MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á trỗi dậy (P2)

03-06-2014 - 12:42 PM | Tài chính quốc tế

Đối với châu Á, bối cảnh hiện nay chính là cơ hội để đột phá. Châu Á đã trở thành “phòng thí nghiệm” lớn nhất cho các công ty kể từ đầu thế kỷ 20 tới nay.

Doanh nghiệp châu Á "đã lớn"

Liệu các doanh nghiệp châu Á có thể đối phó với những rủi ro mà bối cảnh hiện nay mang đến? 20 năm trước, câu trả lời có thể là không. Khi đó, những công ty có giá trị lớn nhất là các ngân hàng và “ông lớn” trong ngành điện tử Nhật Bản hay những tập đoàn Hồng Kông như Hutchison Whampoa, Swire và Jardine Matheson. Những năm 1990, thị trường chứng khoán Nhật Bản sụp đổ. Cuộc khủng hoảng châu Á 1997 – 98 gây thiệt hại lớn, khiến nhiều doanh nghiệp ở Đông Nam Á và Hàn Quốc chìm trong nợ nần và phá sản.

Kể từ đó đến nay, các doanh nghiệp châu Á đã lớn mạnh, chiếm khoảng 27% giá trị vốn hóa toàn cầu (cách đây 1 thập kỷ là 20%). Những công ty lớn nhất dễ dàng đuổi kịp các đối thủ quốc tế về qui mô. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như LG, Samsung và Hyundai giờ đây đã có quy mô toàn cầu. Lợi nhuận của Samsung không thua kém quá nhiều so với Apple. Toyota và Volkswagen gần như có doanh thu giống nhau. PetroChina thậm chí còn đầu tư nhiều hơn so với Exxon Mobil. Ấn Độ “sản sinh” một loạt doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế trong ngành công nghệ và dược phẩm. Với làn sóng niêm yết của Trung Quốc, kể từ năm 2000, châu Á đã có khoảng 11.000 vụ IPO và giờ đây có tổng cộng 25.000 doanh nghiệp niêm yết.


Mặc dù “đói” tín dụng, các doanh nghiệp nhỏ đã tạo ra rất nhiều việc làm cho nền kinh tế. Trong số các công ty niêm yết có giá trị vốn hóa dưới 2 tỷ USD, khoảng 40% nằm ở châu Á. Trung Quốc có 41 triệu doanh nghiệp tư nhân. Hàng vạn doanh nghiệp nhỏ của Nhật bản là những nhà cung cấp đóng vai trò quan trọng đối với những ông lớn trong nước. Ấn Độ cũng có khoảng 45 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, một vài doanh nghiệp tên tuổi vẫn thống lĩnh hoạt động xuất khẩu. Ở Hàn Quốc, Samsung tạo ra khoảng 17% kim ngạch xuất khẩu. Ở Ấn Độ, tỷ lệ đóng góp của Reliance (công ty lớn thứ 2 nước này) là 14%. Còn ở Trung Quốc, sức mạnh thuộc về các tập đoàn nhà nước. 


Hầu hết các doanh nghiệp châu Á đều tuân thủ “kỷ luật tài chính” khá chặt chẽ. Tỷ lệ ROE đã giảm từ mức đỉnh 17% trong năm 2007 xuống còn 13%, ngang hàng với phần còn lại của thế giới. 

Lo sợ sau khủng hoảng tài chính châu Á, các quốc gia Đông Nam Á và Hàn Quốc có xu hướng cẩn trọng hơn và tránh vay mượn bằng ngoại tệ. Hai thập kỷ giảm phát khiến các doanh nghiệp Nhật Bản tích lũy lượng tiền mặt lên tới 750 tỷ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghiệp và cơ sở hạ tầng của Ấn Độ vẫn cần phải tái cấu trúc, trong khi các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc gánh trên vai khoản nợ khổng lồ. Hệ thống ngân hàng Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang gặp rắc rối. 

Môi trường kinh doanh ở châu Á cũng đã được cải thiện. Tham nhũng vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở bên ngoài Nhật Bản, Hồng Kông và Singapore, nhưng hầu hết các nước đã có hệ thống kế toán tiến gần đến chuẩn toàn cầu. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á, hệ thống ngân hàng đã minh bạch hơn. 

