Chứng khoán hóa – Trở về từ “cõi chết”
Đã từng là nguyên nhân gây nên những vấn đề tồi tệ nhất của thế giới tài chính, chứng khoán hóa giờ đây lại trở thành giải pháp
Quay trở lại thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008, chứng khoán hóa là cụm từ khiến người ta rùng mình và được nhìn nhận như những “tảng băng” có chứa chất độc trôi nổi và phá hủy hệ thống tài chính. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi những sản phẩm tài chính được “chứng khoán hóa” khá im ắng trong suốt mấy năm qua.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi các khoản vay thế chấp, các khoản nợ trên thẻ tín dụng và nhiều sản phẩm tài chính khác thành những chứng khoán có thể giao dịch trên thị trường lại đang nổi lên. Từng được các cuốn sách viết về khủng hoảng tài chính coi là tội đồ, những cụm từ như ABSs (chứng khoán đảm bảo bằng tài sản), MBSs (chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp), CLOs (nghĩa vụ nợ có thế chấp) hay những loại sản phẩm tương tự đã có một năm phát triển mạnh mẽ trong năm 2013 và cả một tương lai tươi sáng trong năm 2014.
Tất nhiên, xu hướng này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số nhà quan sát lập luận rằng rủi ro mà xu hướng chứng khoán hóa đem lại là quá lớn. Tuy nhiên, sự hồi sinh này cần được khuyến khích, bởi chúng cũng là “liều thuốc bổ” cho quá trình phục hồi kinh tế, đặc biệt là ở châu Âu.
Cẩn trọng khi sử dụng
Ở dạng đơn giản nhất, chứng khoán hóa là hình thức rất rõ ràng và mang lại nhiều lợi ích. Ví dụ, một nhà sản xuất xe hơi kỳ vọng hàng tháng sẽ nhận được rất nhiều tiền từ những khách hàng đã không còn đủ tiềm lực tài chính có thể kêu gọi đầu tư bằng cách bán lại cho nhà đầu tư quyền đi đòi nợ. Một ngân hàng cũng có thể làm điều tương tự: “đóng gói” các khoản nợ và bán chúng, hoặc sử dụng chúng như một tài sản đảm bảo để nhận tiền đầu tư và sau đó phát hành nhiều nợ hơn. Quá trình này thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế.
Thế nhưng, chứng khoán hóa được áp dụng một cách cẩu thả và thiếu trách nhiệm sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Đây cũng chính là nhân tố thổi bùng lên cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ. Một số ngân hàng – nhận thức được rằng các khoản vay mua nhà có thể được chia nhỏ, đóng gói lại và sau đó bán ra bên ngoài – đã bỏ qua quy trình kiểm tra khả năng tài chính của người đi vay. Nhà đầu tư thì cho rằng đây là những tài sản an toàn và ồ ạt rót tiền vào các sản phẩm này. Cuối cùng, bong bóng vỡ tung và chính phủ phải tung ra các gói cứu trợ.
Rõ ràng là chứng khoán hóa không phải là tội đồ duy nhất phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng tài chính. Thực chất, điều này thể hiện sự phát triển của thị trường tài chính. Tiêu chuẩn cho vay lỏng lẻo trong thời kỳ kinh tế bùng nổ tạo tiền đề cho chứng khoán hóa (trong những năm 1970) nhưng cũng phải mất vài thế kỷ để điều này diễn ra. Hầu hết các sản phẩm chứng khoán hóa đã có diễn biến khá tốt trong khủng hoảng (tất nhiên là loại trừ những khoản thế chấp ở Mỹ). Bất chấp suy thoái kinh tế, tỷ lệ các khoản chứng khoán hóa vỡ nợ ở châu Âu là khá thấp.
Thêm vào đó, chắc chắn loại sản phẩm tài chính này sẽ an toàn hơn trong tương lai. Những quy định hoàn toàn mới được đưa ra sau khủng hoảng giúp giảm nguy cơ. Theo đó, cơ quan phát hành chứng khoán phải giữ lại một chút tài sản liên quan đến khoản tín dụng gốc, nhằm đảm bảo rằng các quy định về bảo lãnh không bị bỏ qua.
Cũng là rất khó để có thể tái tạo lại một số sản phẩm được tạo ra từ chứng khoán, ví dụ điển hình là các nghĩa vụ nợ có thế chấp (CDOs) đầu tư vào các CDO khác mà những CDO này lại đầu tư vào chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBSs).
Cũng có ý kiến cho rằng các sản phẩm chứng khoán hóa có cấu trúc đơn giản nên được chào đón trên thị trường, trong khi những cấu trúc có quá nhiều tầng lớp không nên dược đưa ra.
Châu Âu là nơi được hưởng nhiều lợi ích nhất từ sự quay lại của chứng khoán hóa. Các ngân hàng trên khắp châu Âu đang phải chịu áp lực nâng tỷ lệ an toàn vốn. Một trong những giải pháp được sử dụng là co hẹp hoạt động cho vay - điều mà các ngân hàng vốn dĩ đang thực hiện. Trong trường hợp này, bằng cách đóng gói các khoản nợ và bán chúng cho nhà đầu tư bên ngoài như các công ty bảo hiểm hoặc công ty quản lý tài sản, các ngân hàng có thể nâng tỷ lệ an toàn trong khi vẫn cho giải ngân cho các doanh nghiệp khát vốn. Điều này còn giúp phân tán rủi ro khỏi các ngân hàng vốn đã yếu kém.
Chứng khoán hóa đem lại những hệ lụy khó lường, nhưng chúng cũng rất hữu dụng và cấm sử dụng loại hình này là điều không nên. Hầu hết các phát kiến trong lĩnh vực tài chính, từ các khoản thế chấp cho tới công ty cổ phần, đều phải tự tái tạo lại danh tiếng trước khi "vỡ tung" ở một thời điểm nào đó trong lịch sử. Và, xã hội được hưởng lợi từ sự hồi sinh ấy.
Thu Hương