MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung Hervé Falciani - "Người thổi còi" làm rúng động hệ thống ngân hàng thế giới

29-05-2015 - 14:23 PM | Tài chính quốc tế

Trong một nhà hàng nhỏ ở Paris, “người thổi còi” trong vụ đại án trốn thuế của ngân hàng HSBC chia sẻ về một trong những vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng cũng như những nỗi sợ hãi trong cuộc đời anh.

"Ăn trưa với FT" (Lunch with the FT) là chuyên mục đặc biệt của tờ báo nổi tiếng trong giới tài chính Financial Times. Các phóng viên của FT sẽ có bữa trưa kết hợp phỏng vấn với những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới hiện nay. Trong bài báo này, nhân vật chính là Hervé Falciani.


Đến nơi sớm hơn nửa tiếng so với giờ hẹn, tôi có thời gian ngồi trầm ngâm trong nhà hàng nằm trên tầng cao nhất của  Tour Montparnasse (tòa nhà cao nhất và bị ghét nhất ở Paris) để khảo sát về thực đơn lạ lẫm dành cho bữa sáng với Hervé Falciani. Từ một chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin, Falcini đã trở thành người nổi tiếng trong lịch sử ngành ngân hàng thế giới.

7h45 sáng, nhà hàng chưa có nhiều khách. Tôi bắt đầu tự hỏi tại sao người đàn ông được giới truyền thông đặt cho biệt danh “Edward Snowden của ngành ngân hàng” muốn cuộc hẹn diễn ra ở đây. Thực đơn dành cho bữa sáng không điểm gì đặc biệt (vẫn là trà, bánh, cà phê như thường lệ). Có lẽ điểm đặc biệt của nhà hàng này là sự kín đáo riêng tư.

Suốt 7 năm qua, Falciani đã di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác, thậm chí đôi lúc còn phải sử dụng chứng minh thư giả và hóa trang. Bên cạnh anh thường xuyên có vệ sĩ. Đầu năm 2008, Falciani, người trước đó là một chuyên viên IT làm việc tại văn phòng của HSBC ở Geneva, rời Thụy Sĩ tới Lebanon. Thứ mà anh mang theo là những dữ liệu liên quan đến hơn 100.000 khách hàng của HSBC. Một số người buộc tội anh đã lấy cắp số dữ liệu trên, trong khi Falciani luôn cho rằng mục đích của anh là phơi bày ra ánh sáng lỗ hổng của hệ thống ngân hàng. “Tôi không có lựa chọn nào khác”, Falciani giãi bày.

 

Các file dữ liệu ấy đã khiến ngành ngân hàng thế giới rung chuyển. Chúng cung cấp những bằng chứng cho thấy ngân hàng lớn nhất châu Âu đã chủ động giúp khách hàng trốn thuế bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có việc lập những tài khoản ở nước ngoài. Các dữ liệu này đã được chính phủ Pháp, Tây Ban Nha và Anh sử dụng để khôi phục hàng trăm triệu USD tiền thuế.

Tháng trước, người đầu tiên trong danh sách của Falciani đã bị buộc tội hình sự. Đó là Arlette Ricci, người thừa kế 73 tuổi của hãng nước hoa Nina Ricci. Ricci bị tòa án Pháp kết án 3 năm tù giam vì tội gian lận thuế. Trong khi đó cuối năm ngoái Falciani cũng phải dự một phiên tòa ở Thụy Sĩ vì tội vi phạm luật bí mật của ngân hàng.

Cuối cùng Falciani cũng bước vào trong bộ quần áo màu đen và bộ râu được cắt tỉa gọn gàng. Chúng tôi bắt đầu nhau và gọi cà phê, nước ép trái cây cùng với những chiếc bánh ngọt cho bữa sáng. Falciani chia sẻ anh chọn nhà hàng này vì nó thường vắng vẻ và có view khá đẹp khi nhìn về tháp Eiffel Tower

Sinh năm 1972, Falciani lớn lên ở Monac. Dù xuất thân từ một gia đình bình dân, anh được nuôi dưỡng giống như con cái của các nhà khá giả. Falciani học cùng trường với Hoàng tử Albert của Monaco và hẹn hò với con gái của cựu tay đua công thức một Gilles Villeneuve. Cha của anh làm việc trong ngành ngân hàng tư nhân.