Điểm yếu của doanh nghiệp châu Á

Dẫu vậy, các doanh nghiệp châu Á vẫn còn khá nhiều điểm yếu trong khâu định vị thương hiệu, cải tiến sáng tạo và quốc tế hóa. Chiếc điện thoại iPhone có thể minh họa rõ nét cho điều này: chưa đến 1/20 giá trị của một chiếc iPhone được tạo ra ở Trung Quốc. Phần lớn thuộc về chủ thương hiệu (Apple – Mỹ) và những doanh nghiệp sản xuất linh kiện công nghệ cao ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, các nước giàu có như Nhật Bản và Hàn Quốc nhận thấy văn hóa có thể cản trở doanh nghiệp phát huy sáng tạo.

Và, mặc dù phát triển mạnh mẽ, châu Á vẫn chưa có đủ doanh nghiệp. Ấn Độ và Indonesia vẫn chưa có được công ty Internet lớn. Lĩnh vực y tế của châu Á còn quá nhỏ bé. Ngoài Trung Quốc và Nhật Bản, mức độ đầu tư vào năng lượng sạch còn quá nhỏ để có thể đối phó với ô nhiễm.

Châu Á cũng có quá ít thương hiệu toàn cầu. Trong số 100 thương hiệu có giá trị nhất (xếp hạng bởi Interbrand), chỉ có 10 thương hiệu đến từ châu Á. Vì đầu tư vào tạo dựng thương hiệu chưa đủ mạnh, các doanh nghiệp châu Á không có sức mạnh về giá cả.

Nhìn thoáng qua, có thể coi cải tiến là thế mạnh của các doanh nghiệp châu Á. Châu Á chiếm 29% tổng chi tiêu vào R&D của toàn thế giới trong năm 2012, đồng thời tỷ trọng xuất khẩu công nghệ cao cũng chiếm hơn một nửa. Tuy nhiên, sự thực không phải như vậy. Doanh nghiệp châu Á giỏi sao chép và thêm thắt những cải tiến nhỏ chứ không phải giỏi tạo nên bước đột phá. 

Doanh nghiệp châu Á còn có một điểm yếu nữa: mang quá nhiều tính địa phương. 100 doanh nghiệp lớn nhất của châu Á chỉ có khoảng 30% tổng doanh thu ở nước ngoài. Điều này phản ánh sự non trẻ của các doanh nghiệp châu Á, nhưng cũng là nguyên nhân và hệ quả của sự yếu kém về thương hiệu và sáng tạo. 

Đi tìm chân lý mới

Hầu hết các quốc gia châu Á đều đang cố gắng tìm ra mô hình kinh tế mới. Những gì vốn là tốt đẹp trong 20 năm qua có thể sẽ không còn đúng đắn trong 20 năm tới. Các doanh nghiệp cũng vậy, họ phải đối mặt với những thiếu sót và thích nghi với chúng. 

Nhiều người lo lắng rằng mô hình sở hữu truyền thống của các doanh nghiệp châu Á khiến chúng thiếu linh hoạt và sáng tạo. Các doanh nghiệp tư nhân vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong khi các tập đoàn (thường là gia đình trị hoặc doanh nghiệp nhà nước) chiếm tỷ trọng lớn. Châu Á thiếu đi môi trường nuôi dưỡng các doanh nghiệp mới: kể từ 2007, chỉ 1/10 hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm diễn ra ở châu Á. 

Hầu hết các ông chủ châu Á không muốn áp dụng cách xây dựng doanh nghiệp theo kiểu Mỹ. Tuy nhiên, qua từng phần của báo cáo này, chúng ta sẽ nhận ra rằng các doanh nghiệp châu Á đang dỡ bỏ một vài truyền thống nhằm tìm kiếm thời kỳ tăng trưởng mới. Các doanh nghiệp nhà nước đang mở cửa, đặc biệt là ở Trung Quốc. Doanh nghiệp Nhật đang đi tiên phong trong việc thích ứng với một xã hội già hóa. 

Đối với châu Á, bối cảnh hiện nay chính là cơ hội để đột phá. Châu Á đã trở thành “phòng thí nghiệm” lớn nhất cho các công ty kể từ đầu thế kỷ 20 tới nay. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên