MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều hành chính sách tiền tệ 2014: Bức tranh nhiều màu

08-01-2014 - 15:13 PM | Tài chính quốc tế

Có những nước và khu vực tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ (như ECB và BoJ), nhưng cũng có những NHTW khác bắt đầu thay đổi chính sách, điển hình như Fed.

Đi đầu giảm nới lỏng, Mỹ trở thành lực kéo hấp dẫn

Theo khảo sát mới nhất của hãng tin Bloomberg với 41 nhà kinh tế, hầu hết đều cho rằng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang sẽ tiếp tục đưa ra các mức cắt giảm thêm trong 7 cuộc họp tới, trước khi chính thức chấm dứt hoàn toàn gói QE3 vào tháng 12/2014. Như vậy, việc rút QE3 sẽ diễn ra từng bước trong năm nay chứ không có sự kết thúc đột ngột.

Fed đưa ra quyết định cắt giảm QE3 vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp tháng 11/2013 đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây trong khi ngành sản xuất vào tháng 12/2013 có mức tăng mạnh nhất trong 2 năm qua và kinh tế Mỹ cho thấy dấu hiệu phục hồi vững chắc. Điều này có nghĩa, cùng với sự phục hồi tương đối vững chắc của nền kinh tế, chính sách tiền tệ (CSTT) đặc biệt nới lỏng của Mỹ cũng sẽ dần được điều chỉnh.

Những điều chỉnh theo chiều hướng tương tự cũng có thể diễn ra tại Anh khi NHTW Anh (BoK) đang cố gắng hạ nhiệt thị trường nhà ở. Nhưng ở nhiều nền kinh tế lớn và phát triển khác, diễn biến tình hình có thể theo hướng khác. Đơn cử như NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Nhật Bản (BoJ) nghiêng về việc tiếp tục các giải pháp điều hành nới lỏng để chống lại tình trạng lạm phát yếu.

Theo Pierre Lapointe, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược toàn cầu thuộc Pavilion Global Markets ở Montreal, Canada, những dấu hiệu về việc nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mạnh lên là đủ để giúp các thị trường chứng khoán (TTCK) của Mỹ cũng như các thị trường bên ngoài đi lên. “Khi các NHTW lớn phân tách trên con đường CSTT, chúng ta sẽ thấy nền kinh tế Mỹ có lực hấp dẫn lớn nhất trong năm 2014” – LaPointe dự báo.

Trong khi đó Stephen Jen, người đồng sáng lập Công ty SLJ Macro Partners có trụ sở tại London lại nhận định, chi phí vay nợ cao hơn và việc nền kinh tế cải thiện sẽ đẩy USD tăng giá trong năm nay. Một trong những cơ sở để chuyên gia đưa ra nhận định trên là vì USD đang ở vị thế “quá rẻ” sau nhiều gói QE liên tiếp của Fed. Chỉ số USD giao ngay của Bloomberg – chỉ số chuyên dùng để theo dõi biến động của USD với 10 đồng tiền lớn khác – đã tăng khoảng 3,5% trong năm ngoái.

Bức tranh CSTT toàn cầu sẽ nhiều gam màu hơn

Những ngày đầu năm 2014 cũng là lúc thế giới chứng kiến sự phân tách trong “mặt trận thống nhất” về nới lỏng tiền tệ mà nhiều NHTW áp dụng trong suốt thời gian qua. Theo đó, CSTT nới lỏng được nhiều nền kinh tế chủ chốt thực hiện gần như đồng loạt trong 6 năm qua nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bắt đầu có những biểu hiện phân rã.

Trong đó, có những nước và khu vực tiếp tục thực hiện chính sách này, như ECB và BoJ; và có những NHTW khác bắt đầu thay đổi chính sách, điển hình như Fed.

Nhưng, điều đó không đồng nghĩa rằng một kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ đã chấm dứt hoàn toàn. Bởi xuất phát từ nhu cầu phải cẩn trọng với khả năng kinh tế rơi vào giảm phát cũng như những thay đổi lớn trong chính sách có thể gây ra những bất ổn lớn trên thị trường tài chính, khiến Fed hay các NHTW lớn khác phải rất thận trọng khi quyết định rút nhanh, rút mạnh khỏi các chính sách nới lỏng. Thay vào đó, các NHTW này hoặc chưa đưa tuyên bố gì về thay đổi các lãi suất hiện tại; hoặc vẫn phải đưa ra các cam kết sẽ giữ các lãi suất ở mức rất thấp.

Trong bối cảnh tốc độ hồi phục kinh tế ở mỗi nơi khác nhau, các NHTW cũng không thể hành động giống nhau và đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư” – chuyên gia Scott Thiel, Trưởng bộ phận kinh doanh trái phiếu của Công ty BlackRock, có trụ sở tại London, nhận định.

“Việc theo dõi sát các nền kinh tế lớn tại những thời điểm đang hoặc sắp có những thay đổi trong CSTT là rất quan trọng” – vị này đưa ra lời khuyên cho các NĐT. Tháng trước, chuyên gia này là người đã đưa ra dự báo quyết định giảm 10 tỷ USD/tháng trong gói QE3 của Fed sẽ đẩy lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ lên 3,25% vào cuối năm nay từ 3% hiện nay.

Andrew Wilson, Giám đốc điều hành châu Âu, Trung Đông và châu Phi thuộc Goldman Sachs Asset Management cho rằng, khi Fed giảm dần nới lỏng CSTT, một trong những thách thức đặt ra đối với các NHTW khác là nếu chi phí vay nợ dài hạn thực sự tăng ở Mỹ, tất yếu kéo theo lợi tức tăng ở các thị trường khác lên các mức tương ứng.

Điều này có thể tạo ra những rủi ro đối với tăng trưởng của các nền kinh tế này và buộc các nhà hoạch định chính sách phải có phản ứng tự vệ.

“Lịch sử cho thấy, các thị trường liên quan chặt chẽ với nhau. Vì vậy nếu chúng ta thấy lợi tức ở Mỹ tăng lên, thì lợi tức ở các nơi khác như châu Âu cũng không thể yên vị như hiện tại. Tuy nhiên, do bối cảnh cụ thể khác nhau nên các NHTW cũng sẽ có các khuynh hướng điều hành không giống nhau” – ông Wilson nói.

Trong đó, sẽ có những nền kinh tế tiếp tục CSTT đặc biệt nới lỏng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế còn mong manh. Đơn cử, ECB vẫn tiếp tục “cuộc chiến” chống lại áp lực “lạm phát thấp” khi cho biết vẫn duy trì mức lãi suất cơ bản ở mức 0,25% đã được áp dụng từ 11/2013.

Dù cam kết sẽ không cắt giảm thêm lãi suất - tức không nới lỏng thêm nữa, nhưng Chủ tịch ECB Mario Draghi cũng cho biết sẽ duy trì mức thấp này trong một "thời gian dài nữa".

Mức lạm phát mà ECB đặt ra ở khu vực này là 2% trong năm qua nhưng không đạt được. Nỗi lo giảm phát vì thế đang lớn hơn nhiều rủi ro lạm phát tại khu vực này. Thậm chí theo Ken Wattret – chuyên gia kinh tế thuộc BNP Paribas, nếu áp lực giảm phát tăng lên đáng kể nữa thì ECB cần bắt đầu tăng các chương trình mua tài sản như cách mà Fed làm vừa qua.

Cùng nỗi lo giảm phát như ở châu Âu, Nhật Bản có thể tiếp tục các biện pháp nới lỏng để cố gắng đạt được mức lạm phát 2% mà Chính phủ nước này đặt ra vào tháng 4/2013.

Trong khi đó, những nền kinh tế lớn khác như Anh lại có thể hành động theo Mỹ trong việc thận trọng giảm dần chính sách nới lỏng. Dù cho biết sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất cơ bản, nhưng từ tháng 11/2013, BoK đã phát đi các thông điệp cho thấy sẽ thoát dần khỏi các biện pháp kích thích kinh tế.

Trong đó, một trong những lĩnh vực sẽ được tập trung là thị trường nhà ở. Trong bối cảnh giá nhà, lượng bán nhà và vay thế chấp mua nhà đều tăng trong thời gian qua, BoK có thể sẽ đưa ra các biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường này.

Nhiều NHTW tại các nước phát triển khác thậm chí có thể quay sang chính sách thắt chặt. Như dự báo của các chuyên gia kinh tế trên Bloomberg mới đây, NHTW New  Zealand có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản trong năm nay.

Tất nhiên, như đã nói ở trên, để tránh các rủi ro phát sinh khi rút các CSTT nới lỏng quá sớm và quá nhanh như BoJ từng gặp phải năm 2000 và ECB cũng đã từng gặp phải năm 2008 và 2011, thì các NHTW sẽ hành động thận trọng hơn trong năm 2014.

Theo đó, các NHTW sẽ chủ động định hướng thị trường bằng cách phát đi các thông điệp giảm nới lỏng, đồng thời tiến hành cắt giảm nới lỏng một cách từ từ.

Theo Đỗ Lê

huongnt

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên