MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cuộc thi sắc đẹp" của Keynes

28-07-2015 - 09:39 AM | Tài chính quốc tế

Keynes nghĩ rằng các nhà quản lý tiền tệ chuyên nghiệp đang chơi trò dự đoán theo cách rất phức tạp. Chọn lựa cổ phiếu cũng giống như một "cuộc thi sắc đẹp", nhà đầu tư phải bình chọn ra gương mặt đẹp nhất và rinh về giải thưởng.

Năm 1978, nhà kinh tế học Michael Jensen viết rằng “Tôi tin là trên thế giới này không có học thuyết kinh tế nào có nhiều ví dụ thực tiễn ủng hộ hơn giả thuyết thị trường hiệu quả”. Liệu nhận định này có đúng hay không? Hãy cùng nhìn lại lịch sử kể từ năm 1978 đến nay để kiểm chứng.

Đầu tiên, vào tháng 10/1987, thị trường chứng khoán sụp đổ. Thời kỳ cuối những năm 1990 thế giới cũng chứng kiến các cổ phiếu công nghệ bùng nổ và sau đó vỡ tung. Sau đó dòng tiền ồ ạt chuyển sang thị trường bất động sản, dẫn đến trạng thái đạt đỉnh vào tháng 8/2006. Bong bóng bất động sản lại vỡ và là một phần nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kể cả cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Alan Greenspan cũng phải lên tiếng xin lỗi: “Chúng tôi, những người nhìn vào lợi ích của chính các định chế cho vay để bảo vệ nguồn vốn mà các cổ đông đã đóng góp, đã bị sốc nặng”.

Nhiều nhà kinh tế học khác sôi nổi ủng hộ giả thuyết thị trường hiệu quả cũng ngạc nhiên trước những biến động của thị trường trong mấy thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có một người không bị sốc: John Maynard Keynes.

Keynes được nhớ đến với quan điểm cho rằng Chính phủ nên đẩy mạnh chi tiêu trong khủng hoảng để lấy lại trạng thái toàn dụng lao động. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong cuốn sách nổi tiếng được xuất bản ănm 1936 với tựa đề “The General Theory of Employment, Interest, and Money” (tạm dịch: Lý thuyết chung về lao động, lãi suất và tiền tệ). Tuy nhiên, chỉ có ít người nhận ra rằng Keynes thực sự là người đi tiên phong về tài chính học hành vi. Nếu như có nhiều người hơn (trong đó có Greenspan) đọc kỹ hơn chương nói về thị trường tài chính trong cuốn sách nói trên của Keynes, có lẽ cuộc khủng hoảng đã được ngăn chặn.

Keynes nghĩ rằng các thị trường hiệu quả hơn vào đầu thế kỷ 20, khi các nhà quản lý sở hữu phần lớn cổ phiếu của công ty và biết được giá trị của chúng. Tuy nhiên, sự thực thì cổ phiếu bị phân tán rộng hơn và do đó hiểu biết của những người sở hữu cổ phiếu về giá trị thực sự của cổ phiếu cũng giảm xuống đáng kể.

Gần thời điểm xuất bản cuốn The General Theory, Keynes đã kết luận rằng thị trường đã “nổi điên”. “Rõ ràng các biến động theo ngày của lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư sẵn có – vốn là một đặc điểm phù du và không có gì đặc biệt – sẽ gây ra những ảnh hưởng mạnh mẽ và thậm chí là phi lý lên thị trường”.

Để củng cố thêm lập luận này, ông lưu ý rằng cổ phiếu của các công ty kem sẽ có giá cao hơn trong những tháng hè, khi doanh thu cao hơn. Điều này gây ngạc nhiên bởi trong một thị trường hiệu quả, giá cổ phiếu phản ánh giá trị trong dài hạn của một công ty và sẽ không tăng lên theo mùa. Một số nghiên cứu hàn lâm được thực hiện gần đây cũng cho thấy xu hướng này vẫn đúng.

Keynes cũng hoài nghi về việc các nhà quản lý tiền tệ chuyên nghiệp có thể đóng vai trò “đồng tiền thông minh” mà những người đi theo giả thuyết thị trường hiệu quả dựa vào để giữ thị trường hiệu quả. Thay vào đó, ông nghĩ rằng nhóm này sẽ chủ động điều khiển làn sóng phi lý thay vì chống lại nó. Một trong những lý do là đối đầu sẽ rất rủi ro.

Keynes nghĩ rằng các nhà quản lý tiền tệ chuyên nghiệp đang chơi trò dự đoán theo cách rất phức tạp. Ông so sánh trò chơi này với một trò chơi khá phổ biến trên các báo, trong đó người chơi phải chọn ra 6 gương mặt đẹp nhất từ 100 bức ảnh. Phần thưởng dành cho người có lựa chọn gần nhất với phương án được lựa chọn nhiều nhất, do đó để chiến thắng người chơi không nên chọn gương mặt mà anh ta nghĩ là đẹp nhất mà phải chọn gương mặt có khả năng dành được nhiều thiện cảm nhất. Tất cả người chơi đều nghĩ theo xu hướng này.

“Cuộc thi sắc đẹp” của Keynes là một miêu tả về cách thức hoạt động của thị trường tài chính cũng như về vai trò quan trọng của các nhân tố liên quan đến hành vi. Bạn phải đoán xem người khác đang nghĩ gì về những suy nghĩ của người khác. Đây chính là điều mà các nhà quản lý tiền tệ đang làm. Nhiều nhà đầu tư tự gọi họ là những “nhà quản lý giá trị” cố gắng mua vào cổ phiếu khi chúng còn rẻ. Một số khác coi bản thân là những “nhà quản lý tăng trưởng”, cố gắng mua vào những cổ phiếu sẽ tăng trưởng nhanh. Tất nhiên không ai mua vào cổ phiếu có mức giá đắt đỏ hoặc cổ phiếu của những công ty sẽ “teo tóp”, nhưng diễn biến giá cổ phiếu là điều không ai có thể dự đoán chính xác. Vì thế, điều nhà đầu tư đang cố gắng làm là mua những cổ phiếu mà họ nghĩ rằng các nhà đầu tư khác sẽ quyết định rằng cổ phiếu ấy phải có giá cao hơn.

Thu Hương

Financial Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên