"Cân đo đong đếm" hiệp định TPP
Các cuộc đàm phán thương mại Châu Á Thái Bình Dương đang khiến những điểm hạn chế của các mô hình kinh tế bộc lộ.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được cho là một hiệp định thương mại, sẽ làm cho thương mại giữa một nhóm các nước chiếm tới 2/5 tỷ trọng GDP toàn cầu, bao gồm Mỹ, Nhật và 10 quốc gia khác, trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thực sự thì những nền kinh tế này sẽ được hưởng những lợi ích gì? Những người ủng hộ tự cho rằng TPP sẽ giúp thúc đẩy GDP của toàn thế giới tăng thêm khoảng gần 300 tỉ USD trong vòng một thập kỷ. Ngược lại, các nhà phê bình nói hiệp định này sẽ chỉ tạo ra một chút, hoặc thậm chí là không có sự thay đổi nào.
Sự bất đồng này phản ánh những khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả của các hiệp định tự do thương mai. Hầu hết các nhà kinh tế đều thừa nhận lợi ích của tự do thương mại dựa theo những lý luận mà David Ricardo đưa ra vào đầu những năm 1800. Theo đó, mỗi quốc gia nên tập trung vào sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà quốc gia đó có lợi thế so sánh và nhập khẩu sản phẩm mà quốc gia đó không có lợi thế so sánh. Nhưng Ricardo mới chỉ nhìn vào 2 quốc gia sản xuất 2 loại sản phẩm, đồng thời vào thời điểm đó các hàng rào thuế quan gần như không tồn tại. Nếu sử dụng mô hình của Ricardo để phân tích những giao dịch thương mại tự do đương thời thật chẳng khác nào dùng một con ngựa và một cỗ xe để dự đoán trước đường đi của một chiếc máy bay vậy..
Thay vào đó, các nhà kinh tế học thường sử dụng mô hình phân tích cân bằng tổng thể (CGE). Mô hình cân bằng tổng thể (CBTT) được xây dựng trên một cơ sở dữ liệu cố gắng mô tả tổng thể các nền kinh tế, tức là bao gồm cả thu nhập, lợi nhuận và nhiều hơn nữa. Các nhà nghiên cứu sắp xếp các yếu tố để mô hình cho ra một kết quả giống như giá trị tham chiếu thực. Sau khi có kết quả, họ giả định những cú sốc khác nhau tác động vào mô hình này và điều chỉnh các hàng rào thương mại để theo dõi kết quả đầu ra sẽ thay đổi như thế nào ngay tại thời điểm đó cũng như sau một khoảng thời gian nhất định.
Còn rất nhiều điều để nói về mô hình CBTT này. Nó là mô hình duy nhất đủ rộng để có thể bao quát toàn bộ ngành dịch vụ, đầu tư và các điều lệ mà tất cả đều nằm trong trọng tâm thảo luận của hiệp định TPP. Nó cũng ảnh hưởng tới những dự đoán mà các nhà chính sách quan tâm như những lĩnh vực nào sẽ vận hành tốt và thu nhập sẽ thay đổi như thế nào. Nhưng CBTT lại có những hạn chế. Đầu tiên là phải phụ thuộc vào số liệu mà rất có thể là những con số chắp vá ở một số khu vực. Thứ hai, những giả định sai lầm có thể nhanh chóng dẫn đến những dự đoán lêch hướng.
Những điểm mạnh và điểm yếu này đã được minh họa rất rõ ràng thông qua những nghiên cứu về hiệp định TPP. Trong đó, nghiên cứu có ảnh hưởng nhất là của Peter Petri, Michael Plummer và Fan Zhai từ Viện nghiên cứu East-West Centre, dự đoán rằng Hiệp định này sẽ thúc đẩy GDP đến năm 2025 của 12 nước đã ký kết tăng thêm 285 triệu USD, hay 0,9%. Đây là con số mà Chính phủ Mỹ đã trích dẫn khi tuyên bố rằng hiệp định TPP sẽ mang lại cho đất nước 77 tỉ USD. Mô hình của họ đã cố gắng tránh đi những lỗi phổ biến của CGE. Những giả định của họ rất rõ ràng nhưng cũng rất thận trọng và dè dặt, ví dụ họ đưa ra một chuỗi những sự kiện kịch bản nhưng chỉ kỳ vọng một phần của kịch bản ấy xảy ra theo một cách rất chậm chạp. Điều này có thể làm cho kết quả đáng tin cậy hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế yếu tố chủ quan của mô hình có tác động rất lớn. Các tác giả sử dụng một cách tiếp cận mới để dự đoán rằng nhiều doanh nghiệp sẽ trở thành nhà xuất khẩu khi các chi phí thương mại giảm xuống. Đó có thể là một bước cải tiến so với các giả thuyết trước đó, trong đó giả định số lượng các nhà xuất khẩu là một hằng số, nhưng sự điều chỉnh này thay đổi các kết quả một cách đáng kể. Theo một nghiên cứu của Dan Ciuriak và Jingliang Xiao từ Viện nghiên cứu C.D. Howe Canada, nó làm cho những lợi ích lớn hơn khoảng 70%.
Cũng có một số giả định khác đang gây tranh cãi. Các nhà nghiên cứu tính toán rằng việc gia tăng bảo hộ sở hữu trí tuệ (IP) là có lợi cho tất cả các nước. Tuy nhiên, nghiên cứu của Badri Narayanan, Ciuriak và Harsha Vardhana Singh (được tài trợ bởi chính phủ Anh) đã đặt dấu hỏi lớn về nhận định này. Hàng rào bảo hộ sở hữu trí tuệ vững chắc hơn sẽ khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư nhiều hơn. Nhưng nó cũng có thể làm tăng chi phí cho người tiêu dùng vượt quá những gì cần thiết để khuyến khích đổi mới và làm chậm sự phổ cập công nghệ cho các nước đang phát triển.
Đó cũng chỉ là một trong những điểm mù của các mô hình CBTT. Hầu hết mọi người đều sử dụng các số liệu từ dự án Phân tích Thương mại Toàn cầu của trường Đại học Purdue, cơ sở dữ liệu tốt nhất hiện có. Nhưng kể từ khi dự án được phát triển sang lĩnh vực nông nghiệp thì bắt đầu có sự sai lệch. Cơ sở dữ liệu này phân loại danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa, nhưng lại gộp những sản phẩm y dược chung thành một nhóm trong các loại hóa chất. Đây là một vấn đề bởi TPP phải giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ đối với các nhà sảnn xuất thuốc. Ciuriak và Xiao đã loại trừ tất cả tác động từ việc tăng cường bảo hộ IP.
Họ cũng sử dụng một mô hình truyền thống hơn cho xuất khẩu. Họ tính toán rằng đến năm 2035 TPP sẽ chỉ làm GDP của 12 nước tăng thêm 74 tỉ USD. Một số khác thì lại chỉ nhìn thấy một tác động rất nhỏ. Trong một bài báo của Viện nghiên cứu Ngân hàng Phát triển Châu Á, Inkyo Cheong dự báo rằng GDP của Mỹ hoàn toàn không thay đổi dưới tác động của TPP.
Tại sao phải băn khoăn?
Điều đó đặt ra câu hỏi liệu hiệp định TPP có đáng để theo đuổi hay không. Cũng phức tạp như các nghiên cứu về CBTT, chúng chỉ là những mô hình dự đoán tương lai thông qua một mớ các giả định. Vì thế, việc làm cho các mô hình vững chắc hơn với các nghiên cứu về những con số toàn diện là rất quan trọng. Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là một phòng thí nghiệm lý tưởng vì từ 5 hiệp định thương mại tự do vào năm 1990 đã lên đến hơn 200 hiệp định trong năm 2015.
Theo một nghiên cứu mới được công bố về Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, trong vòng 5 năm sau khi ký thỏa thuận, xuất khẩu của các bên tham gia tăng trung bình gần 50% so với 5 năm trước đó. Các nhà nghiên cứu khi đó đã điều chỉnh các yếu tố như GDP và tăng trưởng, rồi tách các giao dịch thương mại tự do như một biến. Những hiệp định có ảnh hưởng lớn có cùng những đặc tính nhất định: có nhiều thành viên hơn, giúp kết nối các nền kinh tế phát triển và đang phát triển với nhau, và nhằm vào các hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan.
Điều này cho thấy rằng các lợi ích có được từ tự do hóa thương mại không phải là đã hết, ngay cả khi chúng đang giảm dần. Nhưng cũng không nhất thiết phải bắt ép hiệp định TPP phải phát triển đúng hướng. Hầu như tất cả các nghiên cứu đều cho thấy hạn chế cơ bản của nó là kích thước chưa đủ lớn.
Cụ thể hơn, các nghiên cứu của Petri kết luận rằng nếu có một thỏa thuận tự do thương mại khu vực Thái Bình Dương với các quy tắc lỏng lẻo đối với các doanh nghiệp nhà nước và sở hữu trí tuệ thì nó sẽ nâng mức tăng thu nhập cho 12 thành viên tham gia hiệp định TPP (bao gồm cả Mỹ) thêm 760 tỉ USD, nhiều hơn gấp đôi so với từ hiệp định TPP. Những dự báo dựa trên CBTT chính xác như vậy chắc hẳn khó có thể tin ngay được. Nhưng quy chuẩn đạo đức là đủ rõ ràng. Mục tiêu là đưa thêm nhiều đất nước vào vòng an toàn chứ không nên cố gắng theo đuổi các quy tắc quá khắt khe.