MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chia tách ngân hàng đa năng: Loay hoay không lối thoát

25-08-2012 - 14:52 PM | Tài chính quốc tế

Với hàng loạt vụ bê bối của các "ông lớn" trong thời gian gần đây, các chuyên gia liên tiếp kêu gọi phải tách biệt ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đây là điều không hề dễ dàng.

Ngày nay, thế giới đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các ngân hàng đa năng. Đây là các ngân hàng được tạo nên bởi sự kết hợp giữa các nghiệp vụ phức tạp của ngân hàng đầu tư và sự đơn giản của các ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ tài chính cho các cá nhân và doanh nghiệp.

Những người ủng hộ mô hình này cho rằng mô hình ngân hàng đa chức năng có thể giúp đa dạng hóa hoạt động và cung cấp dịch vụ đa dạng đến khách hàng. 

Tuy nhiên, với 1 loạt vụ bê bối gần đây, thậm chí cả những người ủng hộ mô hình ngân hàng đa năng cũng đang phải suy nghĩ lại. Hồi tháng trước, Sandy Weill, người đứng đằng sau cuộc sáp nhập tạo nên Citigroup, đã gây ngạc nhiên cho giới chuyên gia khi cho rằng các đại ngân hàng nên được xé nhỏ. 

Như vậy Weill đã nối dài thêm danh sách những cựu lãnh đạo ngân hàng thay đổi rõ rệt quan điểm sau khi nghỉ hưu. Ngoài Sandy Weill còn có 2 cựu Chủ tịch của Citigroup là John Reed và Richard Parsons cùng với David Komansky, cựu CEO của Merrill Lynch.

Quy mô quá lớn không phải là vấn đề duy nhất khiến người ta lo lắng về các ngân hàng đa năng. Rất nhiều nhà làm luật và chính trị gia nhìn nhận các scandal mà điển hình như vụ bóp méo lãi suất Libor là bằng chứng cho thấy các ngân hàng thương mại đang bị “ô nhiễm” bởi văn hóa của các ngân hàng đầu tư. Tính chất biến động mạnh của các thị trường bán buôn (điển hình như những thua lỗ gần đây trong các hợp đồng tín dụng phái sinh của JPMorgan Chase) cũng khiến người ta không khỏi lo lắng. 

Hồi tháng 6, Mervyn King, Thống đốc NHTW Anh đưa ra nhận định có thể nhìn thấy được những giá trị thực trong việc cố gắng chi tách ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Trong khi đó, ở Mỹ, giới chuyên gia kêu gọi phục hồi lại đạo luật Glass-Steagall – đạo luật chia tách ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. BaFin, cơ quan giám sát tài chính của Đức cũng là cơ quan điều hành Deutsche Bank cũng đang xem xét tách riêng 2 mảng kinh doanh. 

Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra nhanh chóng và dễ dàng như vậy. Rất ít ngân hàng đa năng có bộ phận ngân hàng đầu tư với qui mô đủ lớn để tự đứng một mình. Bên cạnh đó, tương lai của các ngân hàng thuần về đầu tư thậm chí còn đáng lo ngại hơn so với các ngân hàng đa năng. 

Biểu đồ bên cạnh thể hiện tỷ lệ doanh thu từ hoạt động đầu tư so với tổng doanh thu của các ngân hàng đa năng và các ngân hàng đầu tư đơn thuần.

Có thể thấy rằng, trong vòng 5 năm kể từ khi khủng hoảng bắt đầu, bộ phận đầu tư của các ngân hàng đa năng đã chiếm lĩnh được phần lớn các thị trường chủ chốt bao gồm trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa.

Sự chênh lệch ngày càng được mở rộng hơn sau khi vừa mới đây các tổ chức tín dụng đánh tụt hạng Morgan Stanley - một trong những ngân hàng đầu tư cuối cùng còn sót lại. 

Nguyên nhân ở đây là gì? Số lượng các ngân hàng chỉ làm riêng về mảng đầu tư sụt giảm là 1 nguyên nhân. Tuy nhiên, các ngân hàng này cũng phải đối mặt với chi phí đi vay quá cao. 

Kể cả nếu như các nhà làm luật và cổ đông đồng ý về việc chia tách 2 loại ngân hàng này, rất khó để có thể phục hồi lại tình trạng lộn xộn hiện nay. Hầu hết các ngân hàng toàn cầu không thể bán đi bộ phận ngân hàng đầu tư bởi qui mô của bộ phận này quá nhỏ và lợi nhuận còn bị sụt giảm mạnh. 

Nếu như thoát khỏi tất cả các vị thế đầu tư trước thời hạn, các ngân hàng đa năng không thể tránh khỏi những khoản thua lỗ lớn. Rất có thể bộ phận ngân hàng đầu tư đã thực hiện những hợp đồng giao dịch phái sinh ẩn chứa rất nhiều rủi ro cho ngân hàng. Những hợp đồng này thường kéo dài 20 năm hoặc hơn. 

Các ngân hàng cũng buộc phải duy trì bộ phận các giao dịch viên tài năng đưa ra các chiến lược phòng vệ và quản lý rủi ro đến từ các hợp đồng phái sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, họ càng gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc thu hút và giữ chân người tài. Kết quả là chi phí nhân công tăng lên bởi các ngân hàng phải bù đắp cho những nhân viên đang làm công việc khiến chính họ bị mất việc trong tương lai. 

Theo cựu giám đốc tài chính của một ngân hàng đa năng, ngân hàng của ông đã không thể tìm ra cách hợp lý để có thể loại bỏ bộ phận ngân hàng đầu tư mà không bị lỗ nặng. Do đó, ngân hàng này đã quyết định chọn giải pháp bơm tiền vào bộ phận ngân hàng đầu tư với hy vọng cuối cùng thì bộ phận này cũng đủ lớn mạnh để có thể cạnh tranh và đem về lợi nhuận. 

Những vấn đề nhức nhối trên cho thấy các nhà làm luật cần phải có những biện pháp can thiệp tinh tế và khôn ngoan hơn chứ không phải chỉ đơn giản tách đôi các ngân hàng. Biện pháp được 1 ủy ban độc lập ở Anh đề xuất có thể là 1 gợi ý. Theo đó, các ngân hàng không bắt buộc phải lựa chọn giữa 1 trong 2 nhưng phải đảm bảo có đủ vốn và thanh khoản cho mỗi mảng. 

Một cách khác có thể áp dụng là xác định rõ ràng về độ lớn của các ngân hàng đầu tư so với các ngân hàng thương mại. Một lãnh đạo cấp cao ở ngân hàng đầu tư đã đề xuất các ngân hàng và nhà làm luật nên đánh giá qui mô tương đối của từng bộ phận theo góc độ sinh học. Họ cần phải xác định xem bộ phận nào sẽ là "vật chủ" để ngân hàng đầu tư có thể bám vào. Chỉ khi làm được điều đó các ngân hàng mới có thể phân bổ tỷ lệ hợp lý cho "vật ký sinh" và có được "quan hệ cộng sinh" hoàn hảo. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên