Đức phản đối gói nới lỏng định lượng
Phản đối nới lỏng định lượng là tiếng nói chung ở Đức, khi người dân lo ngại cuộc sống vốn đang đầy đủ, ổn định của họ sẽ bị đảo lộn.
- 10-07-2014FED sẽ sớm chấm dứt gói nới lỏng định lượng QE3
- 10-01-2014FED công bố lộ trình nới lỏng QE3
- 18-12-2013Gói kích thích kinh tế QE3 còn hay hết?
- 09-12-2013Thất nghiệp Mỹ giảm mạnh, FED sắp cắt giảm QE3?
- 23-09-2013Hàn Quốc ứng phó với việc Fed rút dần gói QE3
- 23-09-2013Duy trì QE3 - "Con dao hai lưỡi"
Các thị trường chứng khoán châu Âu ngày 5/3 tràn ngập màu xanh trước thềm cuộc họp của ECB. Những nước đang chìm sâu trong suy thoái như Hy Lạp, hay nước có tỉ lệ thất nghiệp cao như Tây Ban Nha nhiệt liệt hoan nghênh gói nới lỏng định lượng của ECB, cho rằng gói kích cầu này sẽ có những tác động rất tích cực lên kinh tế cả khu vực. Tuy nhiên, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu tuy chấp nhận gói nới lỏng định lượng, nhưng lại trong một tâm thế khá miễn cưỡng.
Ông Dimitrios đã rời quê hương Hy Lạp đến Berlin 38 năm nay. Nhà hàng Niko Ach của ông tối nào cũng đông khách. Không chỉ là nguồn sống của ông Dimitrios, nhà hàng còn giúp những người thân của ông tại Hy Lạp. Ông Dimitrios Karafilidis cho biết: “Chị và anh rể của tôi đều thất nghiệp, ở Hy Lạp giờ khó khăn lắm nên họ chẳng biết xoay sở thế nào”.
Giữa không khí ấm cúng, đông vui của nhà hàng, các thực khách đều bày tỏ sự hài lòng tuyệt đối với những món ăn truyền thống của Hy Lạp. "Ẩm thực Hy Lạp thật tuyệt, mấy món này ngon miễn chê!”, một nữ khách hàng nhận xét.
Thế nhưng, lại chẳng mấy người tỏ ra hài lòng với tình hình hiện tại của Hy Lạp trong bối cảnh quan hệ với cả cộng đồng Eurozone. “Tiền cứu trợ, rồi kích thích kinh tế đổ vào Hy Lạp chẳng hiệu quả. Nếu cứ tiếp tục giúp thì họ sẽ không bao giờ tự khá lên được”.
Một khách hàng khác cho rằng: “Tôi rất thông cảm với tình trạng khó khăn của họ, nhưng họ tự rơi vào suy thoái, tự vay nợ thì phải tự trả tiền thôi, sao lại đổ gánh nặng lên đầu chúng tôi?”.
Phản đối nới lỏng định lượng là tiếng nói chung ở Đức, khi người dân lo ngại cuộc sống vốn đang đầy đủ, ổn định của họ sẽ bị đảo lộn. Bởi kế hoạch mua trái phiếu chứa đựng rủi ro có khả năng khiến thua lỗ từ các quốc gia bên bờ vỡ nợ như Hy Lạp hay Tây Ban Nha lan sang quốc gia khác trong khối, khiến các nước như Đức bị “vạ lây”.
Còn các chuyên gia kinh tế lại nhận định, việc trợ giúp có thể tạo ra cái cớ để các nước thành viên Eurozone không thực hiện các biện pháp cải cách cần thiết.
Ông Markus Ferber, Nghị sĩ Đức, Nghị viện châu Âu nhấn mạnh: “Nước Đức ủng hộ quan điểm rằng các nền kinh tế phải tự tăng trưởng nội địa một cách vững chãi và lành mạnh, chứ không phải bằng những nguồn viện trợ quá dễ dàng để thúc đẩy tăng trưởng một cách cưỡng ép”.
Bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức phát biểu: “Đức sẽ ủng hộ quyết định của ECB cho lợi ích chung của khối, nhưng sự phục hồi kinh tế lâu dài phải đến từ những cải cách cơ cấu thực sự”.
Tuy kế hoạch mua trái phiếu trị giá hơn 1.000 tỉ euro đã được ECB thông qua, và Đức cũng đã miễn cưỡng đồng tình, việc bất đồng quan điểm giữa Đức - đầu tàu kinh tế Eurozone và các nước còn lại nhiều khả năng sẽ gây ra những thách thức lớn trong quá trình áp dụng chương trình nới lỏng định lượng.