MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng euro được cứu như thế nào? (P3)

19-09-2014 - 13:55 PM | Tài chính quốc tế

Sự phản đối của Đức đối với chương trình cứu trợ có nguyên nhân sâu xa từ lịch sử đen tối trong quá khứ, khi NHTW liên tục in tiền gây nên lạm phát.

Đồng euro từng đứng trước nguy cơ tan rã khi khủng hoảng nợ công khiến châu Âu chao đảo 3 năm trước. Giờ đây, mặc dù kinh tế châu Âu vẫn chật vật, dường như nguy cơ eurozone tan rã đã không còn. Đồng euro đã được cứu. Tờ Financial Times đăng tải series gồm các bài viết miêu tả quá trình giải cứu đồng tiền chung của châu Âu. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc bản lược dịch các bài viết trong series này.

Đây là vấn đề thuộc về qui tắc

Sự phản đối của Đức đối với chương trình cứu trợ có nguyên nhân sâu xa từ lịch sử đen tối trong quá khứ: tình trạng siêu lạm phát trong những năm chiến tranh là cơn ác mộng, khi NHTW liên tục in thêm tiền để trả các khoản bồi thường chiến tranh. Dưới sự kiên trì của Đức, ngân hàng trung ương ECB đã được xây dựng theo mô hình của Bundesbank, với khả năng độc lập hoàn toàn khỏi sự can thiệp của giới chính trị kể từ khi nó được thành lập vào năm 1950 để tránh lặp lại cuộc khủng hoảng năm 1920. Chính phủ Đức cũng yêu cầu hiệp ước Maastricht năm 1992 – hiệp ước đặt nền móng cho sự thành lập của EU – nghiêm cấm việc ngân hàng ECB mua lại trái phiếu của các chính phủ. 

Cả ông Greithner và ông Sarkozy đã cố gắng trong nhiều tháng để giải quyết hai vấn đề dường như loại trừ lẫn nhau: tăng cường gói cứu trợ “tường lửa” đủ lớn để thuyết phục các nhà đầu tư rằng khu vực đồng euro có đủ khả năng tài chính để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ ở Hi Lạp lan rộng, trong khi đó không muốn chống lại sự phản đối của Đức.

Vào đêm trước cuộc họp ở Cannes, Mỹ và các đại diện của Pháp đã thông qua một bản kế hoạch nhằm tăng cường nguồn dự trữ tài chính cho khủng hoảng, họ hi vọng Berlin cũng sẽ thông qua việc này. Kế hoạch này liên quan đến một dạng tiền tệ được biết đến bởi số ít các chuyên gia tài chính công quốc tế: đó là quyền rút vốn đặc biệt SDR (special drawing right).  

Về cơ bản, đồng SDR không phải là tiền tệ. Chúng là một dạng tài sản được định ra bởi một hiệp ước quốc tế ký kết năm 1969 giữa IMF và các nước thành viên, một dạng thay thế cho vàng hay đồng USD dùng trong các giao dịch kế toán toàn cầu. Đôi khi chúng được nhắc đến như “vàng giấy”, không một cá nhân hay tổ chức nào sở hữu chúng ngoại trừ IMF. Chúng cần được qui đổi ra tiền tệ trước khi có thể sử dụng trong thực tế. Tuy nhiên, chúng vẫn có giá trị thực, một đồng SDR khi qui đổi gần tương đương với một bảng Anh.
 
Năm 2009, trong cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ các ngân hàng Mỹ, các nhà lãnh đạo G20 đã gia tăng số lượng đồng SDR lên khoảng 250 tỷ USD, tạo ra đảm bảo cần thiết cho quỹ dự trữ “chữa cháy” ít ỏi của IMF. Tại Cannes, Mỹ và Pháp muốn lặp lại chiến lược này, nhưng thay vì đưa số tiền này cho IMF, khu vực đồng euro sẽ dành quỹ SDR trị giá khoảng 140 tỷ euro cho quỹ cứu trợ tài chính cạn kiệt của mình.  

Ngay cả những người tham gia vào kế hoạch này cũng thừa nhận nó được soạn thảo chưa hợp lý. Trở lại thời điểm ông Obama chủ trì cuộc họp, các thành viên đều nhận thấy mọi vấn đề đều liên quan đến Đức. “Chúng tôi hi vọng ECB sẽ hành động như Cục dữ trữ Liên bang đã làm nhưng đó dường như không phải một kế hoạch khả thi,” ông Obama mở đầu cuộc họp, như một tuyên bố thẳng thức trước sự phản đối của Đức. 

Tuy vậy, giờ đây bà Merkel phải đối mặt với một vấn đề khác. Các quan chức cho biết bà đã rất cởi mở với ý kiến của ông Obama. Nhưng đồng SDR không bị kiểm soát bởi chính phủ các nước; chúng được điều khiển bởi ngân hàng trung ương. Ông Jens Weidmann – chủ tịch ngân hàng Bundesbank, phản đối việc này. 

Ngân hàng Bundesbank, cơ quan đại diện cho Đức ở IMF, đã biết đến kế hoạch này thông qua các nguồn tin từ Washington. Ông Weidmann đã nhanh chóng soạn một bức thư gửi cho chính phủ Đức và thể hiện rõ sự phản đối của mình. Lý do ông Weidmann đưa ra đều rất thực tế và có liên quan. Thực tế, ngân hàng trung ương Đức cảm thấy đây là một kế hoạch tuyệt vọng. Việc sử dụng quỹ dự trữ quốc tế để cứu trợ các khoản nợ sẽ ám chỉ một thông điệp sai lầm lên thị trường các nguồn tài chính được huy động một cách chắp vá và không minh bạch. 

Quan trọng hơn, lý do ông Weidmann đưa ra dựa vào qui tắc: đồng SDR có vai trò giống như quyền nắm giữ vàng của một quốc gia, một nguồn dự trữ chính phủ, chỉ chịu sự kiểm soát của Ngân hàng trung ương chứ không từ bất cứ thế lực chính trị hay chương trình cứu trợ nào. Ngân hàng Bundesbank dễ dàng đồng ý với quyết định tăng dự trữ đồng SDR vào quỹ IMF năm 2009 bởi đó là nơi thích hợp để cất giữ đồng SDR. Nhưng việc sử dụng chúng vào gói cứu trợ nợ công cho khu vực đồng tiền chung euro là một tiền lệ khá nguy hiểm.

Bức thư của ông Weidmann đã kêu gọi bà Merkel phủ quyết đề xuất này. Tuy nhiên, các quan chức Đức cho biết, phái đoàn của họ đã không nhận được bức thư này trước khi rời đến Cannes. Thay vào đó, họ chỉ mới nhận được thông tin về sự phản đối của ông Weidmann thông qua một cuộc điện thoại sau khi tới Pháp. Sau đó, rất nhiều cuộc điện thoại đã được thực hiện nhằm thuyết phục ông thay đổi ý kiến. Bà Merkel đã ý thức rõ ràng rằng họ sẽ trở thành trọng điểm công kích trong cuộc họp song phương sáng hôm đó, giữa nữ thủ tướng và ông Obama trong đại sảnh cung điện Palais. “Người Pháp và người Ý chắc chắn sẽ ủng hộ kế hoạch đó,” một thành viên của phái đoàn Đức nói.

Nhưng ông Weidmann dường như không bị lay chuyển.

Vì vậy, khi ông Sarkozy nhanh chóng ủng hộ ý kiến của ông Obama trong cuộc họp buổi tối và yêu cầu sự hỗ trợ từ phía bà Merkel, bà đã đưa ra một tin tức xấu: ngân hàng Bundesbank đã từ chối kế hoạch này và bà không thể làm trái quyết định của họ. Trên phương diện chính trị, bà giữ quan điểm ủng hộ. Nếu Ý chấp nhận chương trình cứu trợ trị giá 80 tỷ euro của IMF bà có thể gây sức ép lên ngân hàng Bundestag để họ tăng thêm viện trợ. Nhưng với đồng SDR, câu trả lời là “Không”.

 “Cơn bão đã kết thúc”

Với một số người, cuộc họp dường như đã lệch hướng khỏi một cuộc thảo luận “thông thường” . Mặc dù khu vực đồng euro đang trên bờ vực sụp đổ bởi cuộc khủng hoảng ở HyLạp và Ý, bà Merkel – người đang chèo lái nền kinh tế “đầu tầu” khu vực – đang bị dồn vào thế chân tường. Ông Obama đã trấn an người Ý rằng chương trình cứu trợ của IMF là một đề nghị không tồi. “Tôi nghĩ Silvio đã đúng,” ông Obama nói.

