Đồng yên Nhật tăng vọt
Đồng yên tăng lên mức cao nhất kể từ 2014 đang đe dọa nỗ lực thúc đẩy lạm phát của NHTW Nhật Bản - vốn là một phần trong chiến lược vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Tại sàn giao dịch New York, đồng yên đã có lúc chọc thủng mức tỷ giá 110 yên đổi 1 USD. Đây là mức “tỷ giá nhạy cảm” mà theo các chiến lược gia có thể làm tăng nguy cơ Chính phủ Nhật phải can thiệp lên thị trường.
Con số tăng trưởng 9% đã đưa đồng yên góp mặt vào nhóm 10 đồng tiền mạnh nhất trong năm nay. Trong khi các đồng tiền khác (kể cả nhóm tiền tệ mạnh) đồng loạt giảm vì nỗi lo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu thì đồng yên tăng giá. Chiều hôm qua tính theo giờ New York, tỷ giá yên tiếp tục tăng 0,9%, chạm đỉnh 110,34 yên đổi 1 USD, sau khi chạm mốc 109,95 yên đổi 1 USD. So với đồng euro, yên tăng khoảng 1% đạt 125,61 yên đổi 1 euro.
Trước đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, chính phủ vẫn đang dõi theo từng động thái trên sàn giao dịch ngoại hối. Thống đốc ngân hàng Haruhiko Kuroda cho biết ông sẽ duy trì kiểm soát thị trường tiền tệ và có khả năng sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất.
Các nhà phân tích đều dự đoán rằng giới chức Nhật Bản sẽ có động thái can thiệp hạn chế sự tăng giá của đồng yên. Kể từ năm 2011, Nhật Bản chưa lần nào can thiệp vào đồng tiền của mình.
Trưởng phòng chiến lược tiền tệ ngân hàng HSBC chi nhánh New York - Daragh Maher nhận định, “Đồng yên từ bấy lâu nay đều không có rủi ro. Nó giống như một đồng tiền ngoại lai trên thị trường tiền tệ đầy ắp lo lắng.” Chiến lược gia tại HSBC nhận định mức 110 yên đổi 1 USD là “mức tỷ giá tâm lý quan trọng” làm khơi dậy lo lắng về động thái can thiệp của chính phủ do điều này xung đột trực tiếp đến lợi ích của các tập đoàn kinh tế Nhật Bản.
Sự tăng giá đồng yên trong năm 2016 cũng cho thấy sức ảnh hưởng đang phai nhạt của Trung Quốc lên các mối quan hệ kinh tế toàn cầu. Cùng với phản ứng của giới chức Nhật, bước nhảy vọt của đồng yên phản ánh thách thức mà các đồng tiền mạnh đang phải đối mặt trong bối cảnh thị trường biến động liên tục.
Một đồng tiền yếu là nhân tố chính trong nỗ lực của ông Kuroda nhằm thúc đẩy lạm phát lên 2% thông qua chính sách kích thích tiền tệ. Chỉ số tiêu dùng chuẩn của NHTW Nhật Bản đã tiến gần tới mức 0% trong suốt 1 năm qua.