Cấm nhập khẩu thực phẩm sẽ có lợi cho ngành nông nghiệp Nga
Nga đã cấm nhập khẩu hoa quả, rau, thịt, gà và cá từ Mỹ và các nước phương Tây để đáp trả các biện pháp trừng phạt mà các nước đó áp đặt đối với Moskva liên quan tới khủng hoảng tại Ukraine.
- 19-08-2014Nga có thể tung ra biện pháp trả đũa bổ sung với Phương Tây
- 10-08-2014Châu Âu có thể thiệt hại 100 tỷ USD do Nga trừng phạt trả đũa
- 07-08-2014Biện pháp trả đũa không ảnh hưởng nhiều đến Nga
- 06-08-2014Ông Putin ra lệnh trả đũa phương Tây
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa nhận định lệnh cấm nhập khẩu nông sản và thực phẩm từ các nước phương Tây trong vòng một năm cũng mang tính tích cực, sẽ có lợi cho thị trường nông nghiệp Nga vì điều này giúp làm tăng sức cạnh tranh.
Thủ tướng Medvedev cho rằng lệnh cấm trên sẽ không tác động bất lợi tới người tiêu dùng cũng như thị trường thực phẩm của Nga, và "không dẫn tới sự thiếu hụt lớn hoặc làm giá cả tăng lên."
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho rằng các cơ quan chức năng của Nga sẽ liên tục giám sát thị trường thực phẩm và vấn đề nhập khẩu thực phẩm thay thế sẽ được giải quyết trong vòng 2-3 tuần.
Đầu tháng Tám này, Nga đã cấm nhập khẩu hoa quả, rau, thịt, gà và cá từ Mỹ và các nước phương Tây để đáp trả các biện pháp trừng phạt mà các nước đó áp đặt đối với Moskva liên quan tới khủng hoảng tại Ukraine.
Tin tức nói rằng Nga đang đàm phán với các nhà cung cấp nông sản thay thế, hầu hết từ các nước Mỹ Latinh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Trung Quốc.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nikolai Fyodorov cho hay Nga đã xác lập danh sách các nước nhập khẩu thực phẩm thay thế cho sản phẩm của các nước châu Âu và Mỹ đang trong diện cấm nhập để trả đũa theo sắc lệnh được Tổng thống Vladimir Putin ký ngày 6/8.
Theo ông Fyodorov, nguồn cung hoa quả và rau củ tiềm tàng vào Nga sẽ là các nước Azerbaijan, Uzbekistan, Tajikistan và một phần của Kyrgyzstan. Iran, Maroc và Ai Cập cũng có tên trong danh sách này.
Ông Fedorov lưu ý rằng các nước đó có nhu cầu mua ngũ cốc và dầu thực vật của Nga, đổi lại Nga quan tâm tới nguồn cung rau quả của họ.
Ông Fedorov cho biết thị trường các nước Mỹ Latinh (như Chile, Argentina, Paraguay, Ecuador, Peru) đang "gõ cửa chúng ta" và các nước Mỹ Latinh sẵn sàng tăng lượng nông sản và thực phẩm họ cung cấp. Trong số các nước mà sản phẩm có thể thay thế cho thực phẩm châu Âu và Mỹ còn có Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Serbia.
Đề cập tới vấn đề ngừng nhập khẩu cá của Na Uy, ông Fedorov khẳng định nguồn cung này sẽ được các nhà sản xuất nội địa của Nga thế chỗ./.