Các ông lớn "vạ lây" vì căng thẳng Nga - Mỹ
BP, Boeing, McDonald's cho tới các ngân hàng châu Âu đều bị ảnh hưởng không nhỏ bởi "cuộc chiến kinh tế" giữa Nga và phương Tây.
- 26-08-2014Hàng không Nga không "ngán" cấm vận
- 08-08-2014Nước nào thiệt hại nặng nhất sau lệnh cấm vận của Nga?
- 01-08-2014Sợ cấm vận, Nga quay sang châu Á
- 01-04-2014Nhìn lại các chính sách cấm vận của Mỹ
Căng thẳng ở Ukraine và đặc biệt là sự kiện tai nạn máy bay MH17 đã trở thành bước ngoặt trong mối quan hệ kinh tế giữa phương Tây và Nga. Kể từ khi khủng hoảng nổ ra ở miền Đông Ukraine vào cuối năm ngoái, Mỹ và EU liên tiếp đưa ra các lệnh cấm vận nhằm vào các cá nhân và tổ chức Nga. Đáp lại, Nga cũng đưa ra những biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các công ty phương Tây đang hoạt động ở Nga.
Nền kinh tế Nga chắc chắn bị ảnh hưởng, nhưng các tập đoàn phương Tây cũng phải hứng chịu hậu quả và hậu quả ấy không chỉ bó hẹp trong phạm vi các công ty năng lượng hay vũ khí (vốn là những ngành bị trừng phạt). 6.000 công ty Đức đang hoạt động ở Nga với phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, các tập đoàn đa quốc gia sẽ là “hàn thử biểu” thể hiện hậu quả lớn đến mức nào.
Tập đoàn dầu khí BP
Trong khi phương Tây tỏ ra rất giận dữ trước những động thái của Nga ở Crimea, tập đoàn dầu khí khổng lồ BP luôn nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh với Moscow vẫn diễn ra như thường lệ. BP có 20% cổ phần ở Rosneft – tập đoàn dầu khí trực thuộc nhà nước Nga.
Nga bị cấm nhập khẩu các công nghệ năng lượng của châu Âu có thể khiến hoạt động thăm dò của BP bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, châu Âu còn phải phụ thuộc vào khí đốt của Nga và do đó cũng phải nhẹ tay hơn.
Exxon Mobil đang giúp Rosneft khoan dầu ở Siberia trong khi Shell đang phối hợp với Gazprom triển khai các dự án khai thác dầu khí ở Viễn Đông. Hiện nay các công ty này chưa phải đối mặt với nguy cơ bị Nga tịch thu tài sản, nhưng đó là rủi ro mà họ không thể không tính đến.
Boeing
Nga có thể trả đũa phương Tây theo một cách khá dễ dàng: cấm xuất khẩu tất cả các kim loại được sử dụng trong các nhà máy sản xuất xe hơi và thiết bị hàng không. Trong trường hợp này, Boeing sẽ là tập đoàn bị thiệt hại nặng nhất bởi hơn 1/3 lượng titan mà Boeing sử dụng được nhập khẩu từ Nga. Phải tìm được nguồn thay thế trong thời gian ngắn sẽ khiến chi phí bị đội lên hoặc làm giảm sản lượng.
Nếu nền kinh tế Nga thiệt hại nặng nề từ lệnh cấm vận, Boeing cũng đánh mất cơ hội tham gia xây dựng thế hệ máy bay mới của Nga – thị trường mà Boeing nhận định sẽ có giá trị vượt 80 tỷ USD trong 20 năm tới.
Unilever
Tập đoàn đa quốc gia cung cấp những mặt hàng tiêu dùng phủ sóng toàn cầu đã phải thừa nhận rằng việc kinh doanh của hãng ở Nga đang gặp khó khăn. “Bạn có thể tưởng tượng nguyên nhân vì sao”, CFO của Unilever nói.
Unilever – ông chủ của những nhãn hàng đã quá quen thuộc với người tiêu dùng toàn thế giới như xà phòng Dove, trà Lipton hay hạt nên Knorr – có hơn một nửa doanh thu đến từ các thị trường mới nổi, trong đó có Nga. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và tâm lý thích uống trà của người Nga đã khiến Nga trở thành thị trường sáng giá của Unilever trong bối cảnh các thị trường khác ở châu Âu chững lại.
Trong các tài liệu, Unilever mô tả Nga đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn với tham vọng nâng gấp đôi lợi nhuận. Lệnh cấm vận sẽ có những hiệu quả gián tiếp khi nền kinh tế Nga tăng trưởng chậm lại ảnh hưởng đến sức mua.
Hồi tháng 6, CEO Paul Polman thừa nhận rằng tăng trưởng doanh thu ở Nga đã giảm từ mức hai con số xuống một con số, mặc dù Unilver vẫn đang có thêm thị phần.
Một công ty tiêu dùng khác cũng ở trong trạng thái mong manh là Carlsberg – hãng bia có khoảng 1/3 doanh thu ở Nga).
McDonald's
Tổng cộng đã có 5 cửa hàng McDonald’s ở Nga phải đóng cửa. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nga nói rằng hoạt động của cửa hàng này là phạm pháp bởi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng đây là hành động mang tính chính trị.
(Xem thêm: Duyên nợ của McDonald's ở Nga)
Trong mấy năm gần đây, cơ quan an toàn thực phẩm của Nga đã cấm rượu và nước của Georgia, thịt của Ba Lan và rau củ của châu Âu. Các lệnh cấm thường được đưa ra vào thời điểm tình hình chính trị căng thẳng.
McDonald’s coi Nga là 1 trong 7 thị trường quan trọng nhất trên thế giới.
Ngân hàng Raiffeisen
Ngân hàng bị tổn thương nhiều nhất trước những căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây có lẽ là ngân hàng Raiifeisen của Áo, sau đó là Société Générale của Pháp.
Mặc dù ít được biết đến ở Anh, Raiffeisen là một trong những ngân hàng ngoại lớn nhất ở Nga. Logo của ngân hàng này xuất hiện dày đặc ở các thành phố của Nga kể từ khi bắt đầu triển khai hoạt động ngân hàng bán lẻ ở đây vào năm 1996. Bán lẻ ở Nga là mảng mà các đối thủ cạnh tranh như HSBC và Barclays đã bỏ qua vì quá khó khăn.
3/4 lợi nhuận trước thuế năm 2013 của ngân hàng này đến từ Nga, đồng thời Raiffeisen cũng có 13 tỷ euro nợ xấu ở Nga. Đồng rouble liên tục lao dốc, tỷ lệ vỡ nợ tăng lên và thị trường trái phiếu Nga gặp nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân hàng này.
Không chỉ Raiifeisen, nhiều định chế tài chính châu Âu sẽ cảm nhận được hệ lụy của việc Nga bị cấm cửa trước thị trường vốn quốc tế bởi rất nhiều ngân hàng có những khoản vay lớn dành cho các tập đoàn Nga.
Thiên Bình