MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu: Thị trường phái sinh phát triển nhờ ... cấm vận Nga

22-04-2015 - 16:27 PM | Tài chính quốc tế

Vì lệnh cấm vận giữa Nga và EU, giá bán buôn các sản phẩm bơ sữa ở châu Âu đã giảm 1/3, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất. Ngày 14/4 vừa qua, sàn giao dịch Euronext đã tung ra một số sản phẩm chứng khoán phái sinh ngành bơ sữa.

Công nghiệp bơ sữa là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi “cuộc chiến” cấm vận giữa Nga và Liên minh châu Âu. Đứng trước tình trạng dư thừa phô mai, các nhà sản xuất châu Âu đã phản ứng bằng cách chuyển sữa thành các sản phẩm bột sữa nhanh hỏng hơn thay vì các sản phẩm như phô mai dày hay phô mai mềm như trước đây.

Kết quả là giá bán buôn đã giảm 1/3. Biến động giá mạnh mẽ như trên có thể phá hủy toàn bộ ngành công nghiệp bơ sữa. Cả hai phía là người nông dân và các nhà sản xuất sản phẩm bơ sữa (như Nestlé và Danone) đều cần đến giá cả ổn định để lên kế hoạch sản xuất trong tương lai.

Để giải quyết tình trạng này, ngày 14/4 vừa qua, sàn giao dịch Euronext đã tung ra một số sản phẩm chứng khoán phái sinh ngành bơ sữa. Các sản phẩm này hướng đến những công ty trong ngành bơ sữa muốn phòng vệ trước biến động giá cũng như những người đầu cơ muốn tận dụng cơ hội ăn chênh lệch.

Nói một cách ngắn gọn, sản phẩm phái sinh là một hợp đồng mua hoặc bán một tài sản cơ bản, chỉ số hoặc một chứng khoán trong tương lai tại một mức giá được ấn định trước. Đối với một người nông dân hay một công ty sản xuất bơ sữa, hợp đồng phái sinh có thể trở thành một “tấm lá chắn” bảo vệ họ trước những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai như thời tiết xấu hoặc lãi suất tăng. Đối với một người đầu cơ, đây là cách đầu tư có khả năng sinh lời lớn.

Hợp đồng phái sinh đầu tiên trong ngành nông nghiệp xuất hiện từ thời nền văn minh Lưỡng Hà còn tồn tại. Khi đó vua Hammurabi của Babylon đã ban hành đạo luật cho phép những người nông dân bán nông sản vào một thời điểm được xác định trước tại một mức giá nhất định. Gần hơn, hợp đồng phái sinh nông sản cũng xuất hiện rất sớm ở Chicago – quê hương của sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới. Nằm ở gần “trái tim” của vùng sản xuất ngũ cốc và chăn nuôi gia súc lớn nhất đất nước, Chicago nhanh chóng trở thành nơi gặp gỡ giữa những người nông dân và các nhà buôn. Tại đây, họ thỏa thuận về các hợp đồng nhằm bảo vệ bản thân trước các biến động về giá.

Tuy nhiên, thị trường phái sinh ở châu Âu bị tàn lụi sau Thế chiến thứ hai, khi các chính sách trợ cấp thực phẩm và hạn ngạch giúp giảm đáng kể các biến động về giá.

Euronext đang nỗ lực triển khai lại các sản phẩm phái sinh đối với các mặt hàng bơ, sữa tươi dạng bột tách chất béo và bột váng sữa.

Đây không phải là lần đầu tiên một sàn giao dịch chứng khoán cố gắng hồi sinh các hợp đồng phái sinh đối với sản phẩm bơ sữa kể từ khi chúng lụi tàn ở châu Âu. Tuy nhiên, theo Nicholas Kennedy – người phụ trách phát triển mảng phái sinh hàng hóa ở Euronext – cho rằng lần này là một câu chuyện khác.

Ngày 31/3, Liên minh châu Âu đã bãi bỏ quy định hạn ngạch đối với sữa. Điều này có nghĩa là chính phủ không còn hỗ trợ mỗi khi giá biến động quá mạnh mà để cho thị trường tự quyết định. Kennedy nhận định điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn thị trường bơ sữa, giống như việc dỡ bỏ hỗ trợ giá bột mì trong những năm 1990.

Kinh nghiệm của Euronext cho thấy phải mất nhiều năm để khối lượng giao dịch tăng lên và để thị trường phái sinh bơ sữa lớn mạnh. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp bơ sữa ở châu Âu.

Thu Hương

Thu Hương

Economist

Trở lên trên