MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đổi đời” phòng Tuân thủ

23-01-2013 - 12:49 PM | Tài chính quốc tế

Khi luật lệ còn lỏng lẻo, nhiều khi phòng tuân thủ của ngân hàng chỉ để … cho có. Từ khi cơ quan quản lý siết chặt giám sát, phòng tuân thủ lại thành VIP.

Với một nhân viên phòng tuân thủ (compliance department) thì hiếm khi có cái gì thú vị và kịch tính.

Nhưng vào ngày 17/07 năm ngoái, ông David Bagley đã khiến cả thế giới sửng sốt khi từ chức Giám đốc Bộ phận tuân thủ tại HSBC ngay trên sóng truyền hình, trước mặt một ủy ban của Thượng viện Mỹ và sự săm soi của giớ tuyền thông toàn cầu.

Ông nói mình không thể ngăn chặn được vụ scandal rửa tiền khồng lồ tại Mexico.

Kể từ khi ấy nhiều điều đã đổi thay, và không chỉ với riêng HSBC (sau khi phải nộp phạt 1,9 tỷ USD để dàn xếp vụ scandal kể trên).

Một danh sách dài các ngân hàng tại Mỹ và Châu Âu bị cáo buộc đã “lách” vô số các luật và quy định về sản phẩm được chào bán, tịch biên nhà, giới hạn giá trị giao dịch, xác định lãi suất đi vay và cả rửa tiền.

Khi giới ngân hàng giật mình phát hiện tuân thủ các quy định không đơn giản chỉ là tick hết vào các ô, họ dành cho các nhân viên tuân thủ cái nhìn trọng vọng khác hẳn trước kia.

Cựu Giám đốc Cơ quan dịch vụ tài chính Anh Hector Sants vừa nhậm chức Giám đốc Tuân thủ, pháp lý và các vấn đề với chính quyền tại Barclays.

Đợi Sants là hàng tá việc cần giải quyết. Ngoài vụ thao túng lãi suất Libor vẫn lơ lửng trên đầu, đáng chú ý có vài vụ kiện tập thể và một số cáo buộc hối lộ ở Trung Đông, giới phân tích dự báo HSBC cùng với nhiều ngân hàng khác tại Anh sẽ phải tiếp tục đối mặt với cáo buộc bán “nhầm” sản phẩm cho khách hàng.

Nhằm khắc phục hậu quả và phòng ngừa những vụ việc tương tự trong tương lai, cần có những thay đổi căn bản. Ông Sants sẽ phải cải tổ toàn bộ trình tự tuân thủ tại Barclays.

Hiện nay, Barclays có khoảng 1.400 nhân viên tuân thủ rải rác khắp toàn cầu, nhưng chưa có giám sát tập trung. Thay vào đó, một số quản lý cấp trung sẽ báo cáo trực tiếp với lãnh đạo bộ phận, một lỗ hổng lớn cho xung đột lợi ích.

Hệ thống giám sát rõ ràng chẳng tác dụng gì nếu trưởng bộ phận có thể dập tắt bất kỳ tiếng nói phản đối nào trước khi nó đến được tai lãnh đạo cao cấp.

Cơ cấu mới của Barclays với nhóm giám sát nội bộ tập trung dưới dự lãnh đạo của ông Sants và báo cáo trực tiếp với CEO có thể thay đổi về căn bản văn hóa “lách luật” đang tồn tại dai dẳng.

Barclays học hỏi mô hình này từ HSBC sau khi bị phạt nặng vì vụ lãi suất Libor và sau đó là cả Chủ tịch HĐQT và CEO đều mất chức. Bản thân HSBC cũng vừa khốn khổ vì vụ scandal rửa tiền.

Theo cơ cấu cũ của HSBC, Giám đốc Bagley có thể được gọi là Giám đốc Tuân thủ, nhưng như lời ông trình bày với Thượng viện Mỹ, truyền thống lãnh đạo phi tập trung của ngân hàng đồng nghĩa với việc toàn bộ quyền lực thực tế đều nằm trong tay các lãnh đạo cấp vùng.

Giờ cựu Chánh văn phòng Kiểm soát tài sản tại nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ Bob Werner đã được thăng chức lên hàng lãnh đạo cao cấp tại HSBC với chức danh Giám đốc Tuân thủ tội phạm tài chính.

Cựu Phó Tổng giám đốc (Partner) của KPMG, bà Ruth Horgan, cũng vừa về HSBC để làm Giám đốc Tuân thủ pháp lý toàn cầu.

Bộ phận tuân thủ đột nhiên trở nên “quyền lực” khiến người ta nhớ đến hồi sau khủng hoảng tài chính 2008, bộ phận quản trị rủi ro cũng nhanh chóng “lên đời”.

Nay đã rõ giới chủ không am tường lắm rủi ro thực sự của ngân hàng mình, nên chính các ngân hàng cùng cơ quan giám sát đang muốn tạo ra các ủy ban quản trị rủi ro cao cấp, và thường nhờ thế mà Giám đốc Quản trị rủi ro được ngồi vào HĐQT.

Cái giá của “bán nhầm sản phẩm”, giao dịch quá trớn và những kiểu vi phạm đã lên tới hàng tỷ USD, nên rõ ràng giám sát không ra gì sẽ trả giá lớn, giống hệt như khi quản trị rủi ro không đến nơi đến chốn.

Giới đầu tư nay cũng hiểu, giám sát kém sẽ tốn thêm chi phí vô hình vì danh tiếng của ngân hàng kém đi và khách hàng không còn tin tưởng.

Nhưng cải thiện quy trình tuân thủ khó hơn cải thiện quy trình quản trị rủi ro. Hành vi con người không thể tiêu chuẩn hóa một cách đơn giản. Các giao dịch viên liều lĩnh cùng các tay bán hàng lọc lõi có thể dễ dàng qua mặt hệ thống giám sát.

Nhân viên thanh tra cần liên tục tìm hiểu xem quy định nào cần phải rà xoát lại, quy định nào đã bị qua mặt, và liên tục cập nhật các quy định ấy để ngăn chặn mọi hành vi vi phạm.

Theo Giám đốc Quản trị tuân thủ tại công ty quản lý quỹ F&C, toàn bộ quy trình trên sẽ ảnh hưởng lớn tới cách định giá mỗi ngân hàng.

“Bộ phận tuân thủ thường tập trung chủ yếu vào việc làm sao để hoạt động trong khuôn khổ luật pháp và các quy định hiện hành. Làm vậy là chưa đủ để bảo vệ lợi ích của ngân hàng, cổ đông và các bên có lợi ích liên quan.”

Rất nhiều ngân hàng sẽ hưởng lợi nếu biết nghe theo lời khuyên kể trên. Barclays nay là người đi tiên phong. Tuần trước CEO Antony Jenkins đã thông báo tới toàn bộ nhân viên rằng ai chưa thể cư xử một cách có đạo đức thì nên ra đi.

Công việc còn lại là của Giám đốc Tuân thủ Hector Sants, ông phải đảm bảo thứ sẽ được tiến hành theo cách thức chặt chẽ nhất có thể.

San Hùng

tuannm

The Economist

Trở lên trên