MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đôi bên cùng có lợi

11-04-2014 - 09:33 AM | Tài chính quốc tế

Mối quan hệ chính phủ và các doanh nghiệp công nghệ ngày càng trở nên phức tạp.

Mối quan hệ giữa các công ty đa quốc gia và chính phủ các nước là mối quan hệ như thế nào? Làm cách nào để phát triển mối quan hệ này sao cho cả hai bên cùng có lợi? Đó chính là chủ đề của báo cáo đặc biệt được tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist thực hiện mà chúng tôi xin lược dịch và mong muốn giới thiệu tới bạn đọc.

Khi nhắc đến ngành công nghiệp có sự tham gia mạnh mẽ nhất của khu vực tư nhân, đó là công nghệ. Trong 30 năm gần đây, làn sóng công nghệ phát triển vượt bậc đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối sống của con người trong xã hội hiện đại.

Như Mariana Mazzucato đã viết trong cuốn sách mới được xuất bản gần đây, chúng ta thường đánh giá thấp vai trò của chính phủ trong việc phát triển công nghệ. Tuy nhiên, những chiếc máy tính đầu tiên đã được sản xuất bởi chính phủ và chính phủ cũng là bên sản xuất động cơ phản lực, công nghệ hạt nhân và tia laser. Internet phát triển dựa trên ARPANET - một dự án được xây dựng bởi bộ quốc phòng Mỹ. 

Các vệ tinh được phát triển bởi chính phủ để hỗ trợ hệ thống định vị toàn cầu. Công nghệ màn hình cảm ứng được nghiên cứu với sự giúp đở bởi các nguồn vốn chính phủ. Thậm chí, các thuật toán giúp Google thành công như hiện nay cũng được phát triển dưới sự hỗ trợ của Quỹ khoa học quốc gia Mỹ.

Nhà nước rất tích cực trong việc tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học và giúp đỡ các công ty mới thành lập thu hút vốn đầu tư, trong số đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và chưa có lợi nhuận. Theo báo cáo của Chủ tịch hội đồng cố vấn khoa học và công nghệ: “Các ngành công nghiệp nói chung chỉ đầu tư phát triển sản phẩm có giá cạnh tranh trong khoảng thời gian 3 đến 5 năm”.

Hầu hết mọi người tin rằng khu vực tư nhân là nơi tốt nhất để phát triển các nghiên cứu khoa học thành sản phẩm thương mại. Tuy vậy, sự tương tác của chính phủ đối với lĩnh vực công nghệ không chỉ dừng ở đó.

Vai trò của chính phủ

Mạng Internet đã tạo ra kho tàng dữ liệu cá nhân khổng lồ được coi như cuốn Bách khoa của thế kỷ 21. Ban đầu, phần lớn người tiêu dùng không muốn để lộ thông tin cá nhân khi mua hàng Online, nhưng họ phải dần làm quen với điều này. Giờ đây, mọi người thoải mái chia sẻ sở thích, thói quen, hình ảnh và thậm chí thông tin liên lạc cá nhân trên các mạng xã hội. Các thông tin này rất có giá trị giúp các công ty phát triển các chiến lược marketing liên quan. Nhờ có sự phát triển của công nghệ hiện đại, các công ty có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng của mình mọi lúc mọi nơi.

Tuy vậy, vấn đề này đưa đến nhiều câu hỏi phức tạp hơn. Ai sẽ chịu trách nhiệm bảo mật các nguồn thông tin này? Qui định nào để kiểm soát việc sử dụng chúng? Chính phủ đã được cảnh báo ngay từ những ngày đầu khi Internet được đưa vào sử dụng. Gần đây, chính phủ châu Âu đã đưa ra các biện pháp trừng phạt khá nặng tay. Theo Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi doanh nghiệp phải thiết lập một hệ thống bảo mật dữ liệu tiêu tốn khoảng 80.000 euro mỗi năm.  Các doanh nghiệp có ít hơn 5000 đơn vị dữ liệu được miễn chính sách này, tuy vậy chỉ một danh sách e-mail khách hàng đã dễ dàng vượt qua con số 5000.

Nước Đức có 16 Länder (bang), mỗi bang có hệ thống bảo mật dữ liệu được vận hành theo một phương pháp riêng biệt. Ở Bavaria, các trang web cho phép người sử dụng dữ kín thông tin cá nhân. Tuy vậy, đây lại là vấn đề khó khăn với người sử dụng Facebook, bởi mạng xã hội này yêu cầu họ phải dùng tên thật.

Chính phủ có ba vai trò quan trọng. Họ đại diện cho quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời cũng mong đợi được chia sẻ một phần thông tin từ các doanh nghiệp khi liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Họ thậm chí có quyền trực tiếp kiểm soát thư điện tử và danh mục liên lạc điện thoại.

Các thông tin này rất có ích khi điều tra các vụ khủng bố hay trốn thuế, tuy vậy có thể bị lạm dụng vào mục đích cạnh tranh chính trị. Thêm vào đó, chỉ một sự bất cẩn nhỏ nguồn thông tin trên có thể rơi vào tay các thế lực xấu hay lừa đảo, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Cuộc tranh luận lên đến đỉnh điểm khi Edward Snowden – cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ tiết lộ thông tin liên quan đến các hoạt động giám sát của chính phủ  đối với các phương tiện truyền thông.

Nếu nhà nước đang dần đánh mất sự tin cậy cần thiết, các doanh nghiệp tư nhân cũng không khá hơn. Một vài doanh nghiệp đã làm thất lạc một lượng lớn dữ liệu thông tin khách hàng hoặc do tai nạn hoặc bị trộm mất. Theo một nguồn tin từ Sony và Target, dữ liệu của hơn 10 triệu khách hàng bị đánh cắp mỗi năm. 

Tuy nhiên, Luc Delany – cựu nhân viên của Facebook và hiện nay đang là một nhà tư vấn - đã chỉ ra rằng các công ty cần có các biện pháp mạnh tay để khắc phục tình trạng này. Nếu khách hàng mất niềm tin vào doanh nghiệp, thương hiệu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các công ty đang mạo hiểm khi cố gắng đáp ứng yêu cầu cung cấp dữ liệu của chính phủ nhưng lại quá cởi mở về chúng. Theo một tiết lộ từ Apple vào cuối năm ngoái, công ty này phải chịu áp lực từ hơn 31 chính phủ, phần lớn đến từ phía Mỹ.

 
Khi Internet thâm nhập sâu vào đời sống con người, vấn đề thông tin càng ngày càng trở nên nghiêm trọng và gây nhiều tranh luận. Liệu các nhà cung cấp dịch vụ có phải chịu trách nhiệm từ các phát ngôn xúc phạm trên mạng xã hội như Twitter? Có giải pháp nào cho vấn đề lạm dụng trẻ em trực tuyến khi phần lớn các trang web đến từ nước ngoài? Khi các công ty mạng cung cấp thông tin để các nhà chức trách điều tra tội phạm , đó có phải tiền đề để chính phủ đưa thêm các yêu cầu khác như  quyền truy cập thông tin chính trị?  

Mạng Internet là ví dụ tiêu biểu của toàn cầu hóa. Tính linh hoạt của nó gây nhiều khó khăn trong việc quản lý, với hàng trăm trang web được thành lập mỗi ngày. Đây cũng là một điểm yếu bị lạm dụng bởi nhiều đối tượng, từ các thế lực chống đối chính phủ cho đến các khách hàng muốn bôi xấu thương hiệu.

Trong nhiều trường hợp, chính phủ sẽ có sự can thiệp thích hợp để bảo hộ doanh nghiệp.  Đây là một lĩnh vực mà các luật lệ khác nhau dễ bị ảnh hưởng và xung đột,  bao gồm quyền phát ngôn tự do, quyền riêng tư, quyền sáng tạo… Vấn đề thương mại liên quan đến các điều luật này cần được thảo luận với từng quốc gia và từng chủ thể khác nhau, tuy nhiên trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta không thể tìm ra một giải pháp phù hợp cho tất cả mọi người.

Thảo Phương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên