MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải tổ World Bank: Nghệ thuật xóa đói giảm nghèo

25-10-2013 - 19:45 PM | Tài chính quốc tế

Liệu đợt cải tổ lần này của World Bank có thể mang lại kết quả như ý muốn hay không?

Ngày 12/10, Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố chiến lược mới. Tổ chức này mong muốn đến năm 2030 sẽ chấm dứt tình trạng cực nghèo và thúc đẩy tăng trưởng thu nhập trong nhóm 40% nghèo nhất ở mọi quốc gia. 

Kể từ khi bắt đầu, World Bank đã điều hành gần 12.000 dự án ở 172 quốc gia. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ 25 năm qua khiến lượng tiền được giải ngân chỉ tương đương với gần 1% tổng GDP của quốc nước đi vay. Vì ngày càng có nhiều nước đạt được mốc nước có thu nhập trung bình và có thể tiếp cận thị trường vốn để tài trợ các dự án phát triển lớn, số nước cần vay tiền của World Bank cũng giảm đi. 

Cực nghèo là một vấn đề toàn cầu và cần có một định chế toàn cầu nỗ lực chấm dứt tình trạng này. 1 tỷ người sống với mức sống dưới 1,25 USD/ngày (mức mà WB định nghĩa là sống trong cảnh nghèo túng), phần lớn sinh sống ở các nước được phân loại là có mức thu nhập trung bình như Ấn Độ và Brazil. Bởi vậy, mục tiêu mới của WB sẽ đảm bảo tổ chức này vẫn gắn kết với các quốc gia có mức thu nhập trung bình mặc dù chính phủ các nước này có thể không còn cần đến tiền của WB. 

Mặc dù vậy, liệu chiến lược mới có thể tạo ra nhiều khác biệt hay không vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời chắc chắn. Giúp đỡ những người nghèo nhất hiện đã là điều mà WB đang làm. Mục tiêu mới chỉ đánh dấu một bước chuyển về mục tiêu và WB sẽ tiếp tục duy trì những công việc hiện nay. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ xóa bỏ tình trạng cực nghèo cũng không phải là quá sức. Các dữ liệu gần đây cho thấy thu nhập của 40% người nghèo nhất cũng tăng lên nhanh chóng, thậm chí là với tốc độ cao hơn thu nhập bình quân đầu người ở hầu hết các quốc gia đang phát triển. 

Vậy thì, liệu cách tiếp cận mới có làm nên chuyện? Sự thay đổi về mặt ngôn từ có thể không tạo nên sự khác biệt lớn, nhưng việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức là điều đáng chú ý. Từ nhiều năm nay, cơ cấu tổ chức của WB vẫn là theo châu lục (Nam Á, châu Phi …). Các khu vực sẽ kiểm soát ngân sách, thuê nhân viên và bao quát mọi việc. Họ cũng phải chịu trách nhiệm về danh tiếng vì các chuyên gia ở các khu vực khác nhau rất ít khi trò chuyện với nhau. Trong một nỗ lực nhằm phá vỡ xu hướng này, WB thành lập 14 định chế nhỏ hơn và chuyên biệt hơn hoạt động trên khắp các châu lục. 

WB cũng đã có lịch sử cải tổ trên diện rộng. Thông thường, các đợt cải tổ được thực hiện 10 năm một lần và đáng buồn là hiếm khi đạt được những thành tựu vang dội. Tuy nhiên, có một vài lý do để tin rằng lần này sẽ khác. 

WB muốn thực hiện phương pháp “chuẩn đoán bệnh”, tức xác định xem đâu là vùng cần sự trợ giúp nhiều nhất và tập trung vào vùng đó. Phương pháp này đã được thí điểm ở Ấn Độ, nơi WB phát hiện ra rằng cần tập trung vào 6 vùng chính. Nghe qua, có vẻ đây là một ý tưởng tuyệt vời. Tuy nhiên, vấn đề có thể xuất hiện ngay sau khi đã xác định được chướng ngại vật quan trọng nhất phải vượt qua. Đồng thời, không phải lúc nào mô hình này cũng có thể mang lại những chỉ dẫn chính xác như trong trường hợp Ấn Độ. 

Cũng không thể chắc chắn cơ cấu tổ chức mới sẽ giúp WB hoạt động tốt hơn so với cách thức tổ chức như hiện nay hay không. WB đứng trước nguy cơ trở thành McKinsey, trong đó các chuyên gia chỉ gặp nhau để bàn về  các dự án lớn và sau đó lại phân tán. Đây cũng là cách thức hoạt động đang nhận được nhiều lời chỉ trích. 

Người ta cũng hoài nghi về chính Chủ tịch Kim. Mùa hè vừa qua, ông đã “bị tấn công” khi một số lãnh đạo cấp cao của WB phải ra đi với tâm trạng không hài lòng khi quá trình cải tổ bắt đầu. Sự việc đã chấm dứt, nhưng niềm tin dường như đã bị giảm sút. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên