Đồng USD vẫn là "vua"
Đồng bạc xanh của Mỹ vẫn là "vịnh tránh bão" quan trọng trong những thời điểm các thị trường hàng hóa rủi ro chao đảo trước hàng loạt dữ liệu kinh tế yếu kém.
- Đồng USD đang lấy lại sức sống mạnh mẽ. Tỷ giá Euro/USD không đổi.
- Công bố chương trình “Operation Twist” của Fed hôm 21/9 khiến thị trường thất vọng.
- Việc hạ mức xếp hạng tín nhiệm 3 ngân hàng lớn của Mỹ gây sức ép lớn lên nhà đầu tư.
- E ngại rủi ro dẫn đến nhu cầu tìm đến đồng USD như một “nơi trú ẩn an toàn”
- Đồng USD lên giá mạnh khiến giá hàng hóa khác giảm sâu
- Triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm hơn bao giờ hết khi tăng trưởng kinh tế yếu kém tại 3 khu vực lớn: Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu, và mới đây là Trung Quốc (số liệu tháng 9)
Phiên giao dịch hôm qua (22/9), chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã vượt lên mức 78,80 điểm, cao chưa từng có kể từ ngày 18/1 tới nay. Mặc dù hiện tại (tới 7h15 phút theo giờ Việt Nam), chỉ số này đã giảm xuống 78,10 điểm, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với Euro, dollar Australia và dollar Canada.
Đóng cửa trước đó, tại châu Á phiên 22/9, đồng USD cũng đã lấy lại được sức sống khi tăng giá mạnh mẽ so với một số đồng tiền châu Á, như đồng SGD, Won hay TWD, do nhà đầu tư ngại bị rủi ro sau vài tháng rơi vào tình trạng bán tháo xuất phát từ chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ.
Phiên 22/9 ở Tokyo, đồng USD tăng từ mức 76,48 Yên/USD trong phiên 21/9 ở New York lên 76,73 Yên/USD. Trong khi đó, đồng Euro được giao dịch với giá 104,1 Yên/Euro, so với mức 103,74 Yên/Euro trong phiên trước. Còn tỷ giá Euro/USD không đổi, đứng ở mức 1,3562 USD/Euro.
Hôm 21/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố chương trình mang tên "Operation Twist" nhằm giảm lãi suất dài hạn và kích thích nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn, đồng thời vẽ nên một bức tranh ảm đạm của nền kinh tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao và thị trường nhà ở “nguội lạnh”.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) cho biết sẽ bán 400 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn (dưới 3 năm) để mua số lượng tương đương trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn (6-30 năm) tới cuối tháng 6/2012, một trong những nỗ lực mới nhất để kích thích tăng trưởng của nước này.
Động thái này không có nghĩa là Mỹ sẽ in thêm tiền vào hệ thống mà sẽ giúp hạ lãi suất, đồng thời thúc các ngân hàng đang dồi dào tiền mặt đưa nguồn dự trữ nhàn rỗi này vào hoạt động. John Kyriakopoulos, chiến lược gia về ngoai hối của Ngân hàng quốc gia Australia nhận định, quyết định trên của FED khiến thị trường thất vọng.
Thêm vào đó, việc hãng xếp hạng tín dụng Moody's đã hạ mức tín nhiệm đối với ba ngân hàng lớn của Mỹ là Bank of America, Wells Fargo và Citigroup vì cho rằng những thể chế này sẽ khó có thể được Chính phủ Mỹ cứu trợ như trước đây nếu rơi vào tình trạng bất ổn, cũng gây sức ép lớn đối với nhà đầu tư.
Cụ thể, theo quyết định của Moody's, Bank of America, ngân hàng có số lượng tiền gửi lớn nhất nước Mỹ, bị hạ tới hai bậc tín nhiệm, từ A2 xuống Baa1. Wells Fargo bị đánh tụt từ mức A1 xuống A2, trong khi Citigroup chỉ bị Moody's hạ mức tín nhiệm chỉ số ngắn hạn từ Prime-1 xuống Prime-2.
Moody's đã viện dẫn Luật Dodd-Frank, trong đó nêu rõ người nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng lớn sẽ phải chịu rủi ro khi các ngân hành này có nguy cơ phá sản. Theo các chuyên gia Moody's, điều này cho thấy Chính phủ Mỹ đang rút dần các cam kết trước đây nhằm cứu trợ những ngân hàng lớn trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 vừa qua.
Trong giai đoạn tồi tệ của "bão" tài chính, Washington đã chi hàng trăm tỷ USD để giải cứu các "đại gia" tài chính nhằm tránh một sự đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Tuy nhiên, theo Moody's, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn sẽ tiếp tục dành sự hỗ trợ nhất định đối với một số thể chế được đánh giá quan trọng đối với hệ thống tài chính Mỹ nói chung.
Ngay sau khi Moody's công bố quyết định hạ mức tín nhiệm, cổ phiếu của Bank of America và Citigroup trên sàn giao dịch New York đã lần lượt giảm 2,9% và 0,4%, trong khi cổ phiếu của Wells Fargo không thay đổi cho tới cuối phiên.
Cũng trong ngày 21/9, hãng xếp hạng tín dụng uy tín Standard & Poor's (S&P) đã hạ mức tín nhiệm của bảy ngân hàng Italy, hai ngày sau khi hãng này hạ chỉ số tín nhiệm nợ công của Italy từ mức A+/A-1+ xuống A/A-1, viện dẫn tình trạng suy yếu trong các khu vực kinh tế, chính trị và tài chính.
Chỉ số tín nhiệm dài hạn của các ngân hàng Mediobanca, Findomestic, Intesa Sanpaolo và ba chi nhánh gồm Banca Imi, Cassa Risparmio Bologna và Biis đã bị đánh tụt từ mức A+ xuống A. Tuy nhiên, chỉ số tín nhiệm về ngắn hạn của các ngân hàng trên vẫn duy trì ở mức A-1. Trong khi đó, chỉ số tín nhiệm của ngân hàng BNL bị hạ xuống mức A+/A-1-.
Ngân hàng lớn nhất của Italy là Unicredit mặc dù tránh được việc bị đánh tụt mức xếp hạng tín dụng vào thời điểm này, song bị đánh giá có triển vọng tiêu cực.
Động thái trên diễn ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi Italy công bố gói các biện pháp thắt lưng buộc bụng thứ hai trong vòng hai tháng qua, trị giá 54,2 tỷ Euro (74,1 tỷ USD), nhằm giúp nước này tái cân bằng ngân sách vào năm 2013.
Những số liệu liên tiếp về tình hình tài chính quốc tế cho thấy đầy rủi ro, nguy cơ đang đua nhau đe dọa sự tồn vong của các thị trường, đã khiến nhà đầu tư càng cảm thấy bất an. Kết quả là, tâm lý e ngại rủi ro theo thang, làm thúc đẩy nhu cầu tìm đến đồng USD như một "nơi trú ẩn an toàn".
Cộng thêm vào đó, theo hãng tin Reuters, Nhật Bản hôm qua tái khẳng định sẵn sàng can thiệp thị trường để ngăn chặn đà tăng giá quá mức của đồng Yên, nhằm tránh cho nền kinh tế bị tác động nhiều chiều từ triển vọng mờ mịt của kinh tế thế giới. Nếu việc này xảy ra, USD có thể còn tăng giá mạnh hơn.
Việc đồng USD lên giá mạnh, đã o bế và đẩy giá các loại hàng hóa khác giảm sâu. Đêm qua, giá vàng giao ngay trượt hơn 2,4%, xuống 1.735 USD/ounce, thấp nhất kể từ tháng 8. Trong khi, giá vàng giao tháng 12 giảm tới 70 USD xuống 1.737,1 USD/ounce. Như vậy, kể từ đầu tháng 9, giá vàng đã giảm 4,8%, đưa mức tăng từ đầu năm xuống còn 25%.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt giảm 391,01 điểm, tương ứng 3,51%, xuống còn 10.733,83 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 37,20 điểm, tương ứng 3,19%, xuống còn 1.129,56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 82,52 điểm, tương ứng 3,25%, xuống 2.455,67 điểm.
Tình hình suy giảm còn diễn biến tồi tệ hơn với các sàn chứng khoán khu vực châu Âu. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 4,67% xuống 5.041,61 điểm. Chỉ số DAX của Đức trượt giảm 4,96% xuống chốt ở 5.164,21 điểm. Chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp bốc hơi 5,25% xuống 2.781,68 điểm.
Trên thị trường "vàng đen", đêm qua, giá dầu thô ngọt, nhẹ hợp đồng tháng 11 giảm tới 5,41 USD, tương ứng 6,3%, xuống 80,51 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Trong phiên, mức giá thấp nhất của dầu kỳ hạn loại này là 79,66 USD, cao nhất là 85 USD/thùng. Giá xăng tháng 10 cũng giảm tới 4%, xuống mức 2,56 USD/gallon.
Ngoài yếu tố USD, đà bán tháo và suy giảm trên các thị trường vàng, dầu, chứng khoán vốn dĩ còn chịu một cú đánh khác từ số liệu tăng trưởng kinh tế yếu kém từ Trung Quốc, khu vực đồng tiền chung châu Âu và trước đó là Mỹ (theo nhận định tăm tối của Cục Dự trữ Liên bang), khiến bức tranh triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên u ám hơn lúc nào hết.
Hôm qua, các số liệu kinh tế đánh giá nhanh cho thấy, lĩnh vực sản xuất Trung Quốc tháng 9 suy giảm. Theo kết quả điều tra ban đầu của ngân hàng HSBC về hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, chỉ số quản lý sức mua tháng 9 của nước này giảm xuống 49,4 điểm, từ mức 49,9 điểm trong tháng 8.
Tại châu Âu, chỉ số quản lý sức mua tổng hợp (PMI) của cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tại khu vực đồng tiền chung đã giảm xuống dưới 50 điểm, lần đầu tiên kể từ tháng 7/2009. Chỉ số PMI giảm xuống 49,2 điểm trong tháng này so với 50,7 trong tháng 8, thấp hơn dự báo 49,8 điểm của các chuyên gia kinh tế.
Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC, tỷ phú George Soros cho rằng Mỹ đang gánh chịu tác động của suy thoái kép và việc Đảng Cộng hòa phản đối kế hoạch kích thích tài chính của Tổng thống Obama là nguyên nhân khiến nền kinh tế tăng trưởng ảm đạm.
“Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm và mâu thuẫn về việc liệu người giàu có phải trả thuế để tạo việc làm hay không. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang bắt đầu quá trình cân đối ngân sách trong dài hạn nhưng cần phải có các gói kích thích tài chính ngắn hạn. Đây được xem là một chính sách đúng đắn”, ông nói.
Tỷ phú Soros cũng cho rằng, các nhà hoạch định chính sách khu vực đồng Euro đã liên tục áp dụng các chính sách sai lầm, khiến tác động của tình hình tại châu Âu đến hệ thống tài chính toàn cầu “nguy hiểm hơn” sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008.
Còn theo David Watt, chiến lược gia thu nhập và tiền tệ cao cấp của hãng RBC Capital Markets, những vấn đề tài chính chưa được giải quyết ở khu vực đồng Euro, cùng sự không rõ ràng về độ ổn định tài chính ở khu vực này cũng như ở Mỹ cho thấy các nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, số liệu từ Trung Quốc càng khiến những lo sợ tăng cấp.
Theo Hồng Ngọc