MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng euro đã được cứu như thế nào?

17-09-2014 - 19:10 PM | Tài chính quốc tế

Cuối năm 2011 là những năm tháng đen tối nhất trong lịch sử eurozone. Tờ Financial Times đã phỏng vấn hàng chục quan chức có thẩm quyền để có được cái nhìn đầy đủ về quá trình giải cứu đồng euro.

Đồng euro từng đứng trước nguy cơ tan rã khi khủng hoảng nợ công khiến châu Âu chao đảo 3 năm trước. Giờ đây, mặc dù kinh tế châu Âu vẫn chật vật, dường như nguy cơ eurozone tan rã đã không còn. Đồng euro đã được cứu. Tờ Financial Times đăng tải series gồm các bài viết miêu tả quá trình giải cứu đồng tiền chung của châu Âu. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc bản lược dịch các bài viết trong series này.

Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người có mặt trong phòng họp, bà Angela Merkel bất ngờ bật khóc.

 “Das ist nicht fair.” Điều này thật không công bằng, nữ thủ tướng Đức bày tỏ một cách tức giận, nước mắt tuôn trào trên khuôn mặt bà. “Ich bringe mich nicht selbst um.” Tôi cũng không có ý định tự tử.

Với những người đã chứng kiến sự sụp đổ trong căn phòng họp nhỏ ở khu nghỉ dưỡng bên bờ biển thuộc thành phố Cannes của nước Pháp, hành động bật khóc của một trong những vị lãnh đạo quyền lực và “cứng rắn” nhất châu Âu là một điều bất ngờ, thậm chí là rất sốc. 

Tuy nhiên, những người có mặt tại căn phòng ấy cho rằng vẫn còn những việc đáng chú ý hơn. Đó là hai đối tượng tạo nên cơn giận dữ của bà Merkel: người đàn ông ngồi bên cạnh bà – tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, và người ngồi ở phía đối diện - Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đó là một buổi tối đầy ắp những tình huống tranh cãi kịch liệt. Những người có mặt lúc đó nhớ lại sự việc như vận rủi tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng kéo dài 3 năm của đồng euro. Ngài Sarkozy đã từng kỳ vọng vị trí chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ giúp ông củng cố địa vị trên trường quốc tế và tái đắc cử. Tuy vậy, mọi chuyện đã không diễn ra như ý muốn.

Hy Lạp vướng vào một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng; Ý – đất nước được coi là "quá lớn để sụp đổ" - sắp bị cắt đứt liên lạc với thị trường tài chính thế giới. Và, bà Merkel không thể bị thuyết phục Đức nên tăng cường đóng góp vào “tường lửa” – còn được gọi là “big bazooka” (một loại vũ khí lớn) hay “bức tường tiền tệ” của châu Âu - nhằm chống lại sự tấn công của các nhà giao dịch trái phiếu đang trong cơn hoảng loạn. Thay vào đó, bà Merkel phê phán Pháp và Mỹ kịch liệt. Nếu ông Sarkozy và ông Obama không thích cách điều hành chính phủ của bà, đó là lỗi của họ. 

Chưa đầy một năm sau buổi tối căng thẳng ấy, vào cuối năm 2012, cuộc khủng hoảng của eurozone kết thúc. Các thị trường từng lo ngại eurozone sẽ "vỡ ra từng mảnh" được bình ổn trở lại và những cuộc họp khẩn cấp triền miên cũng chấm dứt.

Khi lịch sử về cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung euro được viết lại, giai đoạn từ cuối năm 2011 đến năm 2012 sẽ được nhớ đến như những năm tháng vĩnh viễn thay đổi dự án đồng tiền chung châu Âu. Các quy tắc nghiêm ngặt về ngân sách trở thành bất khả xâm phạm, việc giám sát các ngân hàng bị tách khỏi quyền lực của chính phủ các nước; và khả năng in tiền của NHTW châu Âu trở thành “vị cứu tinh cuối cùng” cho các quốc gia eurozone.

Tờ Financial Times đã phỏng vấn hàng chục quan chức có thẩm quyền và yêu cầu họ kể lại đầy đủ quá trình thành lập một eurozone hoàn toàn mới. Từ các quan chức trung cấp đến các thủ tướng, câu chuyện của họ được diễn tả không liền mạch, đôi khi khá mơ hồ và bao gồm nhiều giai đoạn liều lĩnh. Tuy nhiên, cuối cùng thì họ đều có một điểm chung là sự quyết tâm. Đồng euro đã được cứu. Cộng đồng chung châu Âu mà họ đã tạo ra, dù tốt hay xấu, sẽ trở thành huyền thoại. 

“Tôi hi vọng là ông ấy đã kịp trình bày kế hoạch này với bà Merkel”

Nguồn cơn của khủng hoảng bắt nguồn từ Hy Lạp.

George Papandreou, "cây đại thụ" nổi tiếng nhất trên chính trường Hy Lạp, trở về Athens sau khi tham gia một trong những hội nghị liên quan đến khủng hoảng ở EU. Ngày 27 tháng 10, tại Bỉ, ông đã chấp nhận một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử - kế hoạch tái cơ cấu nợ trị giá 200 tỷ euro, nhằm cắt giảm một nửa các khoản nợ với các chủ sở hữu trái phiếu tư nhân ở Athens. Tuy vậy, ngay tại chính quốc gia của mình ông bị chỉ trích gay gắt. 

Là con trai và cháu trai của các cựu Thủ tướng Hy Lạp bị bắt trong cùng một đêm sau cuộc đảo chính quân sự năm 1967, Papandreou vẫn bị ám ảnh cảnh tượng quân đội ập đến nhà ông khi ông mới chỉ 14 tuổi. Tuy nhiên, những gì xảy ra khi ông trở về từ Brussels còn đáng sợ hơn thế.

Trong một cuộc diễu hành quân sự ở Thessaloniki để kỷ niệm sự tham gia của Hy Lạp vào chiến tranh thế giới thứ hai, hàng nghìn người phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng”, bao gồm thành viên cánh hữu và các thành phần vô chính phủ khác, đã tấn công các tuyến đường diễu hành, yêu cầu ông Karolos Papoulias – Tổng thống Hy Lạp phải từ chức. 

“Tất cả mọi người đều cho rằng chính phủ là kẻ phản bội,” ông Papandreou nhớ lại. “Tôi nhận ra rằng chính phủ đang dần mất quyền kiểm soát.”

Cuối tuần đó, ông đã tập hợp một nhóm nhỏ các chuyên gia tư vấn và công bố kế hoạch của mình: ông sẽ kêu gọi một cuộc trưng cầu quốc gia về chương trình cứu trợ tài chính trị giá 172 tỷ euro. Những người lên tiếng chỉ trích, bao gồm thủ lĩnh của phe đối lập Antonis Samaras và những người nổi loạn trong đảng của ông sẽ buộc phải chọn lựa. Ông Papandreou cho rằng hầu hết mọi người sẽ ủng hộ kế hoạch giải cứu này – bởi nếu không có sự hỗ trợ từ EU, sự sụp đổ của hệ thống tài chính và rời khỏi khu vực đồng tiền chung euro là hậu quả có thể dự đoán trước. Nếu thành công, ông sẽ có cớ để thực hiện những cải cách theo yêu cầu mà những nhà cho vay cứu trợ mong muốn. 


Tuy nhiên, ông Papandreou đã thiếu sót khi không tham khảo ý kiến từ bên ngoài “vòng tròn nhỏ hẹp” của mình. Thay vì đó, ông đã trình bày kế hoạch của mình như một việc đã rồi với chính phủ, và với Đảng cánh tả Pasok trong buổi tối tiếp theo. Những người trong phòng hội nghị đã thực sự bất ngờ, trong đó có Evangelos Venizelos – Bộ trưởng bộ tài chính luôn đồng hành cùng ông Papandreou. “Tối chủ nhật, trong suốt buổi họp cá nhân cuối cùng, ông Papandreou đã trình bày kế hoạch bỏ phiếu rất tự tin, nhưng không hề đề cập đến cuộc trưng cầu dân ý” ông Venizelos cho biết. Sau đó, chỉ vài giờ sau ông bị một cơn đau bụng bất ngờ và phải đi đến bệnh viện. “Đây là kết quả của việc bị stress quá mức.”

Các thành viên còn lại vẫn còn lo lắng về các vấn đề khác: “Điều đầu tên lướt qua suy nghĩ của tôi lúc đó là: ‘tôi hi vọng rằng ông ấy đã trình bày kế hoạch này với bà Merkel,’” một vị bộ trưởng chia sẻ.

Sau đó, ông Papandreou đã tuyên bố rằng mình đã có các cuộc nói chuyện với một số đại diện của các nhà lãnh đạo EU. Một vài người có ấn tượng khá mơ hồ về chuyện đó nhưng đa số thì không nhớ gì cả. “Tôi chưa bao giờ xem xét nó một cách nghiêm túc,” một đại diện cho biết. “Kế hoạch đó thật tuyệt vọng.”

Vì vậy, khi ông Sarkozy biết tin ông Papandreou quyết định đưa thỏa thuận cứu trợ tài chính mà họ đã bàn bạc kỹ lưỡng ra trưng cầu dân ý, ông đã thực sự nổi giận. 

Thị trường trái phiếu châu Âu, vốn tăng nhẹ sau khi kế hoạch tái cơ cấu nợ của Hy Lạp được thông qua, ngay lập tức chứng kiến cơn bán tháo trong hoảng loạn. Chỉ trong một ngày, lợi tức trái phiếu chuẩn có thời hạn 10 năm của Hi Lạp tăng 16,2%. Đáng lo ngại hơn, chi phí vay mượn của một số chính phủ ở châu Âu bắt đầu tăng lên đến mức cần sự cứu trợ từ các nước  khác: lợi tức trái phiếu 10 năm của Ý tăng vọt 6,2%. 


Thảo Phương

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên