MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc sống ở Fukushima 5 năm sau thảm họa kép

11-03-2016 - 13:52 PM | Tài chính quốc tế

Đúng 5 năm sau thảm họa hạt nhân, hàng chục nghìn người vẫn đang phải sống trong cảnh sơ tán.

Đã 5 năm trôi qua kể từ khi thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất sau Chernobyl làm rung chuyển Fukushima. Đường xá đã được xây lại và điện lưới đã được phục hồi. Nhưng với nhiều người dân ở đây, cuộc sống vẫn chưa trở lại như trước.

Fukushima vẫn an toàn nhưng người dân chưa trở về

Phần lớn diện tích của Fukushima vẫn ở được, mặc dù một số thị trấn gần các nhà máy điện nhân vẫn bị phong tỏa. Theo thống kê của chính phủ Nhật Bản, khoảng 7% diện tích tỉnh Fukushima là không ở được vì có mức phóng xạ cao.

Thành phố Fukushima, cách các nhà máy điện hạt nhân bị hư hại chỉ 62 km, có mức phóng xạ thấp hơn cả Thượng Hải. Mức phóng xạ ở trung tâm thủ đô Tokyo cũng thấp hơn ở New York, Seoul và Paris.

Khoảng 97.333 người vẫn đang phải đi sơ tán. Tomioka, nơi có nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 2, là một thị trấn mà người dân vẫn chưa thể trở về.

Haruhisa Endo, một cư dân lâu năm ở Tomioka, kiếm sống bằng nghề bán tem, dẫn phóng viên của Bloomberg thăm quanh nhà của ông (người dân được phép thăm nhà ở một số thời điểm nhất định trong ngày). Từng mảng tường vỡ nằm rải rác trên sàn, nhà của ông vẫn bị bỏ trống kể từ khi trận động đất xảy ra.

“Nhìn ngôi nhà của mình thế này, tôi cảm thấy trái tim mình như tan nát theo,” Endo, 61 tuổi, hiện đã chuyển đến sống ở thành phố Iwaki, cách Tomioka khoảng 1 giờ đi xe vào năm 2014 nói. “Trong thâm tâm, tôi muốn ở lại Tomioka”.

Kể từ tháng 4/2017, người dân sẽ được phép trở lại Tomioka sau khi nhiều nơi thuộc hai thị trấn kế cận là Naraha và Kawauchi được mở cửa trở lại.

Nhiều người không có ý định quay về

Theo một khảo sát của Cơ quan Tái thiết Nhật Bản, trong số 14.000 cư dân của Tomioka, chỉ 14% nói họ có kế hoạch trở về. Khoảng 51% nói họ sẽ không trở về do lo ngại về mức phóng xạ và tình trạng thiếu trường học ở khu vực này. Tỉnh Fukushima đã mất tổng cộng 6% dân số kể từ khi thảm họa xảy ra.

“Tôi không có kể hoạch trở về”, Yasunao Endo, 48 tuổi, hiện đang sống trong một ngôi nhà tạm cho biết. “Khó mà trở về khi mà bạn không biết chuyện gì sẽ xảy ra ở nhà máy Fukushima Số 1.”

Endo nói ông đã quen hơn với cuộc sống sau khi sơ tán và không có ý định trở về nơi mà con gái ông không thể đến trường. Ông cho biết thêm rằng việc thiếu cơ sở y tế và cửa hàng cũng là một lý do khác.

Năm ngoái, chính phủ Nhật Bản đã xác nhận trường hợp đầu tiên bị ung thư máu ở một công nhân của nhà máy Fukushima Số 1 sau thảm họa 11/3.

Tổn thương tinh thần còn lớn

Bên cạnh tác động trực tiếp của phóng xạ, những tổn thương tinh thần sau thảm họa và sự căng thẳng khi phải liên tục chuyển nhà đã làm người dân ở đây gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Theo khảo sát của Đại học Y Fukushima, khoảng 1/5 người được sơ tán bị rối loạn tâm lý trong năm 2011. Tỷ lệ bị tiểu đường và cao huyết áp cũng tăng so với trước thảm họa.

“Giống nhiều người khác, tôi đã bị khủng hoảng tinh thần”, Akiko Shimizu, 58 tuổi, nhớ lại sáu tháng đầu sau thảm họa khi cô sơ tán đến tỉnh Akita, phía bắc Fukushima. Shimizu hiện đang làm việc tại một tổ chức cộng đồng dành cho người dân Tomioka. Tổ chức này thường mở các sự kiện như lớp học đan rổ. “Công việc đã cứu rỗi đời tôi”, cô nói.

Kaori Suganami, một luật sư ở Fukushima cho biết các bậc cha mẹ ở đây thường không cho con chơi ngoài đường. Điều này có thể gây ra những hậu quả không tốt cho sự phát triển của trẻ.

Kinh tế Fukushima tiếp tục hoạt động nhờ trợ giúp của chính phủ

Hoạt động tái thiết ở khu vực xảy ra thảm họa đang rất nhộn nhịp. Số việc làm liên quan đến vệ sinh môi trường và xây dựng đã tăng vọt. Fukushima là một trong những tỉnh tạo ra nhiều việc làm mới nhất cả nước.

Người dân địa phương đang cố gắng khôi phục hoạt động kinh doanh trong vùng. Yoshiyuki Endoh, một chủ khách sạn cũ ở Tomioka, đã mở một công ty cung cấp cơm hộp cho các công nhân vệ sinh và xây dựng ở đây. Công ty lấy tên theo khách sạn cũ mà ông đã từng quản lý.

“Tôi tự nhủ phải đứng được trên đôi chân của mình.” Endoh, 43 tuổi, nói. Ông đã mở công ty trên sáu tháng sau khi thảm họa xảy ra.

Ông khởi đầu với 36 suất ăn mỗi ngày, và hiện cung cấp từ 1300 đến 1500 suất ăn mỗi ngày. Nhân viên của ông đã tăng từ 5 lên 38 người.

Trước đó, tập đoàn Sharp đã ký một hợp đồng thuê đất của Tomioka trong 20 năm. Một nhà máy điện mặt trời đã đi vào hoạt động trong năm ngoái. Theo người đại diện của Sharp, điều này sẽ đem lại thu nhập 112 triệu yên (985.000 USD) cho thành phố trong hai thập kỷ.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã chi hơn 1 tỷ USD để định vị thương hiệu cho Fukushima thành “Bờ biển Sáng tạo” khi sử dụng công nghệ robot để làm sạch môi trường trong khu vực.

Nhưng nhiều người đang sơ tán vẫn không hy vọng về sự trở lại của nền công nghiệp ở đây.

“Giờ tôi đã 48 tuổi rồi, đây là độ tuổi khó mà tìm được một công việc mới”, Yasunao Endo buồn bã nói.

Đức Long

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên