MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chặn đường sống của ngành ngân hàng

30-09-2014 - 09:29 AM | Tài chính quốc tế

Các ngân hàng đang dần biến mất trên thị trường giao dịch các sản phẩm phái sinh.

Giao dịch các sản phẩm chứng khoán phái sinh – loại hợp đồng giao dịch có giá trị biến động theo mức giá của tài sản cơ sở - là hoạt động có phạm vi khá rộng lớn. Hầu hết các sản phẩm này được bán trên thị trường OTC, có nghĩa là thông qua các giao dịch trực tiếp giữa hai bên thay vì thông qua sàn giao dịch. Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), giá trị tất cả các hợp đồng chứng khoán phái sinh trên thị trường OTC đạt gần 700 nghìn tỷ USD. Các sản phẩm này cũng tỏ ra rất kiên cường: chúng vẫn tiếp tục tăng trưởng bất chấp khủng hoảng tài chính. Tất cả những đặc điểm này khiến các sản phẩm phái sinh đặc biệt hấp dẫn với các ngân hàng, bất chấp các nhà quản lý muốn tách bạch mảng này ra khỏi hoạt động kinh doanh của chúng.  

Thông thường, trong các giao dịch chứng khoán phái sinh trên sàn OTC, một bên sẽ là một ngân hàng đầu tư, bên còn lại là một ngân hàng khác hoặc một công ty muốn phòng vệ rủi ro (ví dụ như trường hợp lãi suất tăng). Hai bên có thể thỏa thuận theo hợp đồng hóa đổi – tức là một bên hứa sẽ trả cho bên còn lại lãi suất thu được từ trái phiếu có lãi suất cố định để đổi lấy lãi suất thu được từ một trái phiếu có lãi suất thả nổi. Bởi vì trong lý thuyết không có giới hạn đối với biến động trong giá tài sản cơ sở (trong trường hợp này là trái phiếu có lãi suất thả nổi), sẽ có một trong hai bên bị thua lỗ.

Đó chính là lý do khiến các hợp đồng phái sinh đóng vai trò lớn trong nhiều vụ scandal tài chính. Chúng là nguyên nhân khiến Barings (ngân hàng đầu tư của nước Anh) sụp đổ năm 1995. Chúng giúp “cá voi London” thổi bay 6 tỷ USD của JPMorgan Chase năm 2012. Và, một lượng lớn các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của công ty bảo hiểm AIG trong khủng hoảng tài chính 2008.

Không phải tất cả các sản phẩm phái sinh đều được bán trên thị trường OTC, có rất nhiều hợp đồng tương lai và quyền chọn được thiết lập trên các sở giao dịch (đặc biệt ở thị trường hàng hóa). Các hợp đồng này được thiết kế để tránh thua lỗ lớn, bởi giao dịch trên sở giao dịch là công khai và minh bạch. Người tham gia phải ký quỹ và giao dịch được thực hiện thông qua các trung tâm thanh toán, đảm bảo rằng giao dịch vẫn được hoàn thành nếu một trong hai bên vỡ nợ. 

Năm 2009, chính phủ các nước thuộc nhóm G20 đã cố gắng chuẩn hóa các hợp đồng phái sinh trên sàn OTC để chúng có thể được giao dịch trên sàn và thực hiện qua trung tâm thanh toán. Giao dịch được ghi lại tại trung tâm đăng ký và có tỷ lệ ký quỹ lớn. Mục tiêu là tăng tính minh bạch, phòng vệ trong trường hợp vỡ nợ và các nhà quản lý có thể dễ dàng quản lý rủi ro.  

Cần có thời gian để triển khai kế hoạch này, nhưng các luật lệ mới đã bắt đầu có hiệu lực. Kể từ ngày 15/2, ở Mỹ, các bên không còn được tham gia trực tiếp vào các loại hợp đồng hoán đổi lãi suất mà phải thực hiện giao dịch qua SEF – cơ quan có cơ chế hoạt động tương tự sở giao dịch. 
Chuyển các sản phẩm phái sinh sang sở giao dịch không cắt bỏ hoàn toàn hoạt động kinh doanh này ra khỏi các ngân hàng, nhưng vì giá minh bạch hơn, lợi nhuận các ngân hàng thu được sẽ giảm xuống. Thêm vào đó, SEF và các trung tâm thanh toán cũng thu phí giao dịch. Các yêu cầu khắt khe hơn về tài sản đảm bảo cũng khiến các ngân hàng phải tăng vốn.

Các hợp đồng phái sinh trên OTC chỉ là một ví dụ điển hình minh chứng cho quyết tâm siết chặt hoạt động của các ngân hàng từ phía cơ quan quản lý. Mỹ cấm các ngân hàng giao dịch đầu cơ bằng chính tài khoản của họ. Cục dự trữ liên bang cũng đang xem xét cấm các ngân hàng giao dịch trên thị trường hàng hóa. 

Hiện nay, các ngân hàng vẫn tự do “tạo lập thị trường” bằng cách bán cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản tương tự cho khách hàng, nhưng luật mới gây ra nhiều khó khăn. Đầu tiên, các ngân hàng phải sử dụng công thức bảo thủ hơn để ước lượng “giá trị rủi ro”. Thứ hai, số vốn phòng vệ rủi ro phải cao hơn nhiều lần so với thời kỳ trước khủng hoảng. Thứ ba, các ngân hàng phải tuân thủ giới hạn về tỷ lệ đòn bẩy. Tất cả những yếu tố này khiến việc giao dịch hợp đồng hoán đổi trở nên kém hấp dẫn. 

Cùng lúc đó, lợi nhuận thu được từ môi giới trái phiếu bị thu hẹp. Với sự phát triển của hệ thống giao dịch điện tử, khối lượng giao dịch tăng mạnh nhưng lợi nhuận mà các ngân hàng thu được ngày càng mỏng. 

Kết quả là, các ngân hàng phải cắt giảm mảng kinh doanh trái phiếu. Trước khủng hoảng, các ngân hàng đầu tư nắm giữ số trái phiếu có giá trị khoảng 250 tỷ USD, giờ đây con số chỉ còn 50 tỷ USD. Doanh thu từ tài sản mang lại thu nhập có định (trái phiếu, hàng hóa, tiền tệ và phái sinh) sụt giảm mạnh. 

Không những thế, giống như ở hoạt động cho vay và thanh toán, rất nhiều định chế tài chính khác đang lấn sân sang lĩnh vực hoạt động của ngân hàng. Ví dụ, các công ty giao dịch hàng hóa đã chiếm lĩnh thị phần của ngân hàng. Tháng 3 vừa qua, Mercuria (Thụy Sĩ) đã đồng ý mua lại mảng hàng hóa của JPMorgan Chase với giá 3,5 tỷ USD. Khi nhiều ngân hàng cắt giảm nhân sự trong mảng chứng khoán phái sinh và đóng cửa bàn giao dịch, đó chính là cơ hội của các công ty này. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên