“Châu Á phải hi sinh tăng trưởng để đối đầu với Fed”
Bộ trưởng Tài chính Indonesia cho rằng châu Á sẽ phải hi sinh tăng trưởng kinh tế để giữ vững sự ổn định trong trường hợp Fed nâng lãi suất khiến dòng vốn bị rút ra ồ ạt.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri vừa đưa ra nhận định có thể các quốc gia đang phát triển ở châu Á sẽ phải hi sinh tăng trưởng trong một vài năm tới để tập trung giữ vững sự ổn định của nền kinh tế khi Cục dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất.
Trao đổi với Bloomberg bên lề hội nghị các bộ trưởng tài chính của nhóm G20 tại Australia, ông Barsi cho rằng dòng vốn bị rút ra là một nguy cơ đe dọa các thị trường mới nổi. Ở Indonesia, nơi lãi suất cơ bản hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2009, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để bảo toàn sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
“Trong ngắn hạn, một vài thị trường mới nổi sẽ phải chọn lựa sự ổn định thay vì tăng trưởng. Bạn không thể tăng có được tăng trưởng kinh tế khi phải đối mặt với vấn đề này”, ông nói.
Đồng USD đã tăng giá kể từ sau khi Fed phát tín hiệu tiến gần hơn đến đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2006. Đồng rupiah của Indonesia đã giảm giá 5 tuần liên tiếp trong khi các quỹ quốc tế rút tiền khỏi TTCK Indonesia. Trong 6 tháng qua, đồng rupiah đã giảm tổng cộng 4,6%, mạnh nhất trong số 11 đồng tiền châu Á được Bloomberg theo dõi.
“Vì các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới phải thích nghi với những thay đổi trong chính sách của Fed, đóng góp của các nước này vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống”, ông Barsi nhận định.
Lời cảnh báo của ông Barsi khiến người ta nhớ đến giai đoạn 1 năm về trước, khi khả năng chấm dứt gói QE3 của Fed khiến nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn ra khỏi các nền kinh tế đang nổi, tạo nên xu hướng lao dốc của thị trường chứng khoán và tiền tệ châu Á.
Thiên Bình