Chính sách quản lý lãi suất tiền gửi trái chiều giữa Fed và ECB
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, chỉ hạ 0,1 điểm phần trăm xuống mức âm 0,3% đối với tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại ECB, đồng thời gia hạn gói nói lỏng định lượng (QE) hiện đang áp dụng thêm 6 tháng, tức đến tháng 3/2017 và để ngỏ khả năng có thể gia hạn tiếp gói QE này nếu ECB thấy cần thiết.
- 05-12-2015Vì sao gói kích thích mới của ECB chưa được như kỳ vọng?
- 03-12-2015ECB hạ lãi suất tiền gửi xuống mức -0,3%
- 27-11-2015Fed và ECB ngược chiều, euro sẽ ngang giá với USD?
- 22-10-2015ECB quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục
Tại cuộc họp thường kỳ hôm 3/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, chỉ hạ 0,1 điểm phần trăm xuống mức âm 0,3% đối với tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại ECB, đồng thời gia hạn gói nói lỏng định lượng (QE) hiện đang áp dụng thêm 6 tháng, tức đến tháng 3/2017 và để ngỏ khả năng có thể gia hạn tiếp gói QE này nếu ECB thấy cần thiết.
Việc giữ nguyên lãi suất cơ bản và hạ lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tại ECB là phù hợp với dự đoán của các chuyên gia và xu hướng của thị trường.
Tuy vậy, việc ECB không nâng mức mua vào trái phiếu của chính phủ các nước Khu vực đồng euro (Eurozone), hay không đưa ra thêm một gói QE thứ hai mà chỉ thông báo kéo dài thời gian thực hiện gói QE hiện nay, đã làm giới chuyên gia, nhà đầu tư và thị trường thất vọng.
Ngay sau quyết định của ECB, các thị trường đã có phản ứng rất tiêu cực.
Các thị trường chứng khoán châu Âu sụt giảm mạnh hầu hết trên 2%, trong đó riêng thị trường chứng khoán Pháp và Đức sụt tới hơn 3%; đồng euro tăng giá mạnh hơn 2% so với USD.
Trong khoảng một tuần sau đó, các thị trường chứng khoán trên thế giới từ châu Âu, Mỹ và châu Á đều liên tục giảm điểm.
Trong khi ECB vẫn muốn bơm thêm tiền để tăng thanh khoản thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại đang chuẩn bị làm điều ngược lại là nâng lãi suất cơ bản.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế Eurozone và Mỹ hiện rất khác nhau.
Mỹ đã thực hiện tới ba gói QE kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và hiện đã là thời điểm để Fed bình thường hóa chính sách tiền tệ khi tình hình tăng trưởng kinh tế, việc làm của Mỹ đã có biến chuyển tích cực.
Trong khi đó, Eurozone vẫn đang đối mặt với một sự tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững (khoảng 1%/năm), lạm phát rất thấp kéo dài (khoảng 0,1%/năm), nên để tạo thanh khoản cho thị trường, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy lạm phát để tránh rơi vào tình trạng thiểu phát thì ECB cần thiết phải thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ.
Ngoài ra, thời gian qua, giới chuyên gia và thị trường cũng cho rằng ECB cần phải hành động trong cuộc họp cuối năm, tức ECB bị sức ép của thị trường buộc phải đưa ra một quyết định nới lỏng dù ở mức thấp nhất.
Gói QE mà ECB thực hiện kể từ tháng 3 mới chỉ đem lại những kết quả hết sức hạn chế và vì thế ECB cần cân nhắc sử dụng các công cụ khác để tác động, can thiệp vào thị trường.
Việc đưa ra quyết định mở rộng gói QE ở mức tối thiểu lần này có thể làm thất vọng cho thị trường nhưng là phù hợp với ECB và bối cảnh kinh tế hiện nay tại Eurozone.
Qua động thái này, ECB muốn gửi thông điệp tới thị trường là ECB sẽ sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết nhưng vẫn hết sức cân nhắc.
Ngoài ra, ECB cũng cần để lại dư địa để có thể tiếp tục can thiệp trong thời gian tới nếu thị trường đòi hỏi.
Mục tiêu khác không nói ra của ECB kể từ khi thực hiện gói QE là để giảm tỷ giá đồng euro.
Sau gần một năm thực hiện, tỷ giá euro so với USD đã giảm mạnh và về quanh mức 1 euro đổi 1,1 USD.
Việc đồng euro giảm giá đã khiến hàng hóa của Khu vực Eurozone trở nên cạnh tranh hơn và thặng dư thương mại của Eurozone đã tăng liên tục mấy tháng qua (đạt thặng dư khoảng 10 tỷ euro/tháng).
Nhiều ý kiến cho rằng gói QE của ECB một mặt đem lại thanh khoản cho nền kinh tế nhưng một số nước cần tiền thì lại không tiếp cận được gói này như trường hợp của Hy Lạp.
Cho đến nay, Hy Lạp vẫn bị coi là không đủ tiêu chuẩn để hưởng gói QE. Và như vậy, những trường hợp tương tự như Hy Lạp sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn.
Nợ nhiều không vay thêm được mà thiếu tiền thì không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được và khi không có tăng trưởng thì lại không có tiền trả nợ.
Fed hiện cũng đang chịu sức ép của thị trường tương tự như ECB khi các điều kiện về việc làm, tình hình kinh tế nói chung, triển vọng lạm phát, tăng trưởng… đều đã cơ bản đáp ứng cho một sự bình thường hóa chính sách tiền tệ, tức là tăng lãi suất cơ bản.
Song nếu Fed trì hoãn tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 15-16/12 thì có thể gây ra những tác động ngược và có thể rất xấu đối với thị trường.
Như vậy, có thể nói điều kiện để Fed ra quyết định nâng lãi suất trong cuộc họp tuần tới đã chín muồi. Vấn đề là Fed sẽ tăng lãi suất ở mức nào và lộ trình tiếp theo sẽ ra sao.
Từ động thái của ECB ngày 3/12, có thể cho rằng Fed sẽ chỉ ra quyết định nâng lãi suất ở mức tối thiểu, khoảng từ 0,1-0,15 điểm phần trăm.
Đồng thời, Chủ tịch Fed Janet Yellen sẽ lại phát biểu chung chung rằng Fed sẽ cân nhắc tăng lãi suất theo lộ trình từ từ phù hợp và cân nhắc các điều kiện kinh tế của Mỹ và thế giới để ra các quyết định.
Điều đó có nghĩa là quyết định ngày 16/12 tới của Fed nhiều khả năng cũng sẽ gây thất vọng cho thị trường.
Vietnam+