MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu là GDP thực của châu Phi?

08-02-2015 - 10:42 AM | Tài chính quốc tế

Theo IMF, hầu hết các con số GDP những nước châu Phi đều quá thấp và cần được cập nhật vì kinh tế châu Phi đã có những bước tiến đáng kể trong mấy năm gần đây.

Nội dung nổi bật:

- Năm ngoái Nigeria tuyên bố tính lại GDP và công bố đây là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, qua mặt cả Nam Phi. Theo IMF, hầu hết các con số GDP những nước châu Phi đều quá thấp và cần được cập nhật. Các nước châu Phi không tính toán GDP thường xuyên và do đó nhiều lĩnh vực chưa được tính đến.

- Yvette Babb, chiến lược gia tiền tệ của Standard Bank Group, chủ nợ lớn nhất của châu Phi, mong đợi bốn lĩnh vực kinh tế cho thấy sự tăng trưởng nhất trong các nền kinh tế được tính lại GDP là: dịch vụ, viễn thông, bán sỉ và lẻ, và sản xuất.


Cách đây không lâu, Kenya đã cho công bố kết quả tính lại GDP lại, cộng thêm cả các hoạt động kinh tế chưa được đưa vào trước đó. Theo đó, GDP quốc gia này đã tăng 25,3% lên 55,2 tỉ USD, giúp nó nhảy lên vị trí thứ 9, tăng vài bậc trên bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Chính phủ Kenya đã điều chỉnh mức tăng trưởng của năm 2013 từ 4,7% lên 5,7%.

Kenya là trường hợp mới nhất trong hàng loạt các quốc gia tính lại GDP ở châu Phi và củng cố nhận thức của các nhà đầu tư về tiềm năng phát triển ở lục địa này. Ngay cả khi dịch Ebola tàn phá vùng Tây Phi và khi Cộng hòa dân chủ Congo vẫn đang hồi phục từ cuộc nội chiến tàn khốc thì nhiều nền kinh tế khác trong khu vực vẫn năng động. IMF dự báo tăng trưởng của vùng hạ Sahara năm 2015 sẽ là 5,8%, tăng nhiều so với mức 5,1% của năm 2014. Nhiều chính phủ đã phát hành trái phiếu và được xem như là “sự đánh cược” tốt nếu dựa trên những dự báo về tăng trưởng. “Châu Phi là biên giới cuối cùng trong số các thị trường đang nổi”, theo lời của Brett Rowley, nhà phân tích các thị trường đang lên của tập đoàn TCW.

Vì sao cần tính lại GDP?

Vụ tính lại GDP đầu tiên của năm 2014 diễn ra vào ngày 7 tháng 4, khi Nigeria công bố là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, qua mặt cả Nam Phi về GDP. Theo văn phòng thống kê quốc gia Nigeria, các con số GDP nhiều năm trước đây là không chính xác, và quốc gia này đã chỉ ra được vấn đề. Một cuộc tính toán GDP lại đã được thực hiện, với trợ giúp của WB, IMF và ngân hàng phát triển châu Phi. Kết quả cho thấy rằng các nhà thống kê của quốc gia này đã bỏ sót phân nửa các hoạt động kinh tế của Nigeria.

Con số mới, phải mất hơn 1 năm để tính, đã cho thấy GDP tăng từ 262,2 tỉ USD lên 488 tỉ USD. Con số này vẫn không hoàn toàn chính xác vì các tính toán trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn dựa theo các số cũ, cho thấy khó khăn trong việc tính GDP cũng như tầm quan trọng của con số này. GDP là thống kê kinh tế được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, và chiến thắng của Nigeria đối với Nam Phi đã làm tin này lan khắp thế giới (Nam Phi thường hay tính lại GDP một cách đều đặn, vì thế một công bố rằng GDP nước này lớn hơn nhiều so với trước đây được cho là điều không thể.).

Theo Roy Adkins, nhà phân tích nợ chính phủ châu Phi cho công ty T. Rowe Price, thì các cuộc tính lại GDP là “cái gì đó mà một quốc gia có thể dùng để tiếp thị hình ảnh, và cũng có mục đích chính trị.” Chính trị đóng một vai trò lớn trong các tính toán GDP lại của Nigeria. Cuộc bầu cử quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 2 năm nay, và tổng thống đương nhiệm Goodluck Jonathan sẽ có thể khoe khoang rằng dưới sự điều hành của mình thì quốc gia này đã chiếm lấy ngôi đầu của Nam Phi.

Theo bản tin về năng lực thống kê của ngân hàng thế giới sau khi khảo sát chất lượng thống kê ở nhiều quốc gia khác nhau thì nhiều quốc gia nghèo và trung bình đã phải sử dụng các thống kê không chắc chắn trong hàng thập kỉ. Theo IMF, hầu hết các con số GDP những nước châu Phi đều quá thấp và cần được cập nhật. Con số thấp hơn thực tế là chuyện “kinh niên” vì tính GDP theo cách chính xác nhất phải tốn rất nhiều tiền. Tương tự, các thống kê về dân số và tất cả các hoạt động kinh tế mỗi năm cũng không sát với thực tế.

Một chọn lựa rẻ và nhanh hơn (mà Mỹ đang làm) là tiến hành vài loại thống kê– chẳng hạn như dân số và các lĩnh vực kinh tế khác nhau – trong mỗi năm. Trong các năm không thống kê thì dùng khảo sát, mẫu thống kê mà từ đó có thể ngoại suy một mức tổng tăng trưởng.

Năm cơ sở cũ của Nigeria là 1990, năm mới là 2010. Trong giai đoạn đó Nigeria từ một quốc gia không có điện thoại di động đã chuyển mình thành một trong những nơi có đông người dùng nhất trên thế giới. Vì không có con số bắt đầu cho ngành công nghiệp viễn thông di động để làm cơ sở cho năm 1990 để ngoại suy ra mức tăng trưởng nên lĩnh vực kinh tế này đã không được tính vào GDP cho đến tận bây giờ.

Ngành công nghiệp điện ảnh cũng là một ví dụ của nền kinh tế nước này: từ chỗ lèo tèo vài phim được sản xuất vào năm 1993, giờ đây nó đã thành Nollywood, ngành công nghiệp điện ảnh lớn thứ 2 trên thế giới. Cả 2 ngành công nghiệp trên giờ đã là một phần của GDP.

Trường hợp của Nigeria cho thấy vì sao việc tính lại GDP thường xuyên là rất quan trọng. Donald Kaberuka, chủ tịch ngân hàng phát triển châu Phi, cho rằng tất cả các quốc gia châu Phi nên tính lại GDP sau mỗi 5 năm để giữ cho con số GDP được chính xác ở mức cao nhất.

Lĩnh vực nào cần được tính lại?

Yvette Babb, chiến lược gia tiền tệ của Standard Bank Group, chủ nợ lớn nhất của châu Phi, mong đợi bốn lĩnh vực kinh tế cho thấy sự tăng trưởng nhất trong các nền kinh tế được tính lại GDP là: dịch vụ, viễn thông, bán sỉ và lẻ, và sản xuất.

Nếu việc tính lại GDP phát hiện thêm ngành sản xuất đóng góp được cho GDP nhiều hơn thì đó sẽ là căn nguyên cho cuộc tranh luận “một châu Phi đang trỗi dậy”. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi cho rằng tăng trưởng kinh tế bền vững ở châu Phi đòi hỏi nhiều sản xuất hơn và ít phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô hơn, dù đây hiện là nguồn thu ổn định của lục địa này. Ở Nigeria, việc tính lại GDP đã cho thấy sản xuất góp phần đến 6,83% GDP, thay vì là 1,94% như số liệu cũ, theo văn phòng thống kê quốc gia.

Những quốc gia thực hiện việc tính lại GDP gần đây có Ghana và Namibia, tiếp theo là một số láng giềng của Kenya ở Đông Phi như Tanzania. Tính chung, những con số mới này được mong là sẽ cho thế giới thấy rằng châu Phi chiếm tỉ trọng nhiều hơn trong các hoạt động kinh tế thế giới so với quan điểm lâu nay. Hiện giờ theo số liệu chính thức nó chiếm khoảng 4,9% GDP toàn cầu nhưng phần đóng góp thật sự có lên lới tới gần 6%, chủ tịch ngân hàng phát triển châu Phi, Kaberuka, phát biểu.

Con số GDP tính lại, cho dù là không hoàn hảo, cũng ít nhất là bằng chứng cho thấy rằng một chính phủ muốn tăng sự minh bạch và thu hút đầu tư. Aly-Khan Satchu, CEO của Rich Management, một cố vấn đầu tư ở Nairobi, nói: “Điều này gửi đi một thông điệp đúng đắn. Là nhà đầu tư trái phiếu, bạn muốn biết chính xác kích thước của nền kinh tế đó”.

Giá trị trái phiếu chính phủ do các quốc gia châu Phi phát hành được mong đợi sẽ đánh bại kỉ lục 16,6 tỉ USD năm ngoái, theo Standard Bank. Quỹ đầu tư doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Carlyle Group dành riêng cho vùng hạ Sahara trước đây đặt mục tiêu thu hút được 500 triệu USD trong năm 2014. Tuy nhiên, con số đã vượt xa mức kỳ vọng, khép lại năm 2014 ở mức 698 triệu USD.

>>> Châu Phi trỗi dậy

Lê Thanh Hải

CTV Thanh Hải

BusinessWeek

Trở lên trên