Bức tường Berlin và câu chuyện mô hình tăng trưởng kinh tế
Một phần tư thế kỷ trôi qua sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, những sự kiện xảy ra tại Ukraine trong thời gian gần đây cho thấy xung đột giữa Nga và phương Tây vẫn chưa hoàn toàn kết thúc sau chiến tranh lạnh.
Giai đoạn đầu những năm 90 là một giai đoạn tràn đầy hi vọng về sự bùng nổ của các nền kinh tế Đông Âu và Trung Á sau khi các nước này từ bỏ nền kinh tế kế hoạch. Tuy nhiên trên thực tế, diễn biến của một số nền kinh tế thuộc khối Đông Âu lại khá ảm đạm, thậm chí là đi xuống so với thời kỳ trước đó. Đây là bài học về sự hỗn loạn khi thay đổi, nhưng cũng là bằng chứng cho thấy tại sao tăng trưởng kinh tế chỉ là một phần trong các thước đo về sự phát triển.
Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, GDP bình quân đầu người của nhóm gồm các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp ở khu vực Đông Âu và Trung Á đã tăng 43% kể từ năm 1990. Tỷ lệ này cao hơn các nước ở khu vực các nước châu Phi vùng cận Sahara nhưng vẫn thấp hơn các nước ở Đông Nam Á, Mỹ La Tinh, Trung Đông hay Bắc Phi.
Đối với 25 quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ, kể từ năm 1990, GDP bình quân trên đầu người của 13 quốc gia trong nhóm đã tăng trưởng chậm hơn so với mức trung bình toàn cầu. Trong tổng số 165 quốc gia mà Ngân hàng thế giới thống kê số liệu, GDP bình quân đầu người của Nga (tính theo thuyết ngang giá sức mua) xếp thứ 33 vào năm 1990 những đã tụt xuống thứ 42 trong năm 2013; trong khi Ukraine đã tụt từ hạng 55 xuống 93. Bulgari và Latvia chỉ giảm 1 bậc sau 23 năm; Romania giảm 4 bậc và Hungary giảm 8 bậc.
Ngược lại, Ba Lan đã tăng 16 bậc và trở thành quốc gia giàu thứ 45 trên thế giới nhưng đây chỉ là trường hợp cá biệt. Trong khi một số quốc gia như Albania, Ba Lan, Belarus và Armenia đã tăng thu nhập bình quân trên đầu người lên gấp đôi so với năm 1990; thì 6 nước trong khu vực Đông Âu (bao gồm Ukraine và Georgia) lại trở nên nghèo hơn.
So sánh với dữ liệu từ một báo cáo trước đó là báo cáo của dự án Maddison nghiên cứu 46 nền kinh tế trong các năm 1939, 1989 và 2010 cho thấy Bulgari là quốc gia giàu thứ 36 trong tổng số 46 quốc gia năm 1939. Đến năm 1989, Bulgari đã vươn lên vị trí số 31 và tiếp tục vươn lên vị trí số 30 vào năm 2010.
Trong khi đó, Liên Xô xếp ở vị trí thứ 27 vào năm 1939 và tăng lên vị trí số 26 vào năm 1989. Tuy nhiên đến năm 2010, Liên Xô đã tụt xuống vị trí thứ 34 trong tổng số 46 quốc gia.
Trong cuốn sách nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế được Alfred Bonne xuất bản năm 1957, tác giả cho rằng tăng trưởng chậm chạp trong những năm 1970 và 1980 cùng với sự kiện Liên Xô tan rã sau đó đã khiến nhiều người quên mất rằng các nền kinh tế thuộc khối xã hội chủ nghĩa đã từng có diễn biến rất tốt.
Điều này phản ánh sự thay đổi quan niệm về động lực đằng sau tăng trưởng kinh tế. Trong những năm sau thế chiến thứ 2, tỷ lệ đầu tư cao được xem như một cánh cửa thúc đẩy phát triển kinh tế và các nước Đông Âu rất phù hợp với mô hình này. Tuy nhiên, đến giai đoạn sau những năm 1980, khi các nhà kinh tế chuyển sang ủng hộ quan điểm mở cửa, hội nhập và tự do hóa thương mại quốc tế, quan niệm về đầu tư và tăng trưởng cũng đã thay đổi.
Tuy nhiên thực tế đã cho thấy, các nước mở cửa và áp dụng chính sách tự do hóa thương mại sớm nhất chưa chắc đã là những quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất. Đúng là Ba Lan đã cải cách mạnh mẽ hơn so với hầu hết các nước thuộc khối Liên Xô cũ và đã có được mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, Georgia cũng là "đứa con cưng" của cộng đồng quốc tế nếu xét đến tốc độ cải cách. Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, môi trường pháp luật ở Georgia còn tốt hơn ở Canada, Đài Loan hay Hà Lan. Thế nhưng, Georgia vẫn nghèo hơn so với thời kỳ trước.
[Chart] Kinh tế Đông Đức và Tây Đức 25 năm sau sự kiện bức tường Berlin
Nguyệt Quế