Du khách nước ngoài kể trải nghiệm Triều Tiên
Ngày càng có nhiều du khách nước ngoài đặt chân tới quốc gia đóng kín này và họ đã kể về những trải nghiệm có thực.
Theo trang CNBC, truyền thông quốc tế thường nói về Triều Tiên như một quốc gia bí ẩn và có phần… đáng sợ, nhưng độ chính xác của những bài báo như vậy vẫn còn chưa được kiểm chứng. Ngày càng có nhiều du khách nước ngoài đặt chân tới quốc gia đóng kín này và họ đã kể về những trải nghiệm có thực và rất sống động ở Triều Tiên.
Nói chuyện với CNBC, Catherine Blair, một giáo viên tiểu học 33 tuổi đến từ Anh, cho biết, cô đã bị “thôi miên” sau khi xem những hình ảnh trong một bộ phim tài liệu về các cuộc đồng diễn của Triều Tiên. Năm 2013, cô quyết định tới thăm đất nước này, và chuyến đi đã “xe duyên” cô với người bạn trai hiện tại, một người Australia đi cùng chuyến đó.
“Lúc đầu, tôi không hề kỳ vọng sẽ quen ai đó trong chuyến đi, nhưng tôi cũng không nghĩ điều đó hoàn toàn không xảy ra, bởi những người phải như thế nào đó mới thích tới Triều Tiên. Những người đi cùng chuyến với tôi có tính cách và sở thích du lịch khá giống nhau… Tuy vậy, Triều Tiên vẫn là một nơi khác lạ để gặp gỡ và làm quen”, Catherine nói.
Triều Tiên mở cửa cho du khách quốc tế từ năm 1998, nhưng nhiều người không biết về điều này. Năm 2011, Bình Nhưỡng đẩy mạnh chào đón khách và báo chí nước ngoài như một nỗ lực nhằm kích thích nền kinh tế kiệt quệ.
Từ đó, theo các công ty chuyên tổ chức tour tới Triều Tiên, sự quan tâm của du khách quốc tế tới nước này ngày càng tăng. Để tới Triều Tiên, khách nước ngoài chỉ có con đường duy nhất là đi theo tour của các công ty lữ hành.
“Nhu cầu đối với dịch vụ của chúng tôi hiện tăng gấp 10 lần so với cách đây 1 thập niên”, Simon Cockrekell, Tổng giám đốc Koryo Tours, một công ty tour ở Bắc Kinh chuyên tổ chức các chuyến đi Triều Tiên, cho biết. Theo ông Cockerell, trong vòng 1 năm qua, có khoảng 5.000 người phương Tây và 30.000 người Trung Quốc tới thăm Triều Tiên, nhưng trong đó có nhiều người Trung Quốc chỉ sang thăm trong ngày rồi về luôn.
“Triều Tiên hấp dẫn những du khách có máu phiêu lưu. Tuy vậy, khả năng tăng trưởng của thị trường du lịch này chắc chắn sẽ lớn”, ông Cockerell nhận định.
Sophia Khan, một cô gái 23 tuổi người Mỹ, đã kể với CNBC về chuyến thăm Triều Tiên vào năm ngoái của cô. Sophia nói, chuyến thăm đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm trước đó của cô về Triều Tiên.
Người Triều Tiên sống trong một đất nước đóng kín, không được dùng Internet, bị cấm đi ra nước ngoài, và phải chịu nhiều sự hạn chế khác.
“Lúc đầu, tôi cứ nghĩ người Triều Tiên nào cũng giống như người máy, chẳng biết mỉm cười, nói chuyện hài hước hay có tính cách riêng”, Sophia kể. Nhưng khi đến nơi, cô thấy người triều Tiên khá sôi nổi và tò mò. “Các cô phục vụ bàn ồ lên khi tôi nói tôi đến từ Los Angeles. Họ hát cho tôi nghe các bài hát của Backstreet Boys, Britney Spears và Madonna. Một vài người đàn ông Triều Tiên thậm chí công khai tán tỉnh tôi, khiến tôi cảm thấy sốc”, Sophia nhớ lại.
Luôn được các hướng dẫn viên du lịch người Triều Tiên theo sát, du khách có thể tự mình đánh giá mức độ khả tin của các thông tin được cung cấp.
“Nếu họ nói về lịch sử của một ngọn núi hay quá trình xây dựng một nhà hàng, bạn có thể tin là họ không nói dối nhiều. Nhưng nếu họ nói về các cuộc chiến tranh hay sức mạnh quân sự, hãy cứ im lặng gật đầu rồi kiểm chứng thông tin sau”, Sophia nói. “Lần duy nhất huyết áp tôi tăng không thể kiểm soát được là khi họ cho chúng tôi xem một đoạn băng video nói họ đánh thắng người Mỹ với những chuyện không tưởng về nước Mỹ và chiến tranh”.
Cô giáo người Anh Catherine thì kể, nhóm của cô chỉ được đưa đến thăm “những gì tốt đẹp nhất” của Triều Tiên. “Chúng tôi không thể tự mình đi thăm đâu đó… chẳng có gì tự phát cả”, cô nói.
Theo ông Cockerell, Giám đốc Koryo Tours, du lịch tới Triều Tiên an toàn miễn là du khách tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Trong đó, không công khai chỉ trích Chính phủ Triều Tiên là quy tắc quan trọng nhất. Ngoài ra, du khách cũng được khuyến cáo tuân thủ một số quy định về trang phục và không được chụp ảnh ở những nơi bị cấm.
“Nếu bạn tỏ thái độ hung hăng hoặc tiêu cực thái quá về lối sống của họ, thì người gặp rắc rối không phải là bạn, mà là hướng dẫn viên du lịch đi cùng bạn”, Catherine nói.
Sophia kể thêm, cả nhóm của cô đã gặp một tình huống khó khăn khi một thành viên bất ngờ bị nôn ở gần khu tượng đài đảng Lao động Triều Tiên. Hướng dẫn viên du lịch người Mỹ đi cùng nhóm đã ra sức xin lỗi những người lính Triều Tiên đứng gác ở khu tượng đài, nhưng họ vẫn muốn lôi du khách bị nôn xuống khỏi xe bus khi chiếc xe sắp rời đi. “Sau đó, công ty tổ chức tour này đã bị cấm tới thăm khu tượng đài”, Sophia cho hay.
Ở thời điểm hiện tại, Triều Tiên đang đóng cửa với du khách quốc tế vì lo ngại sự xuất hiện của dịch Ebola.
Theo Diệp Vũ