Cảnh sát Hồng Kông đụng độ dữ dội với người biểu tình
Hàng nghìn người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông đã đụng độ với cảnh sát tại quận Mong Kok vào sáng sớm 29-11. Tổ chức Ân xá quốc tế ngày 28-11 cảnh báo cảnh sát không được sử dụng bạo lực.
Sau vài giờ đồng hồ bế tắc căng thẳng giữa hai phía, bạo lực bùng phát khi hàng trăm cảnh sát chống bạo động trang bị dùi cui bắt đầu tiến về phía người biểu tình. Cảnh sát đã dùng dùi cui, hơi cay, các tấm khiên và sức người để phá vỡ đội hình của những người biểu tình.
Vụ trấn áp xảy ra sau khi hàng trăm người biểu tình tiến hành cuộc tuần hành kéo dài ba tiếng đồng hồ kêu gọi “dân chủ đầy đủ và thực sự”. Lực lượng cảnh sát 28.000 người của Hong Kong đã bị quá tải nhiều tháng qua.
Người biểutình đã chiếm giữ các đường phố tại quận Mong Kok qua đêm, thỉnh thoảng họ ném trứng, trai nước và các thanh gỗ về phía cảnh sát. Một số cảnh sát đã bị thương và đáp trả bằng dùi cui cùng hơi cay.
Bạo lực bùng phát trong bối cảnh đã nhiều tháng trôi qua nhưng vẫn chưa có giải pháp cho cuộc khủng hoảng lớn nhất ở Hồng Kông kể từ khi cựu thuộc địa Anh này được trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Tổ chức Ân xá quốc tế ngày 28-11 cảnh báo cảnh sát không được sử dụng bạo lực sau khi Wong và Shum nói với báo chí họ bị đánh đập sau khi bị bắt. Hôm 26-11, cảnh sát đã bất ngờ dọn dẹp được các khu cắm trại lớn của người biểu tình ở Mong Kok khá nhẹ nhạng, nhưng trong ba tối liên tiếp kể từ 26-11, những người biểu tình đang trở lại, dẫn tới hàng trăm vụ bắt giữ, bao gồm các lãnh đạo sinh viên có tiếng Joshua Wong và Lester Shum.
“Liệu có cần phải đánh đập chúng tôi như thế”, Wong Ching-san, một người biểu tình trẻ tuổi, nói với hãng tin Reuters. “Chúng tôi không tìm cách gây ra bạo lực, nhưng khi họ tấn công, chúng tôi phải chống trả”.
Nhiều lều y tế tự nguyện đã mọc lên để hỗ trợ những người bị chấn thương.
Một nghị sĩ ủng hộ phong trào dân chủ, Leung Yiu-chung, chỉ trích cảnh sát thiếu kềm chế. “Một số cảnh sát cố ý kích động người dân”, ông Leung nói.
Những người biểu tình, chủ yếu là sinh viên, đòi hỏi dân chủ và yêu cầu người đứng đầu đặc khu hành chính Leung Chun-ying từ chức. Trung Quốc đã cam kết sẽ cho thành phố 7,3 triệu dân này quyền dân chủ phổ thông đầu phiếu vào năm 2017 và điều hành đặc khu theo công thức “một quốc gia, hai chế độ”. Theo đó, Hồng Kông vẫn được quyền tự trị rộng rãi so với ở Trung Quốc đại lục.