Chứng khoán châu Á tăng điểm trước biên bản cuộc họp của Fed
Bất kỳ thông tin nào về QE (kể cả khi Fed thông báo chưa giảm quy mô của chương trình này) cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường.
- 18-09-201314 điều cần biết về Fed (P2)
TTCK châu Á tăng điểm trong khi vàng và dầu giảm giá trong bối cảnh các thị trường trên toàn thế giới mong chờ thông báo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về việc liệu có thu hẹp gói kích thích kinh tế hay không. Đồng nội tệ của Australia và New Zealand giảm giá.
Vào lúc 9h51 sáng nay (18/9) theo giờ Tokyo, chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương tăng thêm 0,4%, đánh dấu phiên tăng thứ hai liên tiếp trong vòng 4 ngày. Chỉ số Topix của TTCK Nhật Bản tăng vọt 0,8%. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 tăng 0,1% sau khi tăng 0,4% trong phiên hôm qua. Vàng bước sang ngày giảm giá thứ ba liên tiếp và dầu thô giảm 0,5%. Đồng nội tệ của Australia và New Zealand giảm ít nhất 0,2%.
Chỉ số S&P/ASX 200 của TTCK Australia mất 0,1% và có phiên giảm đầu tiên trong tuần này. Chỉ số MSCI Emerging Markets đo lường diễn biến của các TTCK mới nổi tăng 0,1% và đang hướng đến phiên đóng cửa cao nhất kể từ ngày 4/6.
Giới phân tích đang hạ dự báo đối với động thái thu hẹp gói nới lỏng định lượng của Fed. Trung bình, 64 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo lượng trái phiếu mà Fed mua vào hàng tháng sẽ bị giảm từ 45 tỷ xuống còn 40 tỷ USD. Trước đó, trong khảo sát được thực hiện hôm 6/9, con số trung bình là giảm xuống còn 30 tỷ USD.
(Xem thêm: Hãy còn quá sớm để Fed rút lại chương trình QE)
Kể từ tháng 5 đến nay – khi Chủ tịch Fed Ben Bernanke đưa ra dấu hiệu cho thấy gói QE có thể bị thu hẹp bắt đầu từ năm 2013, dự đoán về gói QE của Fed đã khiến tất cả các tài sản trên toàn cầu biến động mạnh.
Theo Nick Maroutsos – giám đốc điều hành và là người đồng sáng lập Kapstream Capital Ltd., bất kỳ thông tin nào về QE (kể cả khi Fed thông báo chưa giảm quy mô của chương trình này) cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là gói QE sẽ được thu hẹp một cách rất từ từ.
Gói QE3 của Fed (vốn có mục đích hỗ trợ kinh tế Mỹ hồi phục trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu) đã giúp giá trị vốn hóa của TTCK toàn cầu tăng vọt 33.000 tỷ USD so với mức đáy năm 2009, theo dữ liệu của Bloomberg.
Minh Anh