MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Trung Quốc: 20 năm chỉ mang lại 1% mỗi năm!

15-07-2013 - 14:42 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc là ví dụ điển hình cho việc tăng trưởng GDP vượt bậc không có nghĩa là TTCK chứng khoán bùng nổ.

Kinh tế bùng nổ trong 20 năm qua đã giúp tài sản của 1,3 tỷ công dân Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trên thế giới và nuôi dưỡng một vài công ty lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mức lợi suất mà các nhà đầu tư nước ngoài kiếm được từ TTCK Trung Quốc mỗi năm lại chưa đến 1% - tương đương 1/6 lợi tức mà họ sẽ nhận được nếu nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ. 

Năm 1992, cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ thông qua đợt niêm yết cổ phiếu đầu tiên với việc 9 công ty nhà nước được phép bán cổ phiếu ở Hồng Kông.  Tsingtao Brewery – công ty được người Đức thành lập hơn một thế kỷ trước tại thành phố duyên hải Thanh Đảo – là một trong số những công ty Trung Quốc đầu tiên phải đáp ứng các tiêu chuẩn kế toán quốc tế. 

Các quan chức Trung Quốc đã ăn mừng sự kiện này bằng bia thay vì những ly sâmpanh như khi cổ phiếu tăng 29%. 8 công ty còn lại (trong đó có Sinopec Shanghai Petrochemical Co. và Maanshan Iron & Steel Co., cũng niêm yết cổ phiếu trong 12 tháng sau đó. 

Trong cuốn sách “Red Capitalism: The Fragile Financial Foundation of China’s Extraordinary Rise” (tạm dịch: “Chủ nghĩa tư bản đỏ: Nền tảng tài chính mong manh của sự trỗi dậy mạnh mẽ ở Trung Quốc”), các tác giả Carl Walter và Fraser Howie nhận định lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc và các công ty Trung Quốc được tiếp cận với các kỹ thuật tài chính và thị trường tài chính giúp họ huy động được lượng vốn lớn. 

Kể từ đó đến nay, khoảng 167 công ty đã niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông, trong đó có PetroChina niêm yết năm 2000 và ICBC năm 2006. 

Kể từ khi Tsingtao Brewery Co. trở thành công ty đầu tiên ở đại lục bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư quốc tế ở Hồng Kông hồi tháng 7/1993, chỉ số MSCI China Index đã tăng 14% (tính cả cổ tức). Trong khi đó, tỷ lệ đối với chỉ số Standard & Poor’s 500 là 452%, với chỉ số MSCI Emerging Markets Index và Trái phiếu kho bạc Mỹ lần lượt là 322% và 86%. Trong số 10 thị trường lớn nhất thế giới, chỉ có chỉ số MSCI Japan Index có lợi suất thấp hơn khi sụt giảm 1%.  


Các nhà đầu tư nước ngoài với 695 tỷ USD cho biết những lo lắng về quản trị doanh nghiệp, mức độ cạnh tranh và sự can thiệp của nhà nước là nguyên nhân khiến lợi tức mà cổ đông nhận được bị xói mòn. 

Theo Nicholas Yeo – chuyên gia quản lý tiền tệ tại Aberdeen Asset, Trung Quốc là ví dụ điển hình cho việc tăng trưởng GDP vượt bậc không có nghĩa là TTCK chứng khoán bùng nổ. Quản trị doanh nghiệp yếu kém là một trong số những nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu không thể diễn biến tốt trong dài hạn. Còn theo Marco Li, chuyên gia đến từ công ty quản lý tài sản Manulife Asset, niềm tin vào Trung Quốc khá mong manh. 

Phải biết chọn cổ phiếu

Trên thực tế, TTCK Trung Quốc cũng có thể đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư biết chọn đúng thời điểm. Chỉ số MSCI China Index đem lại lợi suất 680% từ ngày 10/11/2001 – khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Ngày 30/10/2007, chỉ số này đạt đỉnh. 

Các cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng có mức tăng trong dài hạn lớn nhất. Cổ phiếu của Tsingtao Brewery đã tăng hơn 1.400% kể từ khi được giao dịch lần đầu tiên cách đây 20 năm. Cổ phiếu của công ty xe hơi Great Wall Motor Co. tăng 1.660% kể từ tháng 7/2008, khiến Chủ tịch của hãng trở thành lãnh đạo công ty xe hơi giàu nhất châu Á. 


Theo Nader Naeimi, chuyên gia của AMP Capital Investors Ltd., với xu hướng phát triển hiện nay của Trung Quốc, các công ty hướng đến chi tiêu tiêu dùng sẽ mang lại hiệu quả. Trái ngược với Tsingtao Brewery, cổ phiếu của Maanshan Iron đã sụt giảm tới 37% kể từ cuối năm 1993. 

Quản trị doanh nghiệp

Các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự chi phối quá lớn của các doanh nghiệp nhà nước vốn đặt lợi ích chính trị lên trên lợi ích của nhà đầu tư. Dưới thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các ngân hàng được yêu cầu phải cho các địa phương vay tiền trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi giá nhiên liệu thấp giả khiến các công ty dầu mỏ như PetroChina chịu nhiều hậu quả. Chỉ số P/E của ngân hàng ICBC rơi xuống mức thấp kỷ lục 4,9 lần vào tháng trước, trong khi của PetroChina thấp nhất kể từ năm 2011. 

Hơn 25% các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc không có lợi nhuận và mức tăng trưởng sản lượng của họ luôn đi sau khối doanh nghiệp tư nhân trong suốt 3 thập kỷ qua. 

Trung Quốc hiện đang xếp thứ 9 trong tổng số 11 châu Á về quản trị doanh nghiệp và xếp hạng của Trung Quốc cũng giảm mạnh nhất kể từ năm 2010, theo khảo sát của CLSA Asia Pacific Markets và Hiệp hội Quản trị doanh nghiệp châu Á. 

Tony Hsu, chuyên gia quản lý tiền tệ tại Dalton Investments, hé lộ chiến lược hiệu quả khi đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc:  bán khống cổ phiếu. Khi đó, nhà đầu tư sẽ đi vay cổ phiếu, dự đoán giá cổ phiếu giảm xuống trong tương lai và như vậy họ sẽ hưởng lợi bằng cách mua cổ phiếu đó ở mức giá rẻ hơn để trả nợ. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên