Châu Âu sẽ thiệt hại thế nào nếu Hy Lạp ra khỏi liên minh tiền tệ?
Một lần nữa mối lo ngại Hy Lạp sẽ phải ra khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) lại nổi lên. Chắc chắn một khi điều này xảy ra, các nước châu Âu sẽ chịu thiệt hại, vấn đề là thiệt hại đến mức nào.
- 11-01-2015Đồng Euro mất giá và lo ngại Hy Lạp rời khỏi Eurozone
- 06-01-2015Chưa bao giờ Eurozone "mong manh" như bây giờ
- 04-01-2015Đức sẵn sàng để Hy Lạp rời khỏi eurozone
Các thị trường toàn cầu lao dốc vào đầu tuần trước, khi không ít người lo ngại rằng Hy Lạp có thể bị buộc phải rời khỏi Eurozone.
Cuộc bầu cử vào ngày 25/1 ở nước này có thể đưa đảng cực tả Syriza lên nắm quyền, trong khi đảng này muốn từ bỏ chính sách khắc khổ mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu như một điều kiện để cấp gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro (282 tỷ USD).
Làn sóng bán tháo trên thị trường diễn ra khi truyền thông đưa tin nếu một chính phủ mới ở nước này bác bỏ yêu cầu đó, Đức sẵn sàng để Hy Lạp ra đi.
Hầu hết các nhà phân tích hoài nghi về khả năng Hy Lạp ra khỏi Eurozone, nhưng cho rằng Hy Lạp sẽ bị thúc ép trong việc hoàn trả các khoản vay cứu trợ và có thể bị vỡ nợ.
Guy Verhofstadt, quan chức trong Nghị viện châu Âu, nói việc Hy Lạp vỡ nợ 240 tỷ euro sẽ là một cú sốc đối với Eurozone.
Theo tính toán dựa trên số liệu từ EU của Giám đốc phụ trách nghiên cứu kinh tế của Trường quản lý IESEG (Pháp) Eric Dor, Đức sẽ là nước bị thiệt hại nặng nhất nếu Hy Lạp vỡ nợ, khi mất tổng cộng 56,5 tỷ euro, tức 699 euro trên mỗi người dân, còn Pháp mất 42,4 tỷ euro, hay 644 euro/người, Italy mất 37,3 tỷ euro, Tây Ban Nha 24,8 tỷ, Hà Lan 11,9 tỷ, Bỉ 7,2 tỷ, Áo 5,8 tỷ, Bồ Đào Nha 1,1 tỷ và Ireland 300 triệu euro.
Những con số trên nếu tính riêng là lớn nhưng lại rất nhỏ nếu so với nền kinh tế Eurozone.
Khoản tiền 195 tỷ euro mà Hy Lạp đang nợ các nước đối tác chỉ tương đương 4% mức chi ngân sách của các nước Eurozone trong năm 2013. Thêm vào đó, số nợ dự kiến sẽ được hoàn trả trong nhiều năm.
Một điều cũng đáng chú ý nữa là các ngân hàng ở Eurozone không còn sở hữu số nợ của Hy Lạp lớn như trước đây. Theo tính toán gần đây của JPMorganCazennove, các tổ chức cho vay ở khu vực chỉ cho Hy Lạp vay 5 tỷ euro.
Nhưng một hệ lụy khác mà việc Hy Lạp nếu ra khỏi Eurozone sẽ gây ra là sự bất ổn cho nền kinh tế khu vực đang trong tình trạng trì trệ và điều này có thể là một cái giá đắt.
Điều đáng lo ngại nhất là sự tháo chạy của dòng vốn ra khỏi châu Âu. Nếu các nhà đầu tư không an tâm rằng kinh tế Eurozone vẫn ổn định, lãi suất có thể tăng và sau đó là đến chi phí đi vay.
Chi phí vay mượn tăng cùng với đầu tư giảm sút sẽ là sự cản trở đối với những nỗ lực phục hồi tăng trưởng.
Liên quan đến khả năng Hy Lạp phải rời Eurozone nếu đảng Syriza thắng cử, ông Alexis Tsipras, Chủ tịch đảng này, khẳng định Hy Lạp sẽ vẫn ở lại liên minh tiền tệ, trong khi sẽ nỗ lực chống lại các biện pháp khắc khổ được cho là đang hủy hoại châu Âu.
Ông cho rằng đơn giản là không có chuyện Hy Lạp từ bỏ đồng euro mà đây là chuyện của năm 2012, khi khủng hoảng lên đến đỉnh điểm./.
>>> Đồng euro đã được cứu như thế nào?
Theo Lê Minh