Đây là cách các nước châu Á đang sử dụng để đối phó với Trung Quốc giảm tốc
Đã từng có câu nói: “Khi Mỹ hắt hơi, cả thế giới sẽ xổ mũi”. Giờ đây, khi kinh tế Trung Quốc lao đao, các nước trong khu vực cũng đang phải đau đầu tìm giải pháp đối phó.
- 30-03-2016Không phải Mỹ, Châu Á mới là nơi tốt nhất để đạt được... 'giấc mơ Mỹ'
- 29-03-2016Australia và Trung Quốc: Từ quặng sắt đến ... vitamin và sữa bột
- 28-03-2016Giới phân tích lo sợ bong bóng tín dụng của Trung Quốc sắp nổ
Vậy thì các nền kinh tế ở Châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc như thế nào vào tăng trưởng của Trung Quốc và cần làm gì để giảm thiểu tác động tiêu cực của tình hình hiện nay? Dưới đây là cách các nước xuất khẩu lớn trong khu vực đang áp dụng để đối phó với sự giảm tốc của Trung Quốc.
Nhật Bản
Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Nhật Bản không chỉ làm kinh tế nước này tăng trưởng âm 1,1% trong quý bốn năm 2015, mà còn làm xói mòn niềm tin vào Abenomics, chính sách kích thích kinh tế được khởi xướng bởi thủ tướng Shinzo Abe.
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 8,5% trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, tăng so với mức giảm 8% trong tháng 12 năm ngoái.
Tổ chức Phát triển và Phát triển Kinh tế (OCED) nhận định rằng Nhật Bản đã cạn kiệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và cần thực hiện những cải cách cấu trúc sâu rộng hơn.
“Những tín hiệu tích cực như gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cải cách khu vực doanh nghiệp cho thấy Nhật Bản đang đi đúng hướng nhưng cần có thời gian để những chính sách này đem lại kết quả”, OCED cho biết.
Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi số du khách lên 40 triệu vào năm 2020 và 60 triệu vào năm 2030 để thúc đẩy nền kinh tế.
Hàn Quốc
Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Hàn Quốc, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Do lực cầu từ Trung Quốc giảm, hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm trong 14 tháng liên tiếp.
Để chặn đà lao dốc của xuất khẩu, Hàn Quốc đã ký một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 12 tới. Nước này cũng đang tìm kiếm những đối tác thương mại mới. Gần đây Seoul đã ký kết một thỏa thuận trị giá 5 tỷ euro với Iran.
Mặc dù xuất khẩu công nghiệp đang suy giảm, Hàn Quốc đang tìm cách khai thác tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Trung Quốc bằng cách thúc đẩy ngành hàng tiêu dùng. Các sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và làm đẹp của Hàn Quốc hiện đang được nhiều người Trung Quốc ưa chuộng.
Du lịch cũng là nhân tố đóng góp quan trọng cho kinh tế Hàn Quốc, khi số du khách Trung Quốc đến nước này đã tăng 5,7% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Australia và New Zealand
Là nước xuất khẩu quặng sắt và than lớn, Australia đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi tác động kép từ hoạt động xây dựng suy giảm ở Trung Quốc và chiến dịch làm sạch môi trường của chính phủ nước này khi chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch.
Vì thế Australia đang tìm cách thu hút đầu tư từ Mỹ và thúc đẩy khu vực dịch vụ trong nước để bù lại sự sụt giảm trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Trung Quốc cũng là nguồn du khách tiềm năng cho du lịch nước này.
Bên cạnh du lịch, đầu tư của Australia vào công nghệ tài chính và hạ tầng công nghệ cũng đã đem lại một số thành tựu nhất định.
Trong khi đó, ngành sữa của nước láng giềng New Zealand đang gặp khó khăn do lực cầu từ phía Trung Quốc giảm. Trung Quốc là nước mua nhiều sản phẩm bơ sữa của New Zealand, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này.
Tuy nhiên, du lịch lại là một điểm sáng của quốc đảo này và có thể là động cơ tăng trưởng chủ yếu trong tương lai. New Zealand, nổi tiếng với những cảnh quay trong loạt phim “Chúa tể những chiếc nhẫn”, đã chào đón 373.400 du khách trong tháng 2, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số du khách từ Trung Quốc đã tăng 28%.
Đông Nam Á
Kinh tế Indonesia và Thái Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự giảm tốc ở Trung Quốc do Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu cọ và cao su lớn nhất của hai nước này. Những mặt hàng trên chiếm tới 60% kim ngạch xuất khẩu của Indonesia và 10% của Thái Lan.
Vì thế, cả Thái Lan và Indonesia đang tìm cách giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung bằng cách tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng trong nước.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Singapore đã lần lượt giảm 10,1% và 4,1% trong tháng 1 và tháng 2 năm nay.
Chính phủ nước này đã quyết định chi 53 tỷ USD trong năm tài khóa tính từ ngày 1/4 để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hồng Kông
Với vai trò là cửa ngõ ra thế giới của Trung Quốc, Hồng Kông đã hưởng lợi lớn từ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua, nhưng giờ đây thành phố này cũng đang trên đà đi xuống cùng với đại lục. Việc du khách Trung Quốc giảm nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ do chiến dịch chống tham nhũng và kinh tế trong nước suy yếu đã ảnh hưởng không nhỏ đến Hồng Kông.
Để thúc đẩy kinh tế, Hồng Kông đang cắt giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và miễn thuế môn bài cho các công ty dịch vụ bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc.