MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cú lội ngược dòng của đồng USD

16-03-2016 - 09:26 AM | Tài chính quốc tế

Các nước đều quyết tâm giảm giá đồng tiền, làm cho hàng hóa cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Trong khi đó, Mỹ thì ngược lại, phải để tiền có giá trị cao và lạm phát ở mức thấp. Điều này đem lại điều gì cho nước Mỹ?

Những cái lợi

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, đây là lúc đồng USD mạnh hơn bao giờ hết. Khi nền kinh tế Mỹ chậm lại cũng là lúc các nền kinh tế khác đang phải vật lộn, nhưng nhờ lãi suất thấp, các nhà đầu tư vẫn đổ xô đến Mỹ.

Từ đầu năm 2014 đến cuối năm 2015, chỉ số US Dollar Index tăng 23%. Đây là chỉ số so sánh đồng USD với 6 loại tiền tệ lớn. Việc lãi suất ở Mỹ tăng, ngược với xu hướng giảm thậm chí lãi âm của thế giới càng làm cho đồng USD hấp dẫn hơn, đẩy giá trị của nó lên.

Người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi vì hàng nhập khẩu giá rẻ hơn. Các chính trị gia coi đây là biểu hiện cho sức mạnh vĩnh cửu của nền kinh tế Mỹ.

Cú vượt dòng của đồng USD

Lợi bất cập hại

Tuy nhiên, không phải ai cũng vui vẻ. Đồng USD mạnh đồng nghĩa với việc doanh thu của các công ty đa quốc gia giảm. Các ông lớn của Mỹ như MasterCard, Tiffany và 21st Century Fox đổ lỗi cho việc đồng USD tăng giá dẫn đến giảm lợi nhuận trong năm 2015. Theo ước tính, các công ty của Mỹ phải chịu ảnh hưởng vì đồng tiền mạnh trong ít nhất 4 năm.

Riêng đối với ngành công nghiệp ô tô, đồng USD mạnh có nghĩa là một đồng yên yếu hơn, đối thủ cạnh tranh từ Nhật Bản như Toyota có được nhiều tiền hơn đối với mỗi chiếc xe bởi chi phí tính bằng yên còn hàng bán bằng USD. Sức cạnh tranh của các công ty ô tô của Nhật sẽ hơn hẳn các công ty Mỹ

USD tăng, EUR giảm nên các công ty châu Âu bán hàng sang Mỹ có lợi trong khi rất có thể doanh nghiệp Mỹ bị thua ngay trên sân nhà.

Đối với các nền kinh tế mới nổi từ Brazil đến Malaysia, việc đồng nội tệ mất giá làm giảm đầu tư và hạn chế tăng trưởng. Tại Miami, thị trường nhà cao cấp cũng giảm. Tại Brazil và Ấn Độ, nợ bằng đồng USD đang tăng lên; đồng USD mạnh hơn làm nợ càng khó trả.

Ngược dòng quá khứ

Mỹ trở thành nền kinh tế đầu tàu thế giới trong những năm 70 của thế kỷ 19, nhưng bảng Anh vẫn là đồng tiền thống trị. Điều này chỉ thay đổi khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed ra đời vào năm 1913. Ngoài ra, Chiến tranh thế giới thứ nhất làm các nước không gắn giá trị đồng tiền của họ với vàng. Năm 1945, thỏa thuận Bretton Woods chính thức đưa đồng USD trở thành tiêu chuẩn trong tỷ giá hối đoái.

Sau chiến tranh, nền kinh tế Mỹ được tăng cường, và cùng với đó là sự đi lên của đồng USD. Năm 1995, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Robert Rubin khẳng định, đồng USD mạnh là lợi ích quốc gia của Mỹ, sau đó những người lên nắm vị trí này cũng có chung quan điểm.

Thỏa thuận Plaza Accord được ký kết năm 1985, nâng giá đồng yên so với đồng USD, để đẩy mạnh xuất khẩu của Nhật Bản. Nhưng điều này không kéo dài mãi. Đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ nhiều nhất để trả nợ quốc tế. Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 làm tăng giá trị đồng USD, trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn tìm kiếm sự an toàn trong các khoản nợ của chính phủ Mỹ.

Quay về hiện tại

Bộ Tài chính Mỹ đang đi theo hướng giữ đồng USD mạnh. Một chiến lược gia của Deutsche Bank cho rằng, cuối cùng, việc can thiệp vào đồng tiền là cần thiết nhằm nâng giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và làm suy yếu đồng USD. Chủ tịch của Fed, bà Janet Yellen cho hay, trong tháng 2 vừa qua, việc đồng USD ở mức cao ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Mỹ nhưng điều này không cản trở việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Nhật Bản tiếp tục mua trái phiếu để kích thích nền kinh tế, các nhà đầu tư có thể sẽ đổ thêm tiền vào Mỹ.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers vào năm 2015 từng cảnh báo, đồng USD tăng giá có thể làm chậm cả nền kinh tế. Vì vậy, người Mỹ nên từ từ, ngay cả khi đồng USD mạnh có thể có nhiều lợi ích.

Kim Sơn

Bloomberg

Trở lên trên