Ông Sarkozy đang loay hoay ba vấn đề bế tắc hiện tại. Mỹ muốn Đức tham gia vào kế hoạch SDR nhưng nước này chỉ sẵn sàng đưa ra cam kết nếu Ý từ bỏ chương trình của IMF. Giulio Tremonti – Bộ trưởng Tài chính Ý khẳng định chắc chắn: Rome chấp nhận sự giám sát của IMF nhưng không cam kết bất kỳ chương trình nào. Ông Sarkozy tự hỏi liệu chương trình giám sát Ý cùng với cam kết tham gia cứu trợ của Đức đã đủ để giải quyết vấn đề.

“Câu trả lời là Không. Đức nắm giữ 1/4 tổng số SDR phân bố trong khu vực,” ông Obama phản đối. “Nếu các quốc gia EU đều thống nhất mà không có sự đồng ý của Đức … niềm tin sẽ bắt đầu lung lay.”

Sau đó, những giọt nước mắt của bà Merkel là dấu hiệu cho sự bùng nổ. “Điều này là không công bằng. Tôi không thể quyết định thay ngân hàng Bundesbank. Tôi không có quyền hạn đó.”

Sự bùng nổ cảm xúc xuất hiện đã làm dịu đi sức ép từ phía Mỹ và Pháp, dẫn đến một thỏa thuận nhượng bộ sau đó. “Ông ấy nhận ra rằng mình đã đi quá xa,” một vị quan chức châu Âu có mặt trong phòng họp nhận xét về ông Obama.

Tổng thống Mỹ đã đề nghị bà Merkel nên làm việc với ngân hàng Bundesbank trước thứ hai. Ông Sarkozy đưa ra gợi ý các Bộ trưởng tài chính nên đạt được sự đồng thuận về một số chi tiết trước khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc vào ngày hôm sau. Ông Obama đề xuất thông cáo tổng kết hội nghị nên đề cập một giải pháp sơ lược và cơ bản. Không, ông Sarkozy nói, chúng ta vẫn còn một cuộc gặp mặt nữa vào sáng hôm sau.

Hai người đàn ông liên tục thảo luận như thể không nghe thấy ý kiến của bà Merkel. Bà lặp lại quan điểm của mình một lần nữa: “Tôi sẽ không đặt cược liều lĩnh mà không chắc chắn thu được bất kỳ kết quả nào từ Ý. Tôi không muốn tự sát.”

Sau đó, cuộc họp kết thúc. Rời khỏi phiên họp muộn ban đêm, ông Obama choàng tay thể hiện sự an ủi với bà Merkel – nhiếp ảnh gia chính thức của Nhà Trắng đã kịp chụp lại khoảnh khắc này. Bức hình đã được treo trên tường của khu West Wing ở Nhà Trắng trong nhiều tháng sau đó.

Các nhà lãnh đạo gặp lại nhau vào sáng hôm sau nhưng động lực của cuộc họp dường như đã biến mất.  “Cơn bão đã kết thúc,” một thành viên cho biết. Kế hoạch SDR sẽ không bao giờ được nhắc lại. Ý sẽ chấp nhận chương trình giám sát nhưng không có bất kỳ trợ cấp tài chính nào. Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, ông Berlusconi công khai thừa nhận rằng tất cả mọi người đã cố gắng giữ bí mật về việc IMF đã đề nghị riêng với ông về kế hoạch giải cứu. Theo đó, Ý sẽ rơi vào tình trạng bị kỳ thị khi yêu cầu cứu trợ mà không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào. 

Hội nghị tại Cannes đã thất bại trong việc thổi một luồng sinh khí mới cho khu vực đồng euro. Khi thị trường được mở cửa trở lại, chi phí vay vốn tại Ý tăng vọt. Chỉ trong vài tuần, lãi suất đã tăng lên 7,5%. Trong khi đó ở Hi Lạp là trên 33%, một tiền lệ chưa từng có ở một nước phát triển. Nếu không có "tường lửa", không ai biết điều gì có thể giải cứu đồng euro.

Thảo Phương

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên