MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng yên sẽ giảm sâu hơn nữa?

04-11-2014 - 16:38 PM | Tài chính quốc tế

Động thái bất ngờ tung ra chương trình nới lỏng định lượng của ngân hàng này đã khiến đồng yên giảm 2,5% và chạm đáy thấp nhất 6 năm so với đồng USD.

Năm ngoái, đồng yên đã giảm tổng cộng 11% do những chính sách nới lỏng mà Thủ tướng Abe áp dụng để chống đỡ với giảm phát và tình trạng trì trệ của nền kinh tế. Thứ 6 tuần trước, NHTW Nhật Bản (Bank of Japan – BoJ) vừa “đổ thêm dầu vào lửa”. Động thái bất ngờ tung ra chương trình nới lỏng định lượng của ngân hàng này đã khiến đồng yên giảm 2,5% và chạm đáy thấp nhất 6 năm so với đồng USD.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đà giảm của đồng tiền này chắc chắn vẫn chưa chấm dứt.

Động thái của BoJ được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chấm dứt QE3. Nói cách khác, Nhật Bản đã “nạp thêm đạn vào khẩu đại bác” tại chính thời điểm Fed buông tay. Đối với các nhà giao dịch tiền tệ, đây là thời điểm chỉ có một lần trong đời.

Theo Derek Halpenny, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Bank of Tokyo Mitsubishi, lần này BoJ mua vào với quy mô lớn chưa từng thấy. Với tốc độ này, đến cuối năm 2015, tổng tài sản trên bảng cân đối kế toán của BoJ sẽ tăng lên mức 380.000 tỷ yên, tương đương 75% GDP Nhật Bản. 

Chuyên gia này nhận xét đây là tín hiệu rõ nét nhất cho thấy ngài Chủ tịch của BoJ đang chuẩn bị “làm bất cứ điều gì có thể” giống như lời hứa của người đồng nghiệp của ECB khi châu Âu cố gắng thoát khỏi khủng hoảng nợ. 

Trên thị trường ngoại hối, các nhà đầu tư đều đang nắm giữ vị thế bán đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác là euro, yên, đôla Australia, franc Thụy Sĩ, đôla Canada, peso Mexico, bảng Anh và đôla New Zealand. Đồng USD đã liên tục tăng giá nhờ sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và Fed thắt chặt chính sách với tốc độ nhanh hơn so với các NHTW khác trên toàn cầu.

Vậy thì đồng USD còn có thể lên cao đến đâu so với đồng yên?

Carl Forcheski, chuyên gia kinh doanh ngoại hối đến từ Societe Generale, cho rằng mốc 115 yên đổi 1 USD hoàn toàn có thể xảy ra trong nay mai. 

Sau thông báo hôm thứ 6 của BoJ, Jens Nordvig – chuyên gia tiền tệ tại Nomura – đã ngay lập tức điều chỉnh mức dự báo quý IV cho cặp tỷ giá USD/yên từ 112 lên 115.

Có một lý do khác để giới phân tích cho rằng đồng yên còn có thể giảm mạnh hơn nữa so với USD: sự điều chỉnh chưa lên đến đỉnh điểm. Nói cách khác, mặc dù số liệu tuần về các hợp đồng tương lai cho thấy nhà đầu tư dự báo USD sẽ mạnh lên so với yên, mức độ vẫn chưa mạnh bằng trong quá khứ. Một phần nguyên nhân là do chính phủ Nhật Bản gần đây nói rất nhiều về những tác động tiêu cực từ đồng yên yếu.

Trên thực tế, trước cuộc họp quan trọng vừa qua của BoJ, khối lượng đặt cược vào khả năng đồng yên giảm giá đã giảm xuống còn 7,8 tỷ USD và đã giảm 4 tuần liên tiếp. Điều này cũng phản ánh các bên trên thị trường hoàn toàn không lường trước được động thái của BoJ. 

Đồng yên yếu đi có thể buộc các NHTW khác phải hành động để đồng nội tệ của họ yếu đi trong môi trường tăng trưởng yếu ớt như hiện nay. Forcheski khẳng định chắc chắn điều này sẽ khiến ECB phải chú ý. Tỷ giá euro/yên như hiện nay có những tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Đức và Eurozone. 

Đồng yên yếu có ý nghĩa gì với chứng khoán toàn cầu?

Sự kiện NHTW các nước đồng loạt bơm tiền trong thời gian qua đã tạo nên làn sóng tăng điểm mạnh mẽ cho chứng khoán toàn cầu. Kết thúc tuần, các chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều đạt mốc kỷ lục. Riêng ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng vọt 4,8% - cao nhất 7 năm. Rất nhiều người tự hỏi liệu NHTW Nhật Bản có thể tạo nên hiệu ứng giống như Fed đã làm đối với thị trường toàn cầu.

Tobias Levkovich, chuyên gia đến từ Citigroup, cho rằng rõ ràng là thông báo của BoJ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Ngoài tăng thêm cung tiền, quỹ hưu trí của Nhật Bản cũng tăng thêm số cổ phiếu nước ngoài mà quỹ này nắm giữ. Đây là điều có lợi cho thị trường chứng khoán, đặc biệt là TTCK Mỹ. 


Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất ở đây là nếu như Nhật Bản thành công trong việc khiến đồng yên yếu đi và giúp TTCK tăng điểm như dự báo, liệu Nhật Bản có thể đạt được mục tiêu cuối cùng là chấm dứt giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hầu hết các chuyên gia kinh tế cũng như nhà giao dịch và các chiến lược gia đều không tự tin với câu hỏi này. Họ chỉ tin vào một điều duy nhất: Đừng chống lại NHTW Nhật Bản!



Thu Hương

huongnt

CNBC

Trở lên trên