Cuộc sống "căng thẳng nhưng bình lặng" tại Crimea
Một tuần sau khi Thượng viện Nga phê chuẩn quyết định triển khai quân đội ở Crimea, tình trạng bế tắc vẫn chưa được tháo gỡ dù trên thực tế bán đảo này vẫn rất yên bình, với chỉ vài tiếng súng vu vơ.
- 05-03-2014Vì sao Nga muốn Crimea?
- 04-03-2014Nga sẽ xây cầu bắc qua Crimea
- 04-03-2014Ukraine: Nga đã triển khai 16.000 quân tới Crimea
Người gốc Nga chào đón lực lượng "tự vệ Crimea"
Khắp bán đảo, các tay súng vũ trang bằng súng trường mặc đồng phục quân đội đã bao vây những nơi đóng quân của quân đội Ukraine. Nhà chức trách Ukraine nói có tới hàng nghìn lính Nga đã được triển khai.
Moskva phủ nhận việc các tay súng này là quân đội Nga, trong khi bản thân các binh sĩ hoàn toàn im lặng.
Bên trong các căn cứ, những binh sĩ Ukraine đầy lo lắng vẫn giữ vị trí, không chịu đầu hàng và giao nộp vũ khí, nhưng đồng thời không sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tổng lực.
“Chúng tôi không được chuẩn bị để đối mặt với lực lượng đặc nhiệm Nga”, một đại úy trong khu căn cứ đang bị bao vây Belbek ở gần Sevastopol, Andrei Matchenko, nói với hãng tin AFP. “Chúng tôi không được huấn luyện và trang bị cho điều đó”.
Các lực lượng thân Nga được triển khai khắp Crimea khi nghe tin ở Kiev, tổng thống Viktor Yanukovych đã bị lật đổ. Một thủ tướng thân Nga được quốc hội Crimea bổ nhiệm và một cuộc trưng cầu dân ý đã được ấn định vào ngày 30/3 để Crimea có thêm quyền tự trị.
Lực lượng tự vệ Crimea được người Nga ở đây, vốn chiếm 60% dân số bán đảo, chào đón nhiệt liệt, bởi họ lo sợ tình trạng bất ổn và bạo lực như ở Kiev vào tháng trước đã khiến gần 100 người thiệt mạng. “Nếu không có các binh sĩ thì ở đây cũng sẽ giống như ở Kiev”, Sergei, một cư dân Simferopol nói. “Mọi người bình tĩnh xuống khi các binh sĩ xuất hiện”.
Lịch sử phức tạp với người Tatar
Người Nga nói họ sợ sẽ thất thế trước cộng đồng thiểu số Ukraine ở Crimea, chiếm khoảng 25% dân số, và những người Tatar theo đạo Hồi chiếm khoảng 12-15% dân số.
Sự đa dạng trong chủng tộc phản ánh một lịch sử đầy biến động của Crimea, rơi vào tay Nga vào cuối thế kỷ 18 khi Moskva đánh bại những người Tatar là đồng minh của đế chế Ottoman.
Crimea là một phần của Nga cho tới khi các nhà lãnh đạo Liên Xô trao bán đảo lại cho Ukraine năm 1954. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã được phép duy trì Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol, cảng nhà của hạm đội này trong suốt 250 năm.
Những tiếng loa nhắc người Hồi giáo cầu nguyện vang lên năm lần mỗi ngày ở Simferopol từ thánh đường Kebir-Jami, được xây từ năm 1508 và là tòa nhà cổ nhất trong thành phố.
“Đây là một thời kỳ khó khăn với chúng tôi”, Fevzi Yakubov, 76 tuổi, một người Tatar được kính trọng và là hiệu trưởng đại học kỹ thuật Crimea, nói bên ngoài thánh đường. “Chúng tôi là người Ukraine và yêu quê hương mình”.
“Tất nhiên có những lo ngại rằng điều đó sẽ lặp lại. Nhưng đã lâu rồi và giờ thế giới quá cởi mở để làm như thế”, ông Yakubov, người từng bị trục xuất khỏi Crimea cùng gia đình năm 1944 nói. “Chúng ta phải tìm ra cách làm dịu tình hình xuống.
"May mắn là cho tới giờ chưa ai thiệt mạng hay bị thương. Chúng ta cần hợp tác với nhau để đảm bảo mọi chuyện sẽ không tồi tệ hơn”./.
Theo Trần Trọng