Falciani học ngành vật lý và toán ở ĐH Nice. Ban đầu, anh làm bảo vệ tại sòng bạc ở Monte Carlo vào buổi đêm để trang trải chi phí. Anh chia sẻ chính tại nơi đây anh đã biết về những góc tối của Monaco cũng như về rửa tiền bởi anh làm việc cùng với những người trước đây làm cảnh sát và thanh tra. 6 tháng sau, anh chuyển sang làm việc cho mảng ngân hàng của sòng bạc này, sắp xếp các khoản vay cho những khách hàng giàu có.

Làm việc ở chi nhánh của HSBC ở Monaco năm 2000, Falciani từng cố gắng kêu gọi cải thiện lỗ hổng mà qua đó khách hàng có thể lách thuế. Tuy nhiên mọi lời nói của anh đều bị bỏ ngoài tai vì “họ không muốn thay đổi”. Ngày càng bất mãn, năm 2004, Falciani bắt đầu thảo luận với các đồng nghiệp khác về cách làm thế nào để thay đổi cả hệ thống. Cũng trong năm 2004, thông qua những người đã từng cùng làm việc ở sòng bạc, Falciani liên lạc với một nhóm có tên gọi “the Network”. Trong cuốn sách mới được xuất bản, Falciani viết rằng đây là một nhóm chống trốn thuế cấp quốc tế gồm nhiều quan chức tình báo, gián điệp, cảnh sát và luật sư.

Đến năm 2008, nhóm này đã cung cấp cho Falciani đủ công nghệ để lấy cắp dữ liệu từ ngân hàng và cả kiến thức về luật pháp để công bố các dữ liệu ra công chúng.

“Đó quá một quá trình rất phức tạp. Như bạn biết đấy, tôi không phải là một nhà báo, một điều tra viên, thẩm phán hay một luật sư. Tôi cũng cần đến kỹ thuật để truy cập vào các dữ liệu”. Falciani tâm sự anh đã có rất nhiều kẻ thù và phải đối mặt với nhiều nỗi sợ. Năm 2012, anh rời Pháp để tới Tây Ban Nha sau khi nhận được lời cảnh báo về tính mạng. Falciani không chỉ được cảnh sát Pháp bảo vệ mà còn bởi nhóm “the Network”.

Nhóm có 10 người trong ngân hàng và khoảng 100 người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cả HSBC và giới chức Thụy Sĩ đều cho rằng Falciani đã hành động đơn độc để đánh cắp thông tin vì lợi ích cá nhân và chỉ liên lạc với cơ quan chức năng sau khi bị bắt năm 2008.

“Tại sao anh lại nghĩ rằng những điệp viên và luật sư này muốn giúp anh? Anh có bao giờ nghĩ rằng họ cũng có động cơ riêng?’, tôi cắt ngang câu chuyện.

“HSBC là một tài sản rất có giá trị đối với CIA. Chúng ta có một cuộc chiến kinh tế (giữa các ngân hàng Mỹ và châu Âu) và Mỹ sẽ có lợi ích khi tìm thấy một lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng châu Âu”, Falciani nói.

Ngày 22/12/2008, Falciani bị bắt ở Geneva nhưng đã trốn thoát và ngay lập tức tới Pháp. Anh đã có vài năm hợp tác với chính phủ Pháp, trong khi dữ liệu về 2.000 khách hàng Hy Lạp đã được giao cho chính phủ Hy Lạp vào năm 2010. Năm 2012, anh lại bị bắt ở Tây Ban Nha và phải ngồi tù 2,5 năm.

Tôi hỏi anh về cuộc sống hiện tại. “Hầu hết những gì bạn tưởng tượng là đúng. Tôi không có chỗ ở cố định, không tin tưởng quá nhiều vào công nghệ liên lạc”. Mặc dù không muốn tiết lộ nhiều bí mật, Falciani chia sẻ vợ và con của anh đang sống ở bên ngoài nước Pháp và được cảnh sát bảo vệ. Họ không thể liên lạc với nhau bằng điện thoại và vì thế phải sử dụng Skype hay những phương pháp khác. Falciani nói rằng trường hợp của anh cũng tương tự như cựu điệp viên Edward Snowden của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA).

“Nếu ngày nào đó những hành động của tôi là vô tích, tôi sẽ biến mất. Có nhiều hòn đảo ở  vùng Polynesia còn mang đậm nét hoang dã. Tôi có thể tới đó và sống một cuộc đời tĩnh lặng”.

Thu Hương

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên