Crimea và Kosovo: Một câu chuyện, hai cái kết
Câu chuyện dài về phương Tây và Kosovo tưởng chừng đã kết thúc vào năm 2008, khi vùng này tự đứng lên thành lập nhà nước độc lập. Tuy nhiên, sau 6 năm, kịch bản tương tự đã xảy ra, lần này là ở Crimea.
- 31-03-2014Khủng hoảng Ukraine: Trật tự thế giới mới
- 30-03-2014Nga không được lợi lộc gì trong cuộc chiến khí đốt mới với Ukraine
- 29-03-2014Nga 'hoàn toàn không có hứng thú' tiến vào Ukraine
Kosovo và Crimea – vùng đất của Ukraine vừa mới gia nhập Liên bang Nga – có những điểm tương đồng nhất định trong quá trình tìm kiếm sự độc lập. Sự can thiệp của phương Tây quyết định không nhỏ đến số phận của cả Kosovo và Crimea. Tuy nhiên, thái độ của phương Tây đối với hai vùng đất là rất khác nhau.
Kosovo
Vùng Serbia trước khi bị chia tách vốn là một khu vực đa sắc tộc có nhiều chia rẽ. Sự kiện chiến tranh Kosovo bắt nguồn từ sự chia rẽ sắc tộc này. Kosovo là một vùng nơi đa số dân là người gốc Albania, lúc đó thuộc Serbia, nước Serbia và Montenegro (Cộng hòa Liên bang Nam Tư).
Trước khi xảy ra nội chiến, những căng thẳng giữa người Albania và cộng đồng người Serbia liên tục xảy ra. Nhiều lần, người Albania ở Kosovo luôn muốn tách ra thành một quốc gia độc lập và tham gia vào Liên bang Nam Tư.
Một người phụ nữ lớn tuổi đang trốn chạy khỏi cuộc xung đột ở Kosovo, tháng 3/1999. |
Sự kiện thảm sát người Albania ở Racak đã mở màn cho cuộc chiến tranh ở Kosovo. Phương Tây lúc đó, với nhiều duyên nợ cùng với vùng đất Bosnia, đã quyết định can thiệp vào vấn đề nội bộ của Serbia bằng cách ủng hộ Kosovo cùng yêu cầu được độc lập của người gốc Albania ở đây.
Với các tuyên bố như “can thiệp nhân đạo”, “chiến tranh chống khủng bố”, “chiến tranh phòng ngừa”, NATO đã đưa quân vào Serbia, đẩy đất nước này vào một cuộc chiến tranh mà hậu quả đến bây giờ vẫn còn âm ỉ.
Cuộc chiến ở Kosovo kéo dài 11 tuần với một lực lượng hùng hậu từ NATO. Liên minh này đã tiến hành chiến dịch ném bom vào các khu vực của Serbia.
Trong suốt chiến dịch, NATO đã bắn 2.300 tên lửa và 990 mục tiêu và thả 14.000 quả bom, trong đó có bom uranium nghèo và bom bi (loại vẫn tiếp tục đặt ra mối đe doạ đối với người dân sau khi chiến dịch kết thúc). Hơn 2.000 dân thường đã thiệt mạng, trong đó có 88 trẻ em, và hàng nghìn người khác bị thương. Hơn 200.000 người dân tộc Serbia đã buộc phải rời bỏ quê hương.
Sau 78 ngày bị ném bom, Belgrade đã chấp nhận nhượng bộ. Tại Kosovo, lực lượng Serbia được thay thế bằng lính của NATO và Liên hợp quốc – hay còn gọi là KFOR. Kosovo trở thành xứ bảo trợ quốc tế, đặt dưới sự chỉ đạo của LHQ. Quy chế của tỉnh này được đóng băng trong 5 năm.
NATO đã thành công trong việc ngăn chặn ý định của Tổng thống Slobodan Milosevic muốn bảo toàn lãnh thổ của Nam Tư. Tuy nhiên, mặt khác, Phương Tây không những thất bại khi không thể thành lập một chính phủ thân châu Âu sau khi ông Milosevic bị lật đổ mà còn khiến cho chủ nghĩa dân tộc ở Serbia trỗi dậy mạnh mẽ từ sau hàng loạt vụ ám sát các quan chức nước này từ năm 2000.
Vụ ám sát Thủ tướng Zoran Djindjic, người duy nhất muốn giải quyết vấn đề Kosovo vào tháng 3/2003 đã đặt dấu chấm hết cho tiến trình hòa bình giữa Kosovo và Serbia.
Riêng với Kosovo, ngay từ khi NATO can thiệp, khu vực này đã mặc nhiên tự xem mình là một vùng đất tự do, không còn bị ràng buộc bởi chính quyền ở Belgrade. Điều này không đồng nghĩa với người Albania tỏ ra biết ơn NATO hay KFOR. Ngược lại, những sai lầm nối tiếp của lực lượng này ở Kosovo càng làm cho ác cảm của người dân tăng lên. Kosovo đã xem KFOR là một lực lượng chiếm đóng.
Tháng 3/2004, mọi thứ bùng nổ. Các cuộc biểu tình chống lại KFOR được tổ chức sau cái chết của hai em bé người Albania đã biến thành một vụ đụng độ chống lại người Serbia, làm 19 người chết.
Sự kiện Kosovo đã kéo dài trong nhiều năm, với nhiều cuộc khủng hoảng về niềm tin chính trị. Đặc biệt, nó chứng kiến sự đối đầu ngầm giữa Nga và Phương Tây. Trong khi Nga không ủng hộ việc tách Kosovo ra khỏi Serbia thì ngược lại, phương Tây muốn Kosovo trở thành một vùng lãnh thổ độc lập. Năm 2008, khu vực này đã tự đứng lên tuyên bố trở thành nước Cộng hòa Kosovo.
Crimea
Cũng xuất phát từ nguyện vọng được trao nhiều quyền tự trị hơn, Crimea đòi tách ra khỏi Ukraine. Có điều, không giống như Kosovo, phương Tây – cụ thể là EU và Mỹ - lại muốn ngăn chặn điều đó xảy ra.
Người dân Crimea ăn mừng kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3/2014. Tại cuộc trưng cầu này, đa số người dân Crimea đồng ý tách ra khỏi Ukraine và sáp nhập về với Nga. |
Tháng 12/2013, Ukraine trở nên hỗn loạn bởi hai luồng tư tưởng thân Nga và thân EU. Trong khi chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovych muốn nhận được sự hỗ trợ từ Matxcơva thì ngược lại, phần đa người dân thủ đô muốn đi theo EU.
Sự việc bùng nổ kể từ khi một cuộc bạo động khiến gần 100 người chết trong các cuộc biểu tình ở Kiev. Bất chấp các đảng đối lập đã cùng ký kết với ông Yanukovych một cuộc đình chiến giữa hai bên, phe thân phương Tây quyết định phế truất ông và lập nên một chính phủ mới.
Câu chuyện ở Crimea bắt đầu từ đây. Khu bán đảo ở Biển Đen này có phần đa dân cư nói tiếng Nga và xem Nga là “đất mẹ”. Sau khi chính quyền lâm thời Kiev được dựng lên với quyết tâm chống lại ảnh hưởng của Nga, Crimea lo sợ một ngày nào đó sẽ bị “đồng hóa” và không còn được sử dụng tiếng Nga như trước. Chính quyền khu tự trị đã quyết định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc tách Crimea ra khỏi Ukraine và trở thành một vùng lãnh thổ độc lập.
Phương Tây phản đối cuộc trưng cầu dân ý này, phản đối kết quả rằng 96,77% người dân Crimea muốn độc lập, phản đối việc Nga sáp nhập Crimea thành một phần lãnh thổ của họ. Trái hoàn toàn với những gì họ đã làm ở Kosovo.
Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), người ta chứng kiến sự đối đầu giữa Nga và các quốc gia phương Tây trong vấn đề Crimea. Không giống với những gì đã diễn ra ở Kosovo, LHQ đã thông qua một nghị quyết, trong đó phủ nhận sự độc lập của Crimea khỏi Ukraine.
Cả Kosovo và Crimea đều nhận sự can thiệp của phương Tây và Nga. Tuy nhiên, ở hai sự kiện này, vai trò của phương Tây và Nga đã bị đảo ngược. Nếu ở Kosovo, Nga phủ nhận sự độc lập của vùng này trong khi phương Tây lại ra sức ủng hộ; thì ở Crimea, Nga dọn đường cho Crimea sáp nhập với mình và phương Tây tỏ ra phẫn nộ.
Khó có thể nhận định sự đúng sai trong câu chuyện các vùng đất đòi ly khai ở các quốc gia trên thế giới cũng như sự can thiệp của nước ngoài vào tình hình nội bộ của đất nước đó. Lý do là bởi cho đến nay, đúng hay sai chủ yếu dựa trên quyền lợi của các quốc gia can thiệp chứ chưa được xét đến quyền lợi của người dân ở đất nước bị chia cắt. Ly khai không là câu chuyện mới trong bản đồ thay đổi địa chính trị toàn cầu, nhưng sự kiện Kosovo hay Crimea không phải là một hình mẫu tốt cho việc giải quyết các bất đồng dân tộc bằng biện pháp hòa bình.
Theo Phan Sương