Cuộc khủng hoảng đầu tiên của thị trường mới nổi
Khủng hoảng thường bắt đầu bằng một niềm hi vọng mới.
- 14-04-2014Những cú sốc định hình nền tài chính hiện đại
- 15-04-20141792 - Gói cứu trợ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ
Các cuộc khủng hoảng sẽ khiến thị trường tài chính chao đảo. Đó là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, có một khía cạnh khác của khủng hoảng ít được bàn luận đến: chính khủng hoảng góp phần định hình thị trường tài chính. 5 cuộc khủng hoảng trong quá khứ sẽ cho chúng ta thấy những khía cạnh của hệ thống tài chính ngày nay bắt nguồn từ đâu. Các nhà quản lý cũng có thể học được nhiều bài học từ các sự kiện này.
Đây chính là nội dung của chùm bài viết được đăng tải trên tờ The Economist mà chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu tới bạn đọc.
Bài viết này nói về cuộc khủng hoảng năm 1825.
Khủng hoảng thường bắt đầu bằng một niềm hi vọng mới. Trong những năm 1820, đó là niềm phấn khích khi các nước Mỹ Latinh giành được độc lập từ Tây Ban Nha. Nhà đầu tư cũng đặc biệt ưa thích nước Anh – quốc gia có nền kinh tế đang bùng nổ với hoạt động xuất khẩu đặc biệt lớn mạnh.
Xứ Wales là kho nguyên vật liệu thô khổng lồ cho sản lượng 3 triệu tấn than đá mỗi năm và xuất khẩu quặng sắt ra khắp thế giới. Manchester thì trở thành thành phố công nghiệp đầu tiên của thế giới, biến những nguyên vật liệu thô thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như hóa chất hay máy móc. Trong thời kỳ từ 1820 đến 1825, sản lượng công nghiệp của Anh tăng trưởng tới 34%.
Cơn sốt trái phiếu Tân lục địa
Kết quả là, những người Anh giàu tiền mặt muốn tìm nơi để đầu tư. Thời đó, nguồn cung trái phiếu chính phủ rất dồi dào. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh đã giảm từ 5% trong năm 1822 xuống còn 3,3% trong năm 1824. Với lạm phát ở quanh mức 1% từ năm 1820 đến 1825, lợi suất thực của trái phiếu chính phủ là rất thấp. Đây là loại tài sản an toàn nhưng khá nhàm chán.
Trong bối cảnh ấy, nhà đầu tư đứng trước một loạt lựa chọn mới hấp dẫn hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn. Đến những năm 1820, London đã thay thế Amsterdam trở thành trung tâm tài chính của châu Âu và nhanh chóng thu hút các chính phủ nước ngoài đến huy động vốn.
Thị trường trái phiếu toàn cầu tăng trưởng như vũ bão. Năm 1820, trên thị trường London chỉ có duy nhất một loại trái phiếu nước ngoài. Đến năm 1826, con số tăng lên 23. Nợ được phát hành bởi chính phủ Nga, Phổ và Đan Mạch đem lại lợi suất khá tốt và bán rất chạy.
Tuy nhiên, những khoản đầu tư làm nhà đầu tư thích thú nhất nằm ở Tân lục địa. Đế chế Tây Ban Nha sụp đổ, các thuộc địa cũ được tự do và những quốc gia độc lập ra đời. Từ năm 1822 đến 1825, Colombia, Chile, Peru, Mexico và Guatemala phát hành thành công 21 triệu USD trái phiếu (tương đương 2,8 tỷ USD theo giá trị hiện nay) ở London.
Không chỉ có vậy, cổ phiếu của các công ty khai mỏ đến từ nước Anh và có kế hoạch khám phá châu Mỹ Latinh trở thành mặt hàng được ưa chuộng. Giá cổ phiếu của Anglo Mexican tăng vọt từ 33 lên 158 USD chỉ trong 1 tháng.
Khủng hoảng bắt đầu
Thế nhưng, có một vấn đề không nhỏ xuất hiện: khoảng cách. Vì mất khoảng 6 tháng để tới Nam Mỹ và quay trở lại, các thương vụ được ngã giá trên cơ sở thông tin không chuẩn xác. Trường hợp nghiêm trọng nhất là cú lừa ngoạn mục về trái phiếu “Poyais”. Gregor MacGregor đã bán loại trái phiếu này trong khi đất nước “Poyais” không hề tồn tại. Nhà đầu tư thường không kiểm tra thông tin kỹ lưỡng. Hầu hết thông tin về Tân lục địa đến từ các nhà báo được trả thù lao để xúc tiến đầu tư cho các quốc gia.
Các nhà đầu tư cũng đưa ra những kết luận khác xa với thực tế. Ai cũng biết rằng chính phủ Anh ủng hộ nền độc lập của các quốc gia Mỹ Latinh vì Anh đối đầu với Tây Ban Nha. Tuy nhiên, tiền bạc không giống như vậy. Một số người lập luận kẻ thù của Madrid là bạn của London và do đó các nước Mỹ Latinh chắc chắn sẽ dựa vào Anh về tài chính. Với lập luận này, trái phiếu Mexico và Colombia với lợi suất 6% sẽ chỉ rủi ro hơn một chút so với trái phiếu Anh với lợi suất 3%. Quyết định mua loại nào dễ dàng được đưa ra không chút do dự.
Thực tế không giống như vậy. Mùa hè năm 1823, Tây Ban Nha đứng bên bờ vỡ nợ. Khi nỗi lo lắng tràn ngập thị trường, giá trái phiếu bắt đầu lao dốc. Nghiên cứu bởi Marc Flandreau (đến từ Viện nghiên cứu Geneva) và Juan Flores (đến từ ĐH Geneva) cho thấy đến cuối năm 1825, trái phiếu Peru đã mất 40% mệnh giá. Các trái phiếu khác cũng đi theo xu hướng tương tự.
Do gắn chặt với thị trường trái phiếu và các công ty khai mỏ, các ngân hàng Anh bị ảnh hưởng nhiều nhất. Người gửi tiền bắt đầu lao đi tìm tiền mặt. Hiện tượng tiền bị rút ra ồ ạt xảy ra vào khoảng tháng 12/1825. NHTW Anh ra tay cứu giúp các ngân hàng gặp nạn và cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền. Năm 1826, hơn 10% các ngân hàng ở Anh và xứ Wales phá sản.
Điều đáng chú ý nhất ở cuộc khủng hoảng năm 1825 là quan điểm về những điều cần phải làm. Một số đổ lỗi cho sự cẩu thả của nhà đầu tư: họ đã đầu tư vào trái phiếu của các quốc gia mà họ không biết chút thông tin nào về chúng hoặc những công ty khai mỏ khai thác ở những nơi không hề có quặng. Rõ rang là nhà đầu tư bắt buộc phải kiểm tra đầy đủ thông tin trước khi rót tiền vào các thị trường mới nổi hay vào bất cứ nơi nào.
Tiền đề cho các "ông lớn" ngân hàng toàn cầu
Tuy nhiên, các lãnh đạo trong giới tài chính (trong đó có NHTW Anh) lại đổ lỗi cho các ngân hàng. Các hình thức liên doanh vốn tư nhân cũng giống như các công ty vốn cổ phần tư nhân ngày nay, họ bị buộc tội tạo nên bong bóng đầu cơ. Thời đó, luật ngân hàng cũng khiến quy mô ngân hàng bị hạn chế. Một số người cho rằng nếu các ngân hàng có quy mô lớn hơn, chúng đã có đủ sức mạnh để sống sót.
Sau khi suy nghĩ kỹ càng, hội đồng Westminster và Threadneedle Street đã nhìn về phía Bắc, hướng đến Scotland. Các ngân hàng Scotland là ngân hàng cổ phần, có thể có bao nhiêu cổ đông tùy thích và phát hành chứng khoán cho bất cứ ai muốn mua. Chúng đã thích nghi tốt hơn với khủng hoảng.
Năm 1826, nước Anh thông qua đạo luật ngân hàng mới có nhiều điểm tương tự với Scotland. Nước Anh vốn đã là trung tâm của thị trường trái phiếu toàn cầu. Với giới hạn về chủ sở hữu được dỡ bỏ, các ngân hàng như National Provincial (giờ là một phần của RBS) bắt đầu lớn mạnh.
Chuyển đổi sang loại hình ngân hàng thương mại là khoảnh khắc buồn vui lẫn lộn trong lịch sử tài chính nước Anh. Từ đây, “tổ tiên” của các siêu ngân hàng hiện đại đã ra đời. Anh trở thành nước dẫn đầu trong ngành ngân hàng cũng như trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, đừng quên rằng xu hướng mua bán sáp nhập ngân hàng cũng bắt nguồn từ đây. RBS đã trở thành ngân hàng lớn nhất thế giới nhưng cũng là ngân hàng lớn nhất sụp đổ năm 2009. Ngày nay, 4 ngân hàng lớn nhất nước Anh nắm giữ khoảng 75% lượng tiền gửi của cả nước. Và, bất kỳ ngân hàng nào trong số này sụp đổ cũng sẽ đem đến rủi ro hệ thống cho nền kinh tế Anh.
Thu Hương