MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ Brazil công bố một gói tiết kiệm trị giá 17 tỷ USD

15-09-2015 - 15:27 PM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Brazil đã công bố một gói tiết kiệm trị giá 17 tỷ USD sau khi sử dụng gói tiết kiệm bao gồm các biện pháp như tạm ngừng tuyển dụng và tăng lương trong lĩnh vực công.

Trong một nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế quốc gia hiện đang trong tình trạng khủng hoảng đã ảnh hưởng tới mức tín nhiệm đầu tư của nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, ngày 14/9, Chính phủ Brazil đã công bố một gói tiết kiệm trị giá 17 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch Nelson Barbosa, gói tiết kiệm bao gồm các biện pháp như tạm ngừng tuyển dụng và tăng lương trong lĩnh vực công, giảm 10 bộ xuống còn 29 bộ, cắt giảm 1.000 việc làm cũng như cắt chi tiêu xã hội liên quan tới y tế và nhà ở.

Nội dung đáng chú ý nhất là việc đề xuất áp dụng trở lại thuế CPMF đánh vào các khoản giao dịch tài chính, nếu "qua cửa" Quốc hội, loại thuế chịu nhiều phản đối này có thể giúp Chính quyền Brasilia tăng khoảng 8,4 tỷ USD ngân sách trong năm tới.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng cắt giảm mạnh trợ cấp thuế cho ngành hóa học, cắt giảm các khoản hoàn lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa chế tạo và tăng thuế trên thặng dư vốn lên tới 30%. Nhận định về quyết định mới, Bộ trưởng Tài chính Joaquim Levy khẳng định đây đều là những biện pháp mạnh tay.

Quyết sách mới của chính phủ không gây ra nhiều bất ngờ trong thị trường. Trong những phản ứng đầu tiên, nhà kinh tế học Felipe Queiroz nhận định các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trên không được người dân đón nhận tích cực và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới sự ủng hộ dành cho chính quyền của Tổng thống Dilma Rousseff, đặc biệt trong tầng lớp người thu nhập thấp.

Cũng theo chuyên gia này, các biện pháp tiết kiệm là dễ hiểu trong trường hợp muốn duy trì thặng dư ngân sách và cải thiện đánh giá tín dụng, song cũng có mặt trái làm thu hẹp hoạt động kinh tế.

Trong tháng Tám vừa qua, Brazil đã chính thức rơi vào suy thoái và tình trạng này dự báo sẽ kéo dài sang năm 2016 trở thành đợt suy thoái dài nhất kể từ năm 1931 của Brazil.

Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) đã "đánh tụt" xếp hạng tín nhiệm của Brazil xuống mức rủi ro trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới đang rơi vào suy thoái, nợ công tăng và chính trị bất ổn.

Viễn cảnh kinh tế của Brazil không mấy sáng sủa khi chính phủ dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay giảm 1,49%. Trong khi đó, kỳ vọng từ thị trường còn "u ám" hơn với con số suy giảm được trông chờ lên tới 2,55%.

PV

Theo Vietnam+

Trở lên trên