MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng Mỹ ráo riết chuẩn bị đối phó với kết quả bầu cử Hy Lạp

17-06-2012 - 17:32 PM | Tài chính quốc tế

Không kịp trở tay khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra, các ngân hàng lớn của Mỹ đã rút kinh nghiệm và chuẩn bị kỹ càng cho sự kiện lần này.

Hàng trăm nhân viên ngân hàng, trong đó có cả những nhân viên thuộc các đội đặc biệt đang theo dõi sát sao diễn biến của cuộc bầu cử Hy Lạp ngày hôm nay (17/6). Họ chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Điều lo sợ ở đây là các lá phiếu bầu sẽ làm tăng nguy cơ Hy Lạp phải rời eurozone và hệ thống tài chính toàn cầu bị chao đảo khi mở cửa trở lại vào ngày mai. 

Không kịp trở tay khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra, các ngân hàng lớn của Mỹ đã rút kinh nghiệm và chuẩn bị kỹ càng cho sự kiện lần này. Các biện pháp ứng phó với tình trạng bất ổn ở châu Âu đã được chuẩn bị cả 1 năm nay. Đặc biệt là trong những tháng gần đây, các kế hoạch được vạch ra kỹ càng khi mà Hy Lạp gạt bỏ những điều kiện gắn liền với gói cứu trợ đã đuợc thông qua từ hồi tháng 3. 

Ở New York và London, các ngân hàng lập các đội chống khủng hoảng và diễn tập cho các tình huống xấu nhất. Vì khách hàng sẽ trở nên hoảng loạn, các ngân hàng huớng dẫn họ cách phản ứng trước rất nhiều trường hợp khác nhau, từ kịch bản chỉ 1 nuớc ra đi cho đến kịch bản cả khối đồng tiền chung châu Âu tan rã.

Từ khi khủng hoảng xảy ra, các nhà đầu tư đã yêu cầu môi giới phải cung cấp thêm thông tin về châu Âu. David Darst, truởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Morgan Stanley cho biết ông thường phải dành cả buổi sáng bận rộn với các cuộc điện thoại xin tư vấn và câu hỏi mà ông nhận được nhiều nhất là “Ông có suy nghĩ gì về việc Hy Lạp rời eurozone và như vậy danh mục của tôi sẽ bị ảnh huởng như thế nào?” 

Các ngân hàng lớn có nhiều tài khoản liên quan đến châu Âu đã thực hiện các cuộc thử nghiệm để kiểm chứng liệu giải pháp chuyển tiền đến các quốc gia khác có thể chống đỡ đươc ảnh hưởng của việc một nuớc rời eurozone hay không. Trong tháng này, Citigroup đã thực hiện diễn tập để xem xét liệu các bộ phận khác nhau trong hệ thống thanh toán quốc tế của ngân hàng này sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp một nuớc ra đi và gây căng thẳng trên diện rộng. 

Citigroup cũng có một đội đóng ở London tập trung nghiên cứu giải pháp đối phó với khủng hoảng. Nhóm này sẽ theo dõi sát sao và báo cáo với bộ phận quản lý rủi ro về các diễn biến và từ đó các biện pháp đối phó sẽ được đưa ra xem xét kỹ luỡng. 

Hiện Citigroup có 84 tỷ USD duới dạng các khoản nợ và các hình thức khác phải chịu ảnh hưởng từ châu Âu. Theo nghiên cứu của ngân hàng này, chỉ có 8 tỷ USD được bù đắp bởi tài sản thế chấp và các biện pháp phòng vệ đối với danh mục đầu tư. 

Trong khi đó, BNY Mellon, ngân hàng có rất nhiều nghiệp vụ liên quan đến hoạt động thanh toán quốc tế, đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất từ nhiều tháng nay.  Tất cả các dịch vụ, các hoạt động và toàn bộ hệ thống đã được chuẩn bị sẵn sàng để có thể đối phó với nhiều tình huống khác nhau. 

Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng đang chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. Các hợp đồng vay nợ, trái phiếu và các sản phẩm phái sinh có liên quan đến tài sản ở châu Âu hiếm khi đựoc đưa vào danh mục. 

Hãy hình dung truờng hợp một công ty Italia nợ một ngân hàng nuớc ngoài 5 triệu euro và các điều khoản trong hợp đồng đựoc qui định theo luật lệ Italia.. Như vậy, nếu Italia rời eurozone, ngân hàng này sẽ mất đi cơ hội lấy lại tiền của mình. Nhận ra những rủi ro này, một số ngân hàng đang cố gắng chuyển đổi các điều khoản qui định trong hợp đồng sang luật Anh hoặc luật Mỹ. Bằng cách này, họ có thể nâng cao cơ hội thu hồi các khoản vay trong truờng hợp một nước rời eurozone. 

Các ngân hàng cũng cố gắng bảo vệ tài sản của mình nếu như đã “trót“ dính vào khối tài sản có nguy cơ bị chuyển đổi sang đồng tiền mới yếu hơn. Để bù đắp các khoản lỗ tài chính có thể gặp phải, các công ty đang tìm cách xây dựng cơ sở tín dụng ở các nước đang gặp khó khăn. Bằng cách này, họ có thể bù đắp các khoản cho vay bị mất đi bằng các khoản nợ ở cùng 1 nuớc. Như vậy, nếu nuớc đó có rời eurozone đi chăng nữa thì các ngân hàng và  doanh nghiệp cũng không bị mất quá nhiều tiền. 

Cuối cùng, nếu cuộc bầu cử Hy Lạp dẫn đến bất ổn trên thị truờng, các ngân hàng chắc chắn sẽ có đuợc nguồn trợ giúp khác lớn hơn những nỗ lực của chính họ cho đến thời điểm này. Trong truờng hợp thị truờng quá hoảng loạn, các NHTW  chắc chắn sẽ thực hiện cung cấp thêm tín dụng giá rẻ để có thể vực dậy hệ thống tài chính toàn cầu. 

Minh Anh

huongnt

CNBC

Trở lên trên