson Mandela. Người cạnh tranh với ông Blatter là Michel Platini cũng có vai trò trong việc ủng hộ Qatar đăng cai World Cup 2022. 

FIFA cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Xung quanh thế vận hội mùa đông 2002, Ủy ban Olympic quốc tế (ICC) đã gặp phải scandal tương tự như Qatar. Ông chủ của giải đua Công thức 1, Bernie Ecclestone, cũng bị buộc tội tham nhũng ở Đức. Khúc côn cầu cũng có những scandal giàn xếp tỷ số. 

Tuy nhiên, bất chấp những lùm xùm, người hâm mộ bóng đá dường như không bị ảnh hưởng. Điều mà họ quan tâm là những trận cầu đẹp mắt chứ không phải những “ông lão” điều hành liên đoàn bóng đá. 

Dẫu vậy, có lẽ họ đã nhầm khi cho rằng những vụ scandal này không hề tốn kém. Thứ nhất, tham nhũng và sự tự mãn khiến cuộc chiến loại bỏ những điều tồi tệ trở nên khó khăn. Số tiền đặt cược vào mỗi trận đấu trong khuôn khổ World Cup có thể lên tới 1 tỷ USD. Với áp lực cải cách từ bên ngoài, gần đây FIFA đã có nhiều cải cách. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ. 

Thứ hai, tham nhũng không phải không làm hại đến ai. Ngoài những quan chức liên đoàn được hưởng lợi, tổ chức một sự kiện thể thao lớn cũng được coi là cơ hội để đục khoét ngân sách nhà nước. 

Cuối cùng, chi phí cơ hội ở đây là rất lớn. Tính toàn cầu của bóng đá sẽ bị giảm xuống. Bộ môn này không được ưa chuộng ở ba nước lớn: Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Người Mỹ không thích xem bóng đá trong khi Trung Quốc và Ấn Độ chẳng bao giờ lọt vào chung kết World Cup. 

Theo lập luận của FIFA, ba nước này có lịch sử và văn hóa khác biệt và vốn dĩ đã có môn thể thao của riêng họ. Tuy nhiên, điều này càng nhấn mạnh “sự điên rồ” khi trao quyền đăng cai cho Qatar. Bầu không khí ở trụ sở FIFA tại Thụy Sĩ cũng khó có thể thuyết phục những người hâm mộ bóng đá ở Trung Quốc – vốn chán ngấy tham nhũng và giàn xếp tỷ số ở giải đấu trong nước. 

Cho dù FIFA có thay lãnh đạo, vấn đề mang tính hệ thống của tổ chức này cũng không được giải quyết. Hoạt động hợp pháp với vai trò như một tổ chức phi lợi nhuận ở Thụy Sĩ, FIFA nắm thế độc quyền đối với bóng đá thế giới. Một thể chế như vậy cần được quản lý, nhưng FIFA không thuộc về chính phủ nào. 

Giải pháp ở đây là Thụy Sĩ nên yêu cầu cải tổ FIFA hoặc rút bỏ ưu đãi thuế đối với tổ chức này. Áp dụng công nghệ để theo dõi diễn biến trận đấu một cách chính xác hơn cũng là giải pháp. 

Vấn đề nan giải nhất là cơ chế chọn nước đăng cai. Một lựa chọn là gắn cố định vào một nước, nhưng như vậy thì đội chủ nhà sẽ có lợi thế rất lớn. Thêm vào đó, giải đấu cũng đang hưởng lợi từ việc luân chuyển giữa nhiều múi giờ khác nhau. 

Một giải pháp mang tính kinh tế là trao cho nước có đội thắng cuộc quyền đăng cai trong 8 năm hoặc đấu giá quyền đăng cai. Chính sách này có lợi cho các cường quốc bóng đá, nhưng bởi vì hầu hết các nước này đã có sân vận động tầm cỡ, các nước sẽ không phải lãng phí bỏ nhiều tiền xây sân vận động. Đây cũng là động lực khuyến khích các đội giành chức vô địch. 

Đáng buồn, những người hâm mộ bóng đá là những nhà dân tộc lãng mạn chứ không phải những nhà kinh tế học thực tế. Do đó, những kiến nghị nêu trên khó lòng được chấp nhận. Bởi vậy, hãy bắt đầu từ bước nhỏ là mỗi châu lục, từ châu Âu đến châu Phi hay châu Á, hãy chấm dứt tham nhũng liên lục địa. 


Